Cựu cục trưởng công an thân Bắc Kinh Lý Gia Siêu được chọn làm lãnh đạo của Hồng Kông
Lãnh đạo sắp tới của Hồng Kông, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), đã được một ủy ban đầy những người trung thành với Bắc Kinh bảo chứng cho vị trí hàng đầu của thành phố – khi trung tâm tài chính này tiếp tục làm theo chỉ lệnh của ban lãnh đạo Trung Cộng sau nhiều năm biểu tình phản đối Bắc Kinh ở thuộc địa cũ của Anh này.
Ông Lý, ứng cử viên duy nhất, đã nhận được các phiếu thuận từ 1,416 thành viên của ủy ban bầu cử thân Bắc Kinh hôm 08/05, giúp ông chiếm đa số cần thiết để trở thành trưởng đặc khu tiếp theo của Hồng Kông. Tám thành viên của ủy ban đã bỏ phiếu “chống” ông.
Trình bày sau đó, ông Lý cho biết “sứ mệnh lịch sử” của ông là dẫn dắt một chương mới cho Hồng Kông, đồng thời cam kết hiệp lực thành phố và duy trì vị thế quốc tế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính cởi mở và cạnh tranh hơn, làm cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới.
Rất ít trong số 7.4 triệu người của thành phố có bất kỳ tiếng nói nào trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo của họ, ngay cả khi Trung Quốc cộng sản hứa hẹn một ngày nào đó sẽ trao quyền dân chủ hoàn toàn cho thuộc địa cũ của Anh này – Hồng Kông đã trở lại dưới quyền cai trị của Trung Quốc vào năm 1997.
An ninh được thắt chặt chung quanh địa điểm bầu cử, với việc cảnh sát ngăn cản một nhóm nhỏ người biểu tình lại gần.
“Chúng tôi tin rằng chúng tôi đại diện cho nhiều người dân Hồng Kông bày tỏ sự phản đối cuộc bầu cử chỉ có một ứng viên theo kiểu Trung Quốc này,” bà Trần Bảo Oánh (Chan Po-ying), một người biểu tình của Liên đoàn Dân chủ Xã hội giơ biểu ngữ đòi dân chủ hoàn toàn, cho biết.
Ông Lý, một cựu bí thư Hồng Kông đặc trách về an ninh, đã thực thi mạnh mẽ luật an ninh quốc gia của Trung Cộng – bộ luật được dùng để bắt giữ hàng loạt cá nhân phản đối chế độ cộng sản, giải tán các nhóm xã hội dân sự, và đóng cửa các hãng thông tấn tự do, chẳng hạn như Apple Daily và Stand News.
Các chính phủ Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ, nói rằng các quyền tự do và pháp quyền đã bị luật an ninh do Bắc Kinh áp đặt năm 2020 phá hoại.
Tuy nhiên, ông Lý nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng luật này là cần thiết để khôi phục sự ổn định sau một khoảng thời gian dài diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ chống Trung Cộng năm 2019. Các cuộc biểu tình là để phản đối luật dẫn độ do chính quyền thân Bắc Kinh đề nghị; theo đó các cư dân sẽ bị gửi đến các tòa án chính trị hóa của Trung Quốc để xét xử nếu bị cáo buộc bất kỳ tội danh nào.
Ông Lý đã lảng tránh các câu hỏi về việc ông có tìm kiếm sự hòa giải với những người ủng hộ dân chủ đối lập và những người đã bị bỏ tù hay không.
Ông Lý nói với các phóng viên: “Bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, và các lợi ích phát triển của đất nước chúng ta, đồng thời bảo vệ Hồng Kông khỏi các mối đe dọa trong và ngoài lãnh thổ; đồng thời bảo đảm sự ổn định của thành phố sẽ tiếp tục là điều tối quan trọng.”
Một số nhà phê bình nói rằng các nỗ lực của ông Lý để đưa Hồng Kông hòa nhập trở lại trên trường quốc tế có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt lên ông năm 2020. Theo những gì Hoa Thịnh Đốn tuyên bố, đó là vì vai trò của ông trong việc “tham gia vào hoạt động cưỡng ép, bắt bớ, giam giữ, hoặc bỏ tù các cá nhân” theo luật an ninh của thành phố này.
Công ty sở hữu YouTube Alphabet cho biết họ đã gỡ tài khoản YouTube của chiến dịch tranh cử của ông Lý để tuân thủ luật trừng phạt của Hoa Kỳ.
Ông Lý cho biết ưu tiên của ông sẽ là thúc đẩy nguồn cung nhà ở tại một trong những thị trường địa ốc đắt đỏ nhất thế giới và tăng cường hiệu quả của chính sách với “cách tiếp cận hướng đến kết quả” để giải quyết vấn đề nan giải này.