Đã đến lúc chia cắt nước Mỹ?
Tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ viết về ly khai hoặc bất cứ điều gì gần với chủ đề này. Chưa bao giờ. “Mỹ quốc, đất nước tươi đẹp” là bài quốc ca yêu thích của tôi, khiến tôi rơm rớm nước mắt với câu hát “đại dương tới đại dương chói lòa.” Từ bỏ những thứ tráng lệ vốn có đó sẽ rất đau lòng ở rất nhiều góc độ.
Nhưng ở thời điểm hiện tại và với vị nam nhân đang nắm giữ chức tổng thống, chưa kể những người xung quanh ông ta là người như thế nào, cộng với các vấn đề chia rẽ chúng ta từ quốc phòng đến giáo dục, đến nhập cư, đến chạy đua vì an toàn công cộng trong đại dịch, tới các [định nghĩa] giá trị nói chung khó mà sửa chữa được, tôi cảm thấy buộc phải thảo luận về sự ly khai hoặc chia rẽ như thể chúng là một khả năng thực sự đáng được xem xét.
Có lẽ chúng ta đã đạt đến một thời điểm mà hành động yêu nước nhất đối với đất nước của chúng ta, đối với cả hai bên [cấp tiến và truyền thống], là phải chia tay, ngay cả khi điều đó sẽ rất khó khăn.
Trớ trêu thay, điều này khiến mọi người nhớ đến bài hát nổi tiếng kinh điển ở Hoa Kỳ của Neil Sedaka “Breaking Up Is Hard to Do” (Thật Khó Để Chia Tay) được tái ghi âm qua nhiều thế hệ vì một lý do, bởi vì một sự chia ly như vậy, phần lớn, hoàn toàn mang tính cá nhân với gia đình, bạn bè, và các đồng nghiệp dọc ngang trên khắp đất nước.
Thật vậy, sẽ rất khó để chia tay. Có thể là chúng ta sẽ cần một cuộc “thử thách ly thân” để có cơ hội hòa giải trước khi “ly hôn” chính thức.
Dù thế nào đi nữa, tôi biết mình không đơn độc khi nghĩ về những điều đã từng là chuyện không tưởng. Thật vậy, từ những gì tôi đã nghe, ngay cả trong các phòng họp của Quốc hội, đã có những người rất lo lắng về việc phe đỏ [người theo Đảng Cộng Hòa] và phe xanh [người theo Đảng Dân Chủ] không thể đối thoại hoặc lập luận cùng nhau, họ nhìn thấy một hố sâu ngăn cách giữa hai bên quá rộng và sẽ không bao giờ có thể kết nối được, rằng một số chính trị gia của chúng ta cũng bắt đầu xì xào về việc ly khai hoặc tương tự.
Vì vậy, ở đây tôi đang viết một bài báo rất giả định, rất sớm, về cách chúng ta có thể đạt được sự tách biệt này, một phần hoặc toàn bộ, tùy theo trường hợp xảy ra, hoặc ít nhất hãy suy nghĩ về nó.
Xin hãy hiểu những gì tôi nghĩ tới không phải là một cuộc nội chiến, bất cứ điều gì nhưng không phải điều này. Phần nào đó trong ý định của tôi là để giảm thiểu bạo lực đang leo thang trên toàn quốc, giảm bớt sự thù hận, và chắc chắn là tránh được thương vong.
Đó là một sự chia ly trong hòa bình, dần dần, và có thương lượng mà tôi muốn khám phá dựa trên hai xã hội thừa nhận họ có những mục tiêu và cách tiếp cận khác nhau và quyết định đi theo những con đường riêng.
Nói cách khác, nếu phần lớn cư dân của các tiểu bang màu xanh nghiêm túc muốn được là những người “thức tỉnh,” để dạy con em họ lý thuyết về thuyết sắc tộc trọng yếu, cho phép chúng chọn giới tính của mình khi lên 8 tuổi, và nhiều thứ khác, thì dù tôi ghê tởm những điều này, cũng nên cho họ có khả năng đó, cũng giống như đa số công dân ở các tiểu bang đỏ mong muốn bảo tồn nền cộng hòa lập hiến của chúng ta cho các thế hệ tương lai thì cũng có thể làm được điều đó.
Sự phân chia này không phải là điều đáng ngạc nhiên vào thời điểm hiện nay, khi xét đến những gì ngài Jefferson đã nói về một cuộc cách mạng là cần thiết sau mỗi vài thập niên. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã phát triển thành một thứ lớn đến mức gần như không thể lãnh đạo được nữa, một quốc gia nặng nề với khoảng 330 triệu người, một con số lớn hơn nhiều so với những gì các bậc Quốc phụ có thể hình dung vào cuối thế kỷ 18.
Tuy nhiên, nếu quyền của các tiểu bang được tôn trọng ở mức độ mà các bậc Quốc phụ đã dự định, thì chắc chắn là chúng ta sẽ không có cuộc thảo luận này.
Nhưng không phải như vậy, và chúng ta đang [bàn về chuyện ly khai].
Được rồi, hãy bắt đầu với một vấn đề rất rõ ràng mà mọi người tránh thảo luận. Các đối thủ chính của chúng ta, Trung Quốc và Nga, không sớm bị tan rã. Mà ngược lại – họ đang tìm cách mở rộng bờ cõi địa lý và phát triển quân đội của mình, đặc biệt là Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của Trung Cộng.
Thoạt nhìn, điều này lập luận cho tầm quan trọng của việc chúng ta cần hiệp nhất gắn bó với nhau, nhưng việc rút khỏi Afghanistan thảm hại gần đây lại chứng minh cho điều ngược lại. Làm việc hoàn toàn dưới sự kiểm soát của phe “xanh” – cơ quan hành pháp, Bộ Ngoại giao, và một quân đội được “thức tỉnh” kiểu kỳ lạ – đây là một thảm họa có tầm lịch sử khiến Taliban (và từ đó là Trung Quốc) nắm quyền kiểm soát với gần như toàn bộ các trùm khủng bố ở các vị trí có quyền lực đã làm nên sự kiện ngày 11/09, chỉ khác là lần này hình như Taliban có sức mạnh lớn hơn, bao gồm cả lực lượng không quân của chính họ và al-Qaeda, ISIS-K, và các nhóm tương tự không bị kiểm soát.
Thật khó để hình dung hai hệ chỉ huy quân sự riêng biệt, phe đỏ và phe xanh, còn có thể đem đến kết cục tồi tệ hơn ra sao. Nhiều khả năng là họ sẽ làm tốt hơn rất nhiều khi chính quyền của các tiểu bang màu đỏ lãnh đạo, họ có thể giải quyết và cải thiện hành vi kỳ quặc không thể giải thích được của phe màu xanh trong trường hợp này.
Đó là câu ngạn ngữ cũ nói rằng hai cái đầu tốt hơn một cái đầu (trong trường hợp này là tốt hơn rất nhiều).
Cũng thấy rằng một số quốc gia NATO dường như quản lý tình hình tốt hơn chính phủ của Tổng thống Biden. Tại sao không biến hai nước Mỹ mới của hai phe màu đỏ và xanh trở thành hai thành viên riêng biệt của NATO?
Nhưng trước khi đi xa hơn, rõ ràng tôi đã bỏ qua câu hỏi hóc búa căn bản nhất – quý vị sẽ làm thế nào, thậm chí làm sao có thể, chia rẽ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ khi, như mọi người đều biết, có quá nhiều khu vực xanh ở các tiểu bang màu đỏ và ngược lại?
Tôi sẽ không đề nghị bất kỳ bản đồ nào trong phần này. Nhưng thành thật mà nói, bất kể quý vị làm như thế nào, nhiều người sẽ không hài lòng và nhiều người sẽ rời đi. Một số lượng lớn các cơ sở và doanh nghiệp cũng sẽ di dời. Tổng thể cho tất cả thì thật quá khó khăn để diễn tả bằng ngôn từ.
Nhưng có phải thế là hết? Chúng ta đã thấy tất cả mọi thứ được xây dựng lại, và khá nhanh chóng, sau những thảm họa quốc gia như bão và động đất. Việc tái cấu trúc có tổ chức, nếu có ý chí để thực hiện (với chữ “nếu” rất lớn), sẽ không khó hơn nhiều lắm và thậm chí có thể cải thiện cơ sở hạ tầng.
Có quy củ tổ chức hay không, sự thay đổi cấu trúc này đã diễn ra trong một thời gian dài với sự di cư từ các tiểu bang màu xanh sang các tiểu bang màu đỏ vì lý do thuế và lối sống.
Sự di cư này có thể đang trên đà gia tăng đáng kể, tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử bãi nhiệm ở California. Nếu Đảng Dân Chủ thắng, bằng bất cứ cách nào, bằng việc ngăn chặn sự bãi nhiệm và từ chối sự ứng cử của ông Larry Elder, từ đó giữ ông Gavin Newsom tại vị, đã vậy chúng ta còn có thể thấy dòng người ra đi lớn nhất từ California. (Nếu ông Elder thành công, câu chuyện có thể ngược lại.)
Cho dù điều gì xảy ra ở California đi chăng nữa, khi mọi chuyện qua đi, sẽ vẫn còn đó một cộng đồng người Mỹ mâu thuẫn với nhau về những khía cạnh căn bản, quan trọng hơn nhiều so với những tranh chấp chính trị thông thường như việc thay đổi thuế suất lên và xuống 5%.
Chúng ta đang sống trong một cuộc chiến tranh về các giá trị ở các cấp độ sâu sắc nhất. Chia ly có thể rất khó thực hiện, và đau đớn như người ta thường nói, chắc chắn là vậy, nhưng đã đến lúc phải xem xét điều này.
Tuy nhiên, có thể, rất có thể, trong cuộc thử nghiệm đó, chúng ta có thể tìm thấy một con đường quay trở lại. Phức tạp như chúng vốn có, và cũng nên nhớ những dòng cuối cùng trong bài hát của Sedaka:
“Tôi xin em đừng nói lời tiễn biệt
Cuộc tình ta xứng đáng một lần thêm
Này em hỡi, hãy bắt đầu cuộc tình mới
Vì chia tay là điều đặng chẳng đừng.”
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Time.
Ông Roger L. Simon là một tiểu thuyết gia từng đoạt giải thưởng, nhà biên kịch được đề cử giải Oscar, người đồng sáng lập PJMedia, và hiện là biên tập viên chính cho The Epoch Times.