Cuộc thanh trừng Lực lượng Hỏa tiễn của ông Tập đã bị lộ
Bin Zhao và Cathy Yin-Garton
Các báo cáo tin tức gần đây cho thấy những nỗ lực ngày càng tăng của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm trấn áp những nhân vật chủ chốt trong các doanh nghiệp quân sự có liên kết với Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) – bao gồm các lĩnh vực quốc phòng, hàng không không gian, và vũ khí. Thông tin do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) công bố khẳng định chiến dịch thanh trừng sâu rộng này đã bắt đầu từ sáu tháng trước.
Theo CCDI hôm 20/09, chiến dịch này bắt đầu hồi tháng Ba năm nay. Mốc thời gian này trùng khớp với những hành động mà phe của ông Tập đã thực hiện nhằm củng cố toàn diện quyền lực ở trung tâm chính quyền trung ương. Sáu đội chuyên trách từ CCDI đã được cử đi làm hai đợt để điều tra CNNC – một bên tham gia quan trọng trong tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Cộng. Trọng tâm chính của các cuộc thanh tra này là mua sắm và quản lý chuỗi cung ứng, cũng như mua sắm dự phòng và đấu thầu.
Hôm 11/09, ký giả điều tra kỳ cựu người Trung Quốc Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian) tiết lộ rằng trong số những nhân vật chủ chốt của doanh nghiệp quân sự bị bắt giữ gần đây có ông Lưu Thạch Toàn (Liu Shiquan), chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc (hay Norinco); ông Viên Khiết (Yuan Jie), chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Không gian Trung Quốc; ông Trần Quốc Anh (Chen Guoying), tổng giám đốc Tập đoàn Khí giới Trung Quốc (còn gọi là Tập đoàn Công nghiệp Phương Nam); và ông Đàm Thụy Tùng (Tan Ruisong), cựu chủ tịch kiêm bí thư Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc.
Ngoài ra, một vài người trong các doanh nghiệp liên kết bị cách chức hồi tháng Ba cũng đã bị CCDI bắt giữ.
Ông Triệu nói với The Epoch Times: “Những người trong cuộc tiết lộ rằng những sự việc như vậy không thể giải quyết được chỉ với việc bắt giữ một vài cá nhân. Quân đội là một phe phái rộng lớn, tạo thành một hệ thống toàn diện bao gồm nhiều đội nhóm và phe cánh khác nhau.”
Ông nói thêm: “Cuộc thanh trừng quân đội này, được ngụy trang là một nỗ lực chống tham nhũng, mới chỉ bắt đầu. Trong những ngày tới, chiến dịch này dự kiến sẽ đi sâu hơn vào các nhánh và lá của những phe phái này, khiến tất cả họ phải bị thanh trừng toàn bộ.”
Rò rỉ thông tin mật: Ông Tập bày binh bố trận từ sáu tháng trước
Đào sâu vào thông tin lịch sử liên quan đến Lực lượng Hỏa tiễn, Cục Phát triển Thiết bị, và các doanh nghiệp công nghiệp quân sự, khi xem xét kỹ hơn sẽ thấy cuộc thanh trừng gần đây của ông Tập đối với Lực lượng Hỏa tiễn và các bộ phận trực thuộc lực lượng này là một chiến dịch được lên kế hoạch tỉ mỉ, bắt đầu từ sáu tháng trước.
Dựa trên một báo cáo của CCDI trong quá trình điều tra CNNC, sau sáu tháng thanh tra chuyên sâu, các đội này đã xác định các lĩnh vực cần phải có những cải thiện lớn trong các hệ thống quản lý mua sắm. Đáng chú ý, họ đã tìm thấy những lỗ hổng trong quản lý hợp đồng và phát hiện việc mua sắm quá mức từ một nguồn duy nhất. Các nhóm này đã vạch ra mười loại vấn đề liên quan đến quản lý nhà cung cấp và biên soạn một danh mục chi tiết hơn hai trăm vấn đề đã được xác định. Những phát hiện này sau đó được chuyển đến Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật của các tập đoàn nói trên, hay nói cách khác là ủy ban kỷ luật của các công ty bị thanh tra.
CNNC, được Trung Cộng công nhận là đơn vị tiên phong trong công nghệ hạt nhân, đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Đại học Kỹ thuật Lực lượng Hỏa tiễn vào ngày 20/06/2019. Thỏa thuận này nhấn mạnh việc thúc đẩy các cơ chế hợp tác, bao gồm xây dựng kỷ luật chung, hợp tác đào tạo nhân tài, trao đổi công nghệ tân tiến, và chia sẻ tài nguyên phòng thí nghiệm trong các chuỗi ngành công nghiệp mới nổi.
Nhà bình luận chính trị Lý Yến Minh (Li Yanming) đã tiến hành một phân tích, chỉ ra rằng trong giai đoạn nhạy cảm quanh Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Trung Cộng, thông tin mật từ Lực lượng Hỏa tiễn đã bị rò rỉ. Sau khi ông Tập được tái bổ nhiệm thành công tại Đại hội 20 và Hai Phiên họp, ông đã nhanh chóng cử sáu đội thanh tra đặc biệt đến 12 công ty con trực thuộc CNNC. Sau đó, vào khoảng thời gian diễn ra Hội nghị Bắc Đới Hà, Bộ chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn đã trải qua một cuộc thanh trừng toàn diện, nhấn mạnh sự chuẩn bị và đề phòng tỉ mỉ của ông Tập trước khi bắt giữ các lãnh đạo quân sự cao cấp trong Lực lượng Hỏa tiễn.
Cuộc nổi loạn của phe hồng nhị đại trong quân đội
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times hôm 13/09, học giả pháp lý Trung Quốc Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), hiện đang cư trú tại Úc, đã chia sẻ những kiến giải của mình từ các nguồn thông tin trong nội bộ Trung Cộng. Các nguồn tin tiết lộ rằng ông Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) – cựu chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn của Trung Cộng – đã bị thư ký của ông tố giác lên văn phòng Quân ủy Trung ương Trung Cộng; người này nói rằng quan điểm cá nhân của ông Lý mâu thuẫn với chiến lược tấn công Đài Loan của ông Tập.
Ông Viên cho biết ông Lý bề ngoài thì công khai ủng hộ chiến lược tấn công Đài Loan của ông Tập, nhưng về mặt cá nhân, thì ông và các đồng sự trong Lực lượng Hỏa tiễn lại đứng về phe hồng nhị đại trong quân đội – ông Lưu Á Châu (Liu Yazhou). Phe hồng nhị đại trong quân đội là một phe phái của các quan chức Trung Cộng, chính là hậu duệ của các sĩ quan đã chiến đấu trong các trận chiến đưa Trung Cộng lên nắm quyền. Theo quan điểm của họ, nếu Trung Cộng tấn công Đài Loan vào thời điểm hiện tại thì khả năng cao là PLA sẽ thất bại.
Ông Viên giải thích rằng ông Tập chủ yếu cai trị giới quan chức thông qua những phương pháp tình báo, và ông tin rằng toàn bộ Lực lượng Hỏa tiễn không trung thành với ông trên phương diện chính trị – điều này là một trở ngại cho những trù liệu của ông về việc khởi động một cuộc xung đột trên Eo biển Đài Loan. Kết quả là ông Tập Cận Bình bắt đầu thanh lọc toàn diện ban lãnh đạo Lực lượng Hỏa tiễn.
Ông Triệu tin rằng nguyên nhân căn bản đằng sau tình trạng hỗn loạn trong quân đội này nằm ở sự mâu thuẫn sâu sắc giữa ông Tập và các quan chức thuộc thế hệ hồng nhị đại, cũng như quân đội, về cách dẫn dắt đất nước của chế độ này. Ông tuyên bố rằng tất cả tầng lớp ưu tú mà ông gặp, dù là quan chức, doanh nhân, hay chuyên gia truyền thông thuộc thế hệ hồng nhị đại, thì đều phản đối rõ ràng đường hướng chính trị và xã hội hiện tại ở Trung Quốc. Ông nhìn thấy tinh thần đối lập tương tự ở trong quân đội.