Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Cộng: Công nghệ 5G của Trung Quốc không thể cứu vãn nền kinh tế
Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) cảnh báo trong một bài diễn văn gần đây rằng công nghệ 5G “chưa trưởng thành” của Trung Quốc có khả năng trở thành một khoản đầu tư thất bại.
Trong những tuần gần đây, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự cần thiết phát triển một “hệ thống tuần hoàn nội bộ” cho nền kinh tế Trung Quốc – nói cách khác, các lĩnh vực ngành nghề nội địa sản xuất tất cả hàng hóa dành cho tiêu dùng tại Trung Quốc, từ nguyên liệu thô đến sản xuất.
Nền kinh tế cần “tạo ra một mô hình phát triển mới, nơi mà các thị trường trong và ngoài nước có thể thúc đẩy lẫn nhau, với thị trường trong nước là trụ cột chính,” ông Tập nói.
Tuy nhiên, ông Lâu lưu ý rằng những cải tiến 5G của Trung Quốc – được Bắc Kinh trợ cấp phần lớn – có thể trở thành một “điểm tắc nghẽn” đối với “hệ thống tuần hoàn nội bộ” này, bởi không thể tìm thấy ứng dụng nào cho khoản đầu tư nhiều tiền này.
Ông Lâu đã chỉ ra vấn đề này trong Diễn đàn 50 nhà kinh tế Trung Quốc (Chinese Economists 50 Forum) tổ chức tại Bắc Kinh, theo bản tin ngày 28/9 của Thời báo Kinh tế Hồng Kông.
Cựu Bộ trưởng Tài chính phân tích rằng không thể thay đổi các chuỗi cung ứng để phù hợp với lý thuyết tuần hoàn của ông Tập, và rằng Trung Quốc khó có thể “thành công trong việc đạt được lợi thế công nghệ”.
Mạng 5G vẫn là một điểm nóng trong căng thẳng Hoa Kỳ–Trung Quốc, khi Hoa Kỳ cấm đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei khai triển mạng 5G tại Hoa Kỳ và kêu gọi các quốc gia khác làm điều tương tự, viện dẫn các rủi ro an ninh quốc gia vì mối quan hệ của Huawei với quân đội Bắc Kinh.
Tính đến ngày 5/9, Trung Quốc đại lục đã xây dựng 480,000 trạm phát sóng cho mạng 5G, với hơn 100 triệu kết nối đầu cuối trực tuyến, theo thống kê do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) công bố.
Ông Lâu Kế Vĩ từng là Bộ trưởng Tài chính Trung Cộng từ 3/2013–2016. Ông là một trong những quan chức Trung Cộng ủng hộ cải cách kinh tế và nổi tiếng với tính cách thẳng thắn. Trong Diễn đàn 50 nhà kinh tế Trung Quốc diễn ra vào tháng 2/2019, ông Lâu đã chỉ trích những cải cách cơ cấu trong chuỗi cung ứng mà Bắc Kinh đang thúc đẩy, đồng thời lên án việc thành lập các tổ chức Đảng Cộng sản trong các doanh nghiệp tư nhân – điều mà ông cho là đã “làm giảm đáng kể sự tự tin của các công ty khi để Đảng can thiệp vào các chính sách của doanh nghiệp.”
Trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí SCMP có trụ sở tại Hồng Kông ngày 7/3/2019, ông Lâu bày tỏ rằng, ngay từ đầu ông đã phản đối bản kế hoạch kinh tế chi tiết “Made in China 2025”. Theo quan điểm của ông, sáng kiến – tìm cách biến Trung Quốc thành cường quốc sản xuất công nghệ cao vào năm 2025 – là một sự lãng phí tiền thuế của người dân.
“Tôi đã phản đối kế hoạch này ngay từ đầu, tôi không đồng ý lắm. Chính quyền muốn các ngành công nghiệp trở thành hàng đầu vào thời điểm đó, nhưng những ngành này không thể dự đoán được và chính quyền không nên nghĩ rằng họ có khả năng dự đoán những gì không thể lường trước được,” ông nói.
“Made in China 2025”, khởi phát từ tháng 5/2015, là kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng của Bắc Kinh trong 10 lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm robot, hàng không vũ trụ, năng lượng mới, chất bán dẫn và vật liệu mới. Chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ trích chiến lược này vì nó đã tạo điều kiện và bảo trợ cho việc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty và tổ chức của Hoa Kỳ.