‘Đa dạng thời La Mã cổ’ đối chiếu với ‘Văn minh Hợp nhất’
Victor Davis Hanson
Trong những thập niên cuối của đế chế La Mã vào thế kỷ thứ năm, rất ít người dân La Mã vui mừng trước tình trạng “đa dạng” do sự xâm nhập của người từ các bộ lạc Goth, Ostrogoth, Visigoth, Hung, và Vandal.
Những bộ lạc này ồ ạt băng qua bờ sông Rhine và sông Danube bỏ ngỏ để chiếm sự trù phú của La Mã mà không quan tâm đến việc điều gì đã tạo ra sự trù phú đó.
Mưu đồ của họ là phá hủy nền văn minh mà họ được thừa hưởng ngập tràn thay vì hòa nhập vào đó một cách hòa bình và duy trì đế chế này.
Trớ trêu thay, sự vĩ đại trước đây của La Mã cũng là do việc mở rộng quyền công dân cho nhiều dân tộc khác nhau trên khắp châu Âu, Bắc Phi, và Á Châu.
Hàng triệu người đã được hòa nhập, hợp nhất, rồi kết hôn khác chủng tộc và thường thay thế những người gốc Ý thuộc Cộng hòa La Mã thời kỳ đầu. Sự đa dạng phức tạp như vậy đã dẫn đến sự thống nhất xung quanh ý tưởng về La Mã.
Những công dân mới đã học cách tận hưởng những lợi thế của hệ thống pháp luật công minh (nghi phạm phải được xét xử trước khi giam giữ), của hệ thống đường xá, cống nước, kiến trúc công cộng được xây dựng công phu, và an ninh do quân đoàn La Mã cung cấp.
Sự hợp nhất các sắc dân khác biệt này đã hòa hợp thành một nền văn hóa chung tạo nên sức mạnh cho đế quốc La Mã. Ngược lại, sự chia rẽ sau này của hàng trăm ngàn người thuộc các bộ lạc tràn vào và chia cắt đế quốc La Mã đã khiến thành Rome bị hủy diệt.
Để đương đầu với thách thức của một xã hội đa chủng tộc, con đường khả thi duy nhất dẫn đến một nền văn minh ổn định của những dân tộc khác nhau về chủng tộc và sắc tộc là một nền văn hóa chung, duy nhất.
Một số quốc gia có thể đạt được thành công chung như là một dân tộc đồng nhất duy nhất như Nhật Bản hay Thụy Sĩ.
Hoặc tương tự, nhưng gặp phải nhiều khó khăn hơn, các quốc gia có thể thịnh vượng với các dân tộc không chính thống – nhưng chỉ khi được thống nhất bởi một nền văn hóa hòa nhập duy nhất như nền văn hóa đa dạng Mỹ từng chứng thực được.
Nhưng lựa chọn thứ ba tai hại – một xã hội đa văn hóa gồm các bộ tộc đa dạng, không hòa nhập, và thường là thù địch – về mặt lịch sử là công thức cho hành vi tự sát tập thể.
Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến điều đó ở Mỹ quốc, khi quốc gia này loại bỏ công thức của nồi lẩu hòa nhập các thức khác biệt (melting pot) và sử dụng đĩa rau trộn lổn nhổn (salad) bao gồm các bộ lạc chưa hội nhập và thù địch với nhau.
Hoa Kỳ hiện đang chứng kiến sự gia tăng các hành vi phạm tội vì thù hận mang động cơ chủng tộc và tôn giáo.
Biên giới không còn hiện hữu nữa.
Hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp chế nhạo chủ nhà của họ khi ngang nhiên xâm nhập một cách bất hợp pháp.
Họ sẽ ít được giáo dục để trở thành người Mỹ. Nhưng họ sẽ biết rằng chủ nghĩa bộ lạc chưa hội nhập sẽ mang lại cho họ ảnh hưởng và lợi thế.
Ngược lại, Mỹ quốc từng là một ví dụ lịch sử hiếm hoi về một nền dân chủ đa chủng tộc nhưng đơn văn hóa thực sự có thể tồn tại.
Những người Mỹ qua nhiều thế hệ thường được tiếp thêm sinh lực khi cố gắng sánh vai cùng những người mới nhập cư làm việc chăm chỉ, những người quyết tâm đạt được cơ hội thành công tại một xã hội tự do mà trước đó họ không thể có được ở quê nhà.
Các quốc gia lớn khác đã cố gắng thử nghiệm nền dân chủ đa chủng tộc như vậy – đáng chú ý nhất là Brazil và Ấn Độ. Nhưng mối thù giữa các bộ tộc và các vụ sát hại hàng loạt vẫn gây đau khổ cho cả hai quốc gia này.
Những điều đã từng có tác dụng với Mỹ quốc nhưng giờ đây bị lãng quên là một số nguyên tắc cần thiết cho một nhà nước hiến pháp đa chủng tộc gắn liền với lượng nhập cư đông đúc.
Thứ nhất, ẩm thực, thời trang, nghệ thuật, âm nhạc, và văn học của những người nhập cư đã làm giàu văn hóa ngoại vi của Mỹ quốc.
Nhưng Mỹ quốc sẽ bị phá hủy nếu sự khác biệt đa dạng đó xâm nhập đến cốt lõi của đất nước này. Không ai muốn những chuẩn mực ở Trung Đông về người đồng tính hoặc những phụ nữ được bình đẳng.
Không ai thích mang luật Mexico vào tòa án của chúng ta.
Không ai ở đây muốn chế độ độc tài của Venezuela hay chủ nghĩa toàn trị của Trung Quốc cộng sản.
Thứ hai, mọi người bày tỏ quan điểm của mình bằng cách rời đất nước và di cư sang Mỹ. Họ trốn thoát nền văn hóa và chính phủ bản địa của mình để tận hưởng những điều khác ở Mỹ quốc.
Nhưng hãy nhớ rằng – không một người nhập cư có lý trí nào trốn khỏi Mexico, Gaza, hay Zimbabwe rồi lại đưa vào Mỹ chính cái nền văn hóa và những thói quen đã đẩy họ ra khỏi ngôi nhà cũ của mình
Nếu họ làm điều đó với ngôi nhà mới của mình, ngôi nhà đó sẽ trở nên kém hấp dẫn đối với họ giống như những gì họ đã trốn chạy khỏi.
Thứ ba, chủ nghĩa bộ lạc tàn phá các quốc gia.
Chỉ cần so sánh với những gì đã xảy ra ở Rwanda, Nam Tư cũ hay Iraq là thấy được.
Bất cứ khi nào một nhóm dân tộc, chủng tộc, hoặc tôn giáo từ chối từ bỏ bản sắc chính của mình để đổi lấy bản sắc tập thể, thì các bộ lạc khác cũng sẽ làm như vậy vì sự sống còn của chính họ.
Sau đó, tất cả đều thay đổi vẻ bề ngoài của họ như điều cần thiết và vẻ ngoài đó không phải là bản chất của họ.
Và giống như việc phổ biến vũ khí hạt nhân khiến các quốc gia khác chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi một cường quốc láng giềng có được loại bom đó. Tương tự như vậy, chủ nghĩa bộ lạc của một nhóm chắc chắn chỉ dẫn đến chủ nghĩa bộ lạc nhiều hơn ở các nhóm khác. Kết quả là xung đột kéo dài bất tận như tư tưởng của triết gia Thomas Hobbes.
Thứ tư, việc nhập cư phải được đo lường để những người mới đến có thể được hội nhập và hòa nhập một cách có thể quản lý được thay vì bị bỏ lại để hình thành các bè phái bộ lạc đối địch.
Thứ năm, nhập cư phải hợp pháp. Nếu không, ý tưởng về quyền công dân sẽ chỉ còn là nơi cư trú đơn thuần, trong khi người nộp đơn hợp pháp sẽ bị coi là kẻ khờ khạo vì tuân thủ luật pháp.
Thứ sáu, phải trọng dụng nhân tài, để người nhập cư đến với tiếng Anh và kỹ năng và không tạo gánh nặng cho nước chủ nhà.
Và cuối cùng, nhập cư phải đa dạng. Chỉ có cách đó, tất cả các nhóm ở ngoại quốc mới có thể thực hiện được giấc mơ Mỹ một cách bình đẳng.
Sự đa dạng của người nhập cư cũng bảo đảm rằng không một bộ lạc sắc tộc hoặc nhóm chính trị cụ thể nào tìm cách sử dụng việc nhập cư để chia rẽ quốc gia hơn nữa.
Tóm lại, làn sóng nhập cư cũ đã từng làm giàu cho Mỹ quốc, thì làn sóng nhập cư mới của chúng ta lại đang tàn phá quốc gia này.
Ông Victor Davis Hanson là một nhà bình luận theo phái bảo tồn truyền thống, nhà nghiên cứu văn hóa cổ điển, và nhà sử học quân sự. Ông là một giáo sư danh dự về văn hóa cổ điển tại Đại học Tiểu bang California, thành viên cao cấp về lịch sử quân sự và văn hóa cổ điển tại Đại học Stanford, thành viên của Trường Cao đẳng Hillsdale, và là thành viên ưu tú của Center for American Greatness.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.