Cư dân New Orleans nương tựa vào nhau sau cơn bão Ida
Không có điện, khí đốt, thực phẩm hay kết nối điện thoại di động, cư dân New Orleans tương trợ lẫn nhau
Sau cơn bão Ida, New Orleans chìm trong một sự im ắng lạ thường.
Tiếng rè rè của một vài chiếc máy phát điện cùng tiếng nước bắn tung tóe khi những chiếc xe hơi lướt trong mực nước ngập cao cả tấc là những tiếng ồn duy nhất trong hiện tại. Một lớp bùn lầy phủ dày mặt đất. Trong khoảng thời gian này, không có rào cản nào giữa thiên nhiên và người dân của vùng đầm lầy này.
Điều duy nhất mà gần 430,000 người dân của Quận Jefferson thuộc New Orleans có là sự có mặt của nhau. Nhưng vậy là đủ rồi.
Khi không có điện, toàn bộ thành phố hoạt động dựa trên sự hợp tác và tin tưởng. Người dân địa phương gác lại những bi kịch của riêng mình và làm việc để giúp đỡ những người hàng xóm của họ.
Bão tố
Tại Jefferson, dòng nước của bão Ida tràn ngập con đê.
Ông Joseph Casso, một người dân địa phương cho biết, khi dòng nước đầu tiên dâng lên đến đỉnh bờ đê, chúng đã bị rào chắn làm bằng những bao cát dự phòng chặn lại. Nhưng rồi các nhân viên cứu hộ đã phải phá bỏ nó đi.
“Tới một lúc nào đó, người ta phải đi giải cứu những người ở khu vực Lafitte thấp hơn. Vì thế, họ đã phải phá bỏ các bao cát để nước tràn vào,” ông nói.
Nước đã tràn vào những vùng còn lại của thành phố.
Chỉ cách đây vài ngày, toàn bộ khu vực lân cận đã bị ngập trong làn nước sâu 4 feet (khoảng 1.2 m), cư dân địa phương Taddese Tewelde cho biết.
Ông Tewelde sở hữu một cửa hàng tạp hóa Piggly Wiggly tại địa phương. Khi nước lũ tràn vào, chúng đã phá hủy phần lớn cửa hàng của ông. Giờ đây, ông đang cung cấp miễn phí các mặt hàng thiết yếu còn lại của mình.
Ông nói: “Phần khó khăn nhất là thỏa thuận với các công ty bảo hiểm. Họ không có lòng thương xót. Ngoài việc đó ra, tất cả việc dọn dẹp này sẽ trôi qua.”
Khôi phục liên lạc để chống lũ
Ông Bobby Matherne, một cư dân địa phương, cho biết ưu tiên hàng đầu sau thảm họa không phải là thực phẩm, máy điều hòa, nước, hay là xăng. Thay vào đó là việc khôi phục tín hiệu điện thoại và Internet. Các dịch vụ khẩn cấp đều cần liên lạc thông suốt.
“Không ai có thể giao tiếp mà không cần đến nó,” ông Matherne nói.
Cùng với những người đàn ông khác, ông Matherne làm việc để đổ xăng từ một thùng phi vào các can lớn. Họ đặt các can này vào một chiếc xe bán tải kéo một chiếc xuồng máy đáy phẳng.
Trong cơn bão, ông Matherne đã ở nhà. Khi nhận ra cơn bão quá mạnh, ông đã đi tránh ở nơi khác. Ông thậm chí không có thời gian để giải cứu đàn gà của mình; 14 con trong số đó đã chết. Khi quay trở về, ông đã bắt tay vào việc sửa chữa lại khu phố.
Không có điện, các tháp điện thoại di động dựa vào các máy phát điện chạy bằng dầu diesel được ông Matherne cùng những người khác đổ đầy. Ông Matherne đã lái xe khoảng 100 dặm và tự mình chi trả cho thùng xăng đó. Ông mong sẽ được công ty mình trả lại số tiền này. Xăng được dùng làm nhiên liệu cho con thuyền chở dầu diesel đến chỗ các máy phát điện.
Những nỗ lực của họ đã được đền đáp. Đến hôm 03/09, chỉ năm ngày sau cơn bão, Quận Jefferson đã có năm vạch tín hiệu điện thoại di động.
Tìm kiếm thực phẩm
Ngập lụt không phải là thiệt hại duy nhất mà bão Ida gây ra. Không có điện, nên tủ lạnh ngừng hoạt động. Những cửa hàng và nhà hàng qua được trận lụt này chẳng mấy chốc nhận ra rằng họ đã hết thực phẩm.
Để trợ giúp, tổ chức World Central Kitchen của đầu bếp từng đoạt giải thưởng José Andrés đã chuẩn bị những bữa ăn nóng hổi cho các nạn nhân bão trên khắp tiểu bang Louisiana.
Nhà thờ Công giáo St. Anthony tại đây đã phân phát những suất ăn này cho người dân địa phương tại một căn lều bên ngoài nhà thờ bị nước lũ tàn phá. Phần ăn có món thịt gà tẩm gia vị và cơm, cùng bánh mì muffuletta thịnh soạn. Không có điện, thức ăn còn nóng rất khó kiếm được tại thành phố này.
Các tình nguyện viên đã trao thức ăn cho các tài xế đến từ khu vực lân cận. Tuy nhiên, họ sẽ không tụ họp để tham dự Thánh lễ vào cuối tuần. Nhà thờ đã bị ngập nước 2 feet và hiện không sử dụng được.
Cha Luke Nguyễn cho biết, “Thánh lễ sẽ không được cử hành vào cuối tuần này. Cuộc sống của chúng tôi đã bị đảo lộn, vì vậy chúng tôi chỉ biết cầu Chúa mong ngài sẽ tiếp tục ban phước cho chúng tôi.”
Không còn một giọt nước để uống
Sau cơn bão Ida, nhiệt độ tại Quận Jefferson vẫn ở mức cao trong khoảng 80 đến 90 độ (F). Không có máy điều hòa không khí đồng nghĩa với việc mỗi ngày là một cuộc chiến mới chống lại cái nóng. Cư dân New Orleans đổ mồ hôi mà không cách nào tránh khỏi hay làm dịu đi.
Để sống sót, người dân cần uống nước một cách đều đặn. Tuy nhiên, cơn bão đã khiến nước máy bị ô nhiễm. Bên cạnh con đường đi qua Quận Jefferson, nước lũ mà bão Ida để lại bốc mùi hôi thối, sậm màu bùn lầy.
Giữa cái nóng sau bão, một chai nước mát lạnh là một món hàng quý hiếm.
Chấp sự của Nhà thờ St. Anthony, ông Ted Cain, đã mang nước từ một máy làm lạnh đến cho các cư dân khu vực lân cận.
Ông cho biết, “Đó là những gì họ đã cầu xin ngày hôm trước. Nước đá lạnh. Một anh chàng đã nói hôm đó, ‘Đây là ly nước lạnh đầu tiên tôi uống kể từ sau trận bão.’”
Các cư dân cho biết điện sẽ không có lại trong nhiều ngày. Để giúp bảo vệ những người khác trong cái nóng, một số gia đình dùng chung máy phát điện và nhà ở.
“Chúng tôi cảm thấy thật may mắn. Chúng tôi có một cái máy phát điện trong nhà, vì thế chúng tôi cho mọi người ở cùng mình. Chúng tôi cho tất cả hàng xóm của chúng tôi sử dụng máy phát điện của mình,” cư dân Andrea Burlette nói.
Có vẻ như cư dân Quận Jefferson có thể vượt qua đợt bão nhờ vào cộng đồng của họ. Cộng đồng cũng là lý do vì sao họ vẫn tiếp tục sinh sống ở một nơi dường như phải đối mặt với một trận “thủy tai” cứ mỗi vài thập niên.
“Nhiều người đang hỏi, ‘Tại sao quý vị không rời đi nếu quý vị muốn tránh lũ?’ Họ không hiểu,” một cư dân địa phương khác, ông Richard Bolott, nói. “Chúng tôi là những người bạn. Gia đình của chúng tôi ở nơi đây.”