Đã đến lúc chấm dứt ‘Chủ nghĩa cộng sản kiểu Mỹ’?
Hẳn là một số người còn nhớ bộ phim hài kinh điển năm 1961 “Ly hôn kiểu Ý” do diễn viên Marcello Mastroianni thủ vai chính. Thật không may, 60 năm sau, chúng ta dường như đang tiến tới, thậm chí là đang trải qua một kiểu “Chủ nghĩa cộng sản kiểu Mỹ” ngoài đời thực và ít hài hước hơn nhiều.
“Chủ nghĩa cộng sản kiểu Mỹ” là gì? Cho đến nay người ta chắc sẽ nghĩ nó có chút giống như kiểu chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô với các trại lao động cưỡng bức gulag v.v.
Điều đó có phải vậy không?
Hôm 06/10, Hội đồng Thành phố Los Angeles đã tuyên bố, gần như đồng thuận (tỷ lệ 11–2), các quy định bắt buộc về COVID-19 yêu cầu bằng chứng chích ngừa khi vào các tiệm ăn trong nhà, rạp chiếu phim, thẩm mỹ viện, trung tâm mua sắm, và gần như mọi nơi công cộng trong không gian kín khác mà quý vị có thể nghĩ ra ở kinh đô giải trí này.
Những hội đồng thành phố khác, với sự khuyến khích của chính phủ liên bang của chúng ta, sớm bắt chước theo ở các mức độ khác nhau hoặc đã làm thế rồi.
Có lẽ không cần đến các trại lao động cưỡng bức gulag khi toàn bộ xã hội đang sống trong đó rồi.
Điều này xảy ra chỉ vài ngày sau khi ông Merrick Garland, tổng chưởng lý của đất nước chúng ta – vốn được ông Mark Levin [người dẫn chương trình nổi tiếng] mô tả là có hành vi giống đặc vụ Stasi của Đông Đức – đã tuyên bố cuộc thánh chiến của mình, rõ ràng là có móc ngoặc với một vài tổ chức giáo dục khác của chính phủ, chống lại các bậc cha mẹ chỉ trích các hội đồng nhà trường vì đã tuyên truyền cho con em họ thuyết sắc tộc trọng yếu (hậu duệ của thuyết phê phán, hậu duệ của chủ nghĩa Marx).
Ông Garland đã gọi những bậc phụ huynh lo âu này, những người đang xuất hiện có vẻ như ở khắp mọi nơi, là “những kẻ khủng bố trong nước”.
Hóa ra những đứa con của chính vị tổng chưởng lý này, thông qua công ty “giáo dục” Panorama, đã kiếm được bộn tiền đang đưa ra cùng một sự khuyến khích thù hận chủng tộc này, trong khi làm ra vẻ nó là cái được gọi là học thuyết chống phân biệt chủng tộc và độc tài.
Chủ nghĩa cộng sản, bất chấp lối nói khoa trương, luôn thay đổi, và rao giảng về đạo đức của nó – chính xác hơn là cảm thấy mang ơn khi quý vị nghĩ về nó – là hệ thống được khuếch trương nhất để giữ được nhiều tiền nhất có thể trong tay của giới tinh hoa (diễn giải: là giới lãnh đạo cộng sản cùng những bằng hữu của họ).
Chẳng có gì ngẫu nhiên khi qua đời Fidel Castro là một tỷ phú, trong khi người dân của ông ta sống trong cảnh khốn cùng. Hay như Tập Cận Bình, Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sống trong thâm cung hoàng gia sang trọng ở núi Ngọc Tuyền, một phần nơi này là Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận. (Hãy nhìn xem. Khu Mar-a-Lago có thể không mấy ấn tượng với ông Tập).
Quả thực là quyền lực thuộc về (một nhóm người trong) Nhân dân.
Tuy nhiên. Trung Quốc, Nga, và chắc chắn cả Cuba – nếu Marx biết nhiều về quốc gia này – đã bị Marx coi là quá nghèo để trở thành mảnh đất cơ hội màu mỡ cho chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là vào thời đó. Campuchia của Pol Pot chắc có lẽ sẽ làm ông Karl già nua bối rối.
Marx cho rằng trước tiên phải đưa mô hình của mình vào một đất nước công nghiệp hóa hiện đại hơn vốn sẵn sàng cho quá trình quá độ; đó chính là nước Đức.
Ông ta đã nhầm (chí ít là cho đến khi Đông Đức xuất hiện, nhưng đó chỉ là do có sự can thiệp của Liên Xô. Phải rồi, chủ nghĩa quốc xã cũng có các yếu tố của chủ nghĩa Marx).
Ngược lại thì ông ấy có nhầm không? Có lẽ ông ấy chỉ là đã đi trước thời đại của mình thôi.
Đất nước công nghiệp hiện đại nào có thể là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cộng sản hơn Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đây, quốc gia tốt nhất trong tất cả?
Và thậm chí sẽ chẳng cần đến một cuộc cách mạng. Chủ nghĩa cộng sản có thể chỉ cần cứ thế tiến vào, đặc biệt là bởi vì rất nhiều nhà lãnh đạo của quốc gia này dường như đã sẵn sàng cho nó.
Tất nhiên, họ không đặt tên cho những gì đang diễn ra là chủ nghĩa cộng sản, hay thậm chí là chủ nghĩa xã hội. Điều đó sẽ chỉ tạo nên sự bất đồng. Thông thường, để thuận tiện, họ thậm chí còn không thừa nhận những gì họ đang làm, hay gọi tên nó ra, ngay cả với chính bản thân họ.
Nhưng họ đang làm điều đó. Và đó mới là điều quan trọng.
Căn bản của quá trình chuyển biến này là một hệ thống độc đảng – điều gì đó giống Trung Quốc hơn, trong đó về mặt tuyên truyền và kiểm soát xã hội là theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng về mặt kinh tế thì ở mức độ ít hay nhiều hơn là theo chủ nghĩa tư bản. Hầu hết những người tinh tường nhất đều biết rằng chủ nghĩa xã hội rốt cuộc không hoạt động như một mô hình kinh tế.
Điều đó chẳng có gì mới cả. Lenin hiểu điều đó khi ông ta thiết lập chủ nghĩa tư bản hạn chế, Chính sách Kinh tế Mới (NEP), chỉ vài năm sau khi chiếm được quyền lực.
Nhưng mô hình độc đảng vẫn hấp dẫn. Rõ ràng là nó có thể thành công khi kết hợp với chủ nghĩa tư bản ở nhiều mức độ khác nhau. Cái gọi là kỳ tích Trung Quốc là kết quả tự nhiên của sự kết hợp đó khi hàng triệu người – phần lớn là trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển hơn ở dưới thời Đặng Tiểu Bình – đã thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Gần như toàn bộ Đảng Dân Chủ và đáng tiếc là một phần của Đảng Cộng Hòa – được biết đến là đảng đồng nhất [về mặt quan điểm] – đều tin rằng mô hình của người Trung Quốc là con đường của tương lai, và như tôi đã nói trước đây, dù vô ý hay cố ý, đã vào hùa với họ không trong lời nói thì cũng bằng hành động.
Việc nâng trần nợ sớm, bất ngờ vào ngày 07/10 với sự tham gia đáng kể của Đảng Cộng Hòa, chỉ là một ví dụ cho thấy xu hướng ngày càng gia tăng hướng đến mô hình cai trị độc đảng này. Nền dân chủ, đặc biệt là nền dân chủ đa đảng, đối với kỷ nguyên công nghệ cao hiện đại mà nói, đúng là quá vô trật tự – cứ như cái thời Thế kỷ 18, cứ như là như thời kỳ Khai sáng.
Rất nhiều người trong số người dân Mỹ đã giúp sức trong quá trình quá độ sang chủ nghĩa cộng sản bí mật này, hay tùy quý vị gọi nó là gì; những người này thích bị lèo lái hơn là suy nghĩ hay quan trọng hơn là, hành động vì chính bản thân mình. Đó là phần trong bản tính của con người giúp hình thành nên những người cộng sản tốt. Trên thực tế thì, chủ nghĩa cộng sản là nhờ những người này mà tồn tại.
Họ là bộ phận của nước Mỹ mà sẽ cho phép, thực ra là đang cho phép chủ nghĩa cộng sản được bước chân vào. Trong số họ có một số là những công dân giàu có nhất và thành công nhất, nhưng điều đó không ngăn được họ trở thành những kẻ ngốc.
Vả lại, họ không phải là những con người đã dựng xây nên đất nước này. Những con người dựng xây nên đất nước này là những người mà tác giả de Tocqueville đã gặp khi ông viết cuốn “Dân chủ ở Mỹ” (Democracy in America) – những công dân độc lập, tự chủ đã thành lập rất nhiều tổ chức ái quốc, phi chính phủ vì sự tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
May mắn thay, và đây là tin tốt, những người đó đã không biến mất. Cuộc chiến ý thức hệ vẫn chưa kết thúc. The Fat Lady thậm chí còn chưa bắt đầu hát [một vở opera thường sắp kết thúc khi người phụ nữ được gọi là Bà Mập bắt đầu hát]. Bà ấy còn chưa bắt đầu mở bản nhạc của mình.
Ông Garland cùng các đồng minh của mình đã phạm sai lầm lớn trong cuộc tấn công trực diện vào các bậc cha mẹ của nước Mỹ; nhiều người trong số họ đã vô cùng tức giận. Thử nghĩ xem họ có bao nhiêu người, các bậc cha mẹ đã chán ngấy hệ thống trường công lập tồi tệ hiện nay, vốn chẳng phục vụ một ai cả, và giờ đang được sử dụng để truyền bá.
Họ đang hình thành nên một đội quân theo đúng nghĩa trên khắp đất nước này. Chạy đua vào hội đồng trường học đang trở thành xu hướng nghề nghiệp hoặc chí hướng Số 1, tùy thuộc vào hoàn cảnh, đối với những người Mỹ ái quốc, tận tụy.
Nhưng có một điều gì đó thậm chí còn lớn lao hơn đang diễn ra. Và không cần xem nhà bình luận Clay Travis trên kênh Outkick để biết được điều đó – cho dù hiển nhiên là ông ấy đã và đang nói về nó hàng ngày trên chương trình phát thanh của mình cùng với người đồng dẫn chương trình Buck Sexton.
Mùa giải bóng bầu dục đã đến và đất nước này đã chán ngấy các nhà lãnh đạo thân cộng tới một mức độ chưa từng thấy do đủ loại nguyên nhân, từ các quy định bắt buộc về COVID đầy tính độc tài đến sự lúng túng chưa từng thấy trên toàn quốc về vấn đề Afghanistan, cho đến một giới truyền thông chính thống [thiên tả] không làm gì khác ngoài việc lừa dối họ.
Và càng ngày càng có nhiều người đang bày tỏ sự bất bình về tình trạng này trên các sân vận động bóng bầu dục và đường đua NASCAR, trong các phòng hòa nhạc, và trên đường phố.
Đó là một phong trào cũng chưa từng thấy trước đây, và đang gia tăng với tốc độ đáng kinh ngạc. Những đám đông người dân Mỹ đang hợp lại với nhau và hô lên:
TIẾN LÊN, BRANDON!
À, đây là một tờ báo gia đình, nhưng quý vị hiểu ý tôi chứ. “Tiến lên, Brandon!” là cách một phóng viên của NBC “thông dịch” lại cho khán thính giả của cô ấy nghe những lời thóa mạ ông Joe Biden mà khán giả của giải đấu NASCAR đang hô lên.
Đó là một cách khác để nói “Chào tạm biệt, chủ nghĩa cộng sản, vĩnh biệt nhé. Chúng tôi yêu sự tự do của mình nơi đây.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Roger L. Simon là một tiểu thuyết gia từng đoạt giải thưởng, nhà biên kịch được đề cử giải Oscar, người đồng sáng lập PJMedia, và hiện là biên tập viên chính cho The Epoch Times.