Dân biểu Canada: Hoạt động của Trung Cộng ở Canada vượt xa các đồn công an chìm
Andrew Chen
Báo cáo kết quả điều tra về các đồn công an chìm của Trung Quốc, các dân biểu Quốc Hội [Canada] gần đây cho biết các hoạt động bí mật của chính quyền Trung Quốc ở Canada không chỉ dừng lại ở các đồn công an gài ở hải ngoại với cùng mục đích.
Báo cáo có tiêu đề “Các Đồn Công an tại Hải ngoại của Trung Cộng,” bao gồm lời khai từ các nhân chứng xuất hiện trước Ủy ban Đặc Biệt của Hạ viện về ngoại giao giữa Canada và Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, gọi tắt là CACN. Được công bố hôm 29/11, báo cáo xem xét các cáo buộc rằng Trung Cộng đã thành lập hơn 100 đồn công an chìm trên toàn cầu, với ít nhất 7 đồn được cho là đặt tại các thành phố Toronto, Vancouver, và Montreal của Canada.
Cuộc điều tra của Ủy Ban Đặc Biệt CACN tập trung vào các báo cáo do tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha công bố hồi tháng 09 và tháng 12/2022. Những báo cáo này đi sâu vào hoạt động của cánh tay công an nối dài và đàn áp xuyên quốc gia do Bắc Kinh chủ trương. Chế độ cộng sản này đã công khai tuyên bố rằng từ tháng 04/2021 đến tháng 07/2022, họ đã thành công đưa khoảng 230,000 Hoa kiều “tự nguyện hồi hương” với sự giúp đỡ của mạng lưới dịch vụ công an hải ngoại.
Các nhân chứng đã lo ngại về cái gọi là chiến dịch “hồi hương tự nguyện” của Bắc Kinh, bằng các biện pháp quấy rối và đe dọa những người bị nhắm mục tiêu và thân nhân của họ ở Trung Quốc.
Báo cáo này cũng nhấn mạnh lời khai của bà Laura Harth, giám đốc chiến dịch tại tổ chức Safeguard Defenders. Bà tiết lộ ba vụ Hoa kiều bị cưỡng bức hồi hương, không liên quan đến những địa điểm được cho là đồn công an Trung Quốc ở Canada.
“Tôi có thể nói với quý vị rằng các bằng chứng hùng hồn, cũng là các nguồn tin công khai, cho thấy rằng có ít nhất ba lần [Trung Cộng thực hiện] các hoạt động thuyết phục hồi hương trên lãnh thổ Canada,” bà nói với CACN. “Có thể có nhiều trường hợp khác nữa, nhưng đó là những con số mà chúng tôi có bằng chứng.”
Bị ép buộc hồi hương
Ngoài ba trường hợp kể trên, còn có ba người khác ở Canada bị ép phải quay về Trung Quốc được Safeguard Defenders ghi lại trong báo cáo “Trở Về Không Tự Nguyện: Hoạt Động Bí Mật của Trung Quốc nhằm buộc ‘những người đào tẩu’ ra ngoại quốc trở về nước”, được xuất bản hồi tháng 01/2022.
Đề cập đến một báo cáo bằng Hoa Ngữ được The Epoch Times phổ biến năm 2019, tài liệu này đã nhắc đến trường hợp ông Tạ Vệ Đông (Weidong Xie), cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Trung Quốc. Ông Tạ đã công khai chỉ trích hệ thống tư pháp hình sự của Trung Quốc và di cư sang Canada vào năm 2014. Chính quyền Trung Quốc cố tình cáo buộc ông tội tham nhũng và cố gắng thuyết phục ông tự nguyện trở về. Khi ông từ chối, công an đã bắt giữ em gái của ông và sau đó là con trai ông ở Trung Quốc. Nhà chức trách cũng liên lạc với vợ cũ của ông, một cựu đối tác kinh doanh lâu năm, và nhiều người khác, trong đó có luật sư đại diện cho em gái ông, nhằm thuyết phục ông hồi hương.
Safeguard Defenders cho biết, “Từng là một thẩm phán nên ông Tạ biết rất rõ ông sẽ gặp chuyện gì nếu quay về, do đó ông tiếp tục từ chối bất chấp [nguy cơ bị] trả thù đối với thân nhân của ông và những người khác. Trung Quốc thậm chí còn cử một luật sư đến Canada để đích thân thuyết phục ông nhưng vô ích.”
Bà Phùng Ngọc Lan (Gloria Fung), chủ tịch của tổ chức Canada-Hong Kong Link, đưa ra một ví dụ khác về cộng đồng người Hoa ở hải ngoại bị đặc vụ Trung Cộng giám sát vì chỉ trích chế độ.
“Một người bất đồng chính kiến đã chạy sang Canada, nhưng người nhà ông ấy đã được cho xem những bức ảnh chụp gia đình ông, đồng thời cho thấy ông đang ăn tối cùng gia đình ở Toronto. Ông vô cùng bàng hoàng về điều này, vì ông cho rằng mình đã đến một xã hội an toàn và tự do. Ông không ngờ rằng ông vẫn đang bị giám sát ở Canada,” bà Phùng nói trong lời khai trước CACN của mình.
“Thế rồi, cuối cùng vì ông không chịu tự kềm chế lời chỉ trích, nên em trai của ông ấy đã bị mất việc. Sau đó, bố mẹ vợ, bà con thân thuộc đều bị tống vào tù. Điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng khi họ thực hiện cưỡng bức theo cách này, cũng như đe dọa, hăm dọa, và quấy rối người dân ở Canada.”
‘Những nơi gây can nhiễu’
Bà Brenda Lucki – cựu Cảnh Sát Kỵ Binh Hoàng gia Canada (RCMP) – nói với CACN rằng những nơi được cho là đồn công an Trung Quốc, còn được gọi là trung tâm dịch vụ cảnh sát, không có các đặc điểm thông thường của một đồn cảnh sát.
“Trên các hãng truyền thông,người ta gọi những nơi này là đồn cảnh sát. Đối với chúng tôi, đó là những nơi gây can nhiễu, đe dọa, hoặc quấy rối dưới bất kỳ hình thức nào,” bà làm chứng hôm 06/02. “Đó không phải là đồn cảnh sát như cách chúng tôi định nghĩa. Trong một số trường hợp, đó có thể chỉ là một căn phòng phía sau một cửa hàng bán lẻ. Đó không phải là cái mà chúng tôi gọi là đồn cảnh sát.”
Các quan chức Trung Quốc – bao gồm cả đại sứ quán Trung Quốc tại Canada và Ireland – đã bác bỏ những cáo buộc nói trên. Họ nói rằng các đồn cảnh sát chỉ là nơi cung cấp dịch vụ cho Hoa Kiều sống ở ngoại quốc, như giúp họ gia hạn giấy phép lái xe. Tuy nhiên, báo cáo trích dẫn các lời khai chỉ ra rằng các đồn này vẫn luôn tham gia giám sát các cộng đồng Hoa kiều, thu thập thông tin tình báo dân sự, và tham gia vào các hoạt động quấy rối và đe dọa những người chỉ trích chế độ Bắc Kinh.
Báo cáo hôm 29/11 của CACN cho biết, “Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả các đồn công an ở hải ngoại là cơ sở cung cấp dịch vụ hành chính và lãnh sự, nhưng các nhân chứng nhấn mạnh rằng họ cũng giám sát các cộng đồng Hoa kiều, thu thập thông tin tình báo dân sự, quấy rối, và đe dọa những người chỉ trích chính sách của Trung Quốc, đồng thời trợ giúp các hoạt động cưỡng ép hồi hương của các cơ quan công an Trung Quốc.”
Theo một nghiên cứu năm 2020, “The Party Speaks for You” (Đảng Lên tiếng cho Quý vị) của Viện Chính sách Chiến lược Úc, một số nhân chứng chỉ ra rằng các cá nhân và hiệp hội điều hành các đồn này có liên kết trực tiếp với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất – công cụ chính của Trung Cộng trong việc can thiệp ra ngoại quốc.