Cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc ở Tây Tạng là lời cảnh báo đối với Ấn Độ
Theo hai cựu sĩ quan quân đội cao cấp thì việc Trung Cộng gần đây phô diễn sức mạnh quân sự ở Tây Tạng là một nỗ lực nhằm đe dọa nước láng giềng Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Nhưng New Delhi cho biết họ vẫn tự tin rằng họ là một đối thủ đáng gờm của Bắc Kinh.
Hồi cuối tháng Tám, Bộ chỉ huy Quân sự Tây Tạng (TMC) của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn. Ít nhất 10 lữ đoàn và trung đoàn trực thuộc PLA đã tham gia các cuộc tập trận gần biên giới đông bắc của Ấn Độ. Các cuộc tập trận này gần giống như các cuộc tập trận tấn công của lực lượng hải quân và không quân hồi tháng trước do PLA thực hiện gần bờ biển phía nam Đài Loan.
Trong tuần lễ từ ngày 06–12/09, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã phong hàm tướng cho ông Uông Hải Giang (Wang Haijiang), một sĩ quan cao cấp của PLA, trở thành người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến khu Tây bộ. Hiện nay, ông Uông đang phụ trách giám sát biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Cựu trung tướng J.S Bajwa nói với The Epoch Times, khi thực hiện các cuộc tập trận này ở gần biên giới Ấn Độ, Trung Cộng đang thể hiện một lập trường cứng rắn đối với Ấn Độ, vì họ tự chuẩn bị cho một cuộc đối đầu có khả năng xảy ra với quốc gia Nam Á này trong tương lai.
Do các cuộc tập trận được tổ chức ở độ cao gần 14,700 feet (4,500 mét) so với mực nước biển của Tây Tạng, nên vị cựu tham mưu trưởng, thuộc bộ tư lệnh miền đông kiêm tổng chỉ huy bộ binh của Quân đội Ấn Độ, cho biết điều này tạo điều kiện cần có cho hoạt động huấn luyện về độ cao và trong thời tiết giá lạnh để kiểm tra khả năng hoạt động của quân đội, thiết bị, và đạn dược của PLA.
Ông Bajwa nói rằng không có khả năng Trung Cộng sẽ chiếm được vĩnh viễn bất kỳ lãnh thổ nào ngoài khu vực tự trị Tây Tạng, nhưng lại cho rằng nhà cầm quyền này chỉ đang cố gắng duy trì vẻ ngoài là một thế lực đáng gờm.
Tranh chấp kéo dài
Mối đe dọa do PLA gây ra ở khu vực láng giềng Tây Tạng không khiến cho ông Bajwa lo lắng; ông nhận xét rằng xung đột biên giới với Trung Quốc không có gì mới. Các cuộc đụng độ nhỏ dọc biên giới tranh chấp hồi năm 2020 là đặc biệt dữ dội, dẫn đến những thương vong đầu tiên kể từ năm 1975.
Do căng thẳng tiếp tục duy trì ở mức cao giữa Bắc Kinh và New Delhi, ông Bajwa nói rằng sẽ khó mà giảm bớt được xung đột liên tục ở biên giới với Trung Cộng, và lưu ý rằng hai bên đã không có được bất kỳ bước tiến nào về mặt ngoại giao để giải quyết tranh chấp này.
Ông cho biết Ấn Độ sẽ vẫn duy trì “việc khai triển các lực lượng quân sự cần thiết tại một thời điểm nhất định gần khu vực này, và để có thể phản ứng trong thời gian ngắn.”
Ông Robert Maginnis, Trung tá Lục quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, cũng đồng tình, khi nói rằng “có vẻ như Ấn Độ sẽ kiên định chống lại bất kỳ cuộc xâm lược nào của Trung Cộng – và thực tế việc [Trung Cộng] phô bày một vài tuyệt kỹ trên dãy Himalaya thông qua một cuộc tập trận cho thấy họ cũng không có ý định lùi bước.”
Do bản chất lâu dài của cuộc xung đột biên giới này, ông Maginnis nghi ngờ rằng nhiều cuộc tranh chấp – mà một số trong đó là chí tử – sẽ tiếp tục xảy ra.
“Những người ở New Delhi phải hiểu rõ về những ý định đó của những người đang ở Bắc Kinh,” ông Maginnis nói với The Epoch Times. Bất chấp mối đe dọa từ Trung Quốc, ông cho biết quân đội Ấn Độ đã tự chứng tỏ họ được trang bị đầy đủ các vật liệu và vũ khí cần thiết để giao chiến với TMC, nếu cần.
Trung Cộng gây sức ép từ mọi mặt
Tuy nhiên, điều Ấn Độ cần phải đối mặt không chỉ là mối đe dọa quân sự của Trung Cộng.
Ông Maginnis chỉ ra một vấn đề lớn hơn: “Toàn bộ khu vực xung quanh tiểu lục địa Ấn Độ đã bị bao vây bởi các mối bang giao của Trung Quốc.” Ông lưu ý rằng những mối bang giao này bao gồm Afghanistan, Miến Điện (còn được gọi là Myanmar), Pakistan, Sri Lanka, v.v.
Ông nói chẳng hạn tại Sri Lanka ngày càng bị các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm lĩnh. Trong khi các dự án của Trung Quốc trước đây chỉ giới hạn ở miền nam Sri Lanka, thì nay Trung Quốc đang hiện diện ở miền bắc quốc gia này thông qua một số dự án cơ sở hạ tầng.
Với ông Maginnis, mối đe dọa kinh tế và mối đe dọa quân sự của Trung Cộng là không thể tách rời.
Ông nói: “Trung Cộng có mọi ý định thống trị khu vực này bằng mọi cách có thể.”
Ông Maginnis cho biết ông Tập có những tham vọng bá chủ “không chỉ đối với khu vực Á Châu mà còn đối với toàn thế giới.” Ông nói rằng những kế hoạch như vậy được bộc lộ qua sự xâm lược quân sự của Trung Cộng ở vùng Biển Đông đang tranh chấp, một khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp, và qua việc họ đe dọa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác như Indonesia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam.
Ông nói: “Vào năm 2049, mốc kỷ niệm 100 năm của chế độ cộng sản này ở Bắc Kinh, họ muốn đứng đầu thế giới về kinh tế và quân sự.”
Trình bày trước một Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết ý định mà Trung Quốc đã tuyên bố là “hoàn thành quá trình hiện đại hóa các lực lượng của họ vào năm 2035, và tạo dựng được một ‘quân đội đẳng cấp thế giới’ vào năm 2049.”
Theo ông Maginnis, như một phần trong chiến lược lớn của Trung Cộng, nhà cầm quyền này sẽ tiếp tục mọi nỗ lực để kiểm soát các quốc gia như Ấn Độ. Nhưng bất kỳ hành động nào nhắm vào Ấn Độ có lẽ sẽ không thành công.
Ông nói: “Ông Tập Cận Bình có một người láng giềng ở đó, tại New Delhi, sẵn sàng chống trả.”
Ông Maginnis lưu ý rằng, trong khi đó, Ấn Độ có thể sẽ được trợ giúp bởi mối quan hệ đang ấm lên với Hoa Kỳ. Trong năm qua, New Delhi đã gắn bó sâu sắc hơn với Hoa Thịnh Đốn trong bối cảnh tranh chấp đang leo thang với Trung Cộng. Tuy nhiên, trước sự rút lui gần đây của Hoa Kỳ và sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan, ông Maginnis đã bày tỏ lo ngại về cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực này.
Ông đặt ra câu hỏi, “Hoa Kỳ sẽ tiến xa đến mức nào để hỗ trợ một đồng minh đây?”