Đan Mạch, Hoa Kỳ ký thỏa thuận cho phép quân đội Hoa Kỳ hiện diện thường trực
Andrew Thornebrooke
Các quan chức của Đan Mạch và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận an ninh song phương cho phép các lực lượng Hoa Kỳ tự do tiến vào đất nước Scandinavia này.
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng (DCA) này sẽ cho phép Hoa Kỳ khai triển lâu dài phi cơ quân sự tới Đan Mạch và cấp cho các lực lượng Hoa Kỳ quyền tiếp cận các căn cứ của Đan Mạch ở Aalborg, Karup, và Skrydstrup.
Thỏa thuận này được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Rasmussen ký kết tại Hoa Thịnh Đốn hôm 21/12.
Ông Blinken nói rằng DCA sẽ “tăng cường hơn nữa việc hợp tác an ninh” và “nâng cao khả năng liên lạc” giữa quân đội hai quốc gia.
“Nói chun, các thỏa thuận này nhấn mạnh đồng thuận chung giữa Hoa Kỳ và các đối tác Âu Châu của chúng tôi để an ninh của Âu Châu và xuyên Đại Tây Dương được mạnh mẽ hơn,” ông nói.
“Đan Mạch vẫn là một đối tác cần thiết trong nỗ lực này.”
Mối quan hệ Hoa Kỳ–Âu Châu là then chốt để chống lại Nga
Thỏa thuận với Đan Mạch có nghĩa là Hoa Kỳ hiện có quyền tiếp cận quân sự rộng rãi tới toàn bộ lục địa Scandinavia, ngoại trừ lãnh thổ Aland tự trị của Phần Lan.
DCA cũng không bao gồm Quần đảo Faroe hoặc Greenland – là những lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Hoa Kỳ đã ký các thỏa thuận tương tự với Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Phần Lan, Hungary, Latvia, Lithuania, Na Uy, Ba Lan, Slovakia, và Thụy Điển.
Các cuộc đàm phán về thỏa thuận với Đan Mạch bắt đầu hồi tháng 02/2022, vào thời điểm đó Bộ Ngoại giao mô tả thỏa thuận này là “một sự tiến triển tự nhiên trong nhiều thập niên hợp tác an ninh của chúng ta.”
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết: “Hoa Kỳ và Đan Mạch hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều vấn đề quan trọng đối với cả hai nước, đối với Liên minh NATO, và đối với phần còn lại của thế giới.”
Ông Blinken cho biết hợp tác với Đan Mạch là quan trọng hơn bao giờ hết vì Nga đã cố gắng xâm chiếm Ukraine.
“Đan Mạch tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong việc bảo đảm cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine vẫn là một thất bại chiến lược,” ông nói tại buổi lễ ký kết. “Đây là một trong những quốc gia đầu tiên cam kết cung cấp F-16 cho Ukraine và đào tạo phi công Ukraine lái loại phi cơ này.”
“Hai quốc gia chúng ta cùng nhau cam kết tạo điều kiện cho Ukraine tự cường, và tự cường một cách mạnh mẽ, về mặt quân sự, kinh tế, dân chủ.”
Khi Hoa Kỳ ký thỏa thuận tương tự với Phần Lan hôm 19/12, giới lãnh đạo Nga đã nói rõ rằng họ không hài lòng với sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Scandinavia.
Theo chính phủ Nga, họ cũng dự định tổ chức lại một số sư đoàn quân sự và điều động thêm quân ở phía tây bắc để đáp lại điều mà họ cho là “NATO muốn tăng tiềm lực quân sự gần biên giới Nga.”
Ông Rasmussen – cựu thủ tướng Đan Mạch – cho rằng sự hợp tác liên tục giữa Hoa Kỳ và Âu Châu là rất quan trọng để đối đầu với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, chủ nghĩa khủng bố chống lại Israel, và khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng ở Gaza.
“Cả hai nước chúng ta đều biết rằng hòa bình và ổn định không thể được xem là điều hiển nhiên,” ông nói. “Trong thời điểm như thế này, bạn hữu phải gắn bó với nhau, và đó là những gì chúng ta đang làm với thỏa thuận này.”
“Quý vị luôn có thể tin tưởng vào chúng tôi. Và chúng tôi sẽ luôn tin tưởng vào quý vị.”