Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun trình diễn bản concerto ‘Lương Sơn Bá–Chúc Anh Đài’ tại Lincoln Center
Caherine Yang
Vào ngày 22/10/2023, Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun sẽ trở lại thành phố New York để biểu diễn một ngày duy nhất tại Phòng hòa nhạc David Geffen thuộc Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Lincoln.
Dàn nhạc giao hưởng này có các thành viên đến từ tám dàn nhạc trong các đoàn lưu diễn của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chương trình biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng thường bao gồm các tác phẩm nguyên tác của Shen Yun.
Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại New York, nổi tiếng với sứ mệnh hồi sinh và đặt định ra tiêu chuẩn cho vũ đạo Trung Hoa cổ điển, cũng như việc phối hợp âm nhạc cổ điển Trung Hoa và Tây phương. Một số nhạc cụ Trung Hoa đặc sắc mang tính đại biểu như đàn nhị hồ và đàn tỳ bà được đưa vào dàn nhạc cổ điển Tây phương đặc biệt này, và các nhạc công chỉ biểu diễn các tác phẩm nguyên tác từ những tiết mục vũ đạo của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Những giai điệu Trung Hoa cổ xưa được phối khí để phát huy sự hùng tráng của một bản giao hưởng cổ điển, và kết quả là các tiết mục vừa mang tính độc nhất vô nhị vừa được toàn thể khán giả yêu mến.
Chương trình năm nay gồm một số bản nhạc nguyên tác – danh sách này vẫn chưa được công bố – cùng các nhạc phẩm kinh điển được yêu thích như: “Finlandia” của nhà soạn nhạc Sibelius, chương cuối cùng trong “Bản Giao Hưởng Tân Thế Giới” (New World Symphony) của nhà soạn nhạc Dvorak, và Concerto “Lương Sơn Bá–Chúc Anh Đài” (Butterfly Lovers)
Concerto “Lương Sơn Bá–Chúc Anh Đài” là một trong những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của âm nhạc Trung Hoa; dù nhiều khán giả có thể không quen thuộc với tên của bản nhạc này, nhưng giai điệu mở đầu của tác phẩm từng được sử dụng rất rộng rãi. Hầu hết mọi người đều có thể nhận ra giai điệu phổ biến này, vốn bắt nguồn từ vở kinh kịch dân gian của Trung Quốc.
Nghệ sĩ vĩ cầm Debbie Jin là nghệ sĩ độc tấu trong buổi hòa nhạc sắp tới, và bản thu âm mà cô diễn tấu tác phẩm này có thể được tìm thấy trên nền tảng phát sóng trực tuyến Shen Yun Creations.
Cô Jin là nghệ sĩ chỉ huy dàn nhạc của Shen Yun, đã đồng hành cùng công ty này từ năm 2018. Cô bắt đầu học âm nhạc khi còn rất nhỏ, cả đàn vĩ cầm và dương cầm, đồng thời cô cũng là nghệ sĩ thắng giải vàng tại Cuộc thi Âm nhạc của Học viện Nghệ thuật Phi Thiên năm 2021.
Câu chuyện về số mệnh
Trong suốt thế kỷ 20, các nhà soạn nhạc Trung Quốc đã rất quan tâm tới thể loại opera của phương Tây, và bản Hòa tấu Vĩ cầm “Butterfly Lovers” là một tác phẩm xuất sắc bậc nhất vào thời kỳ đó.
Tác phẩm này được hai nhà soạn nhạc là Hà Chiêm Hào và Trần Cương sáng tác vào năm 1959, dựa trên một câu chuyện dân gian Trung Quốc có bối cảnh vào Triều Đại Đông Tấn (266–420 sau Công Nguyên). Câu chuyện kể về Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài.
Niềm tin truyền thống vào hai chữ “duyên phận” – nghĩa là mối duyên tiền định, số phận, hoặc vận mệnh, đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện này.
Theo trang web của Shen Yun, các nhà soạn nhạc biết rõ âm nhạc dân gian và các nhánh khác nhau của kinh kịch Trung Quốc được mến mộ rộng rãi như thế nào trên khắp đất nước họ, và họ đã đưa những nét đặc trưng của các thể loại đó vào tác phẩm của mình.
Đàn vĩ cầm (violin) có những đặc điểm của đàn cổ tranh, đàn nhị hồ, và đàn tỳ bà Trung Quốc, tượng trưng cho Chúc Anh Đài, nhân vật nữ chính trong câu chuyện. Còn đàn trung vĩ cầm (cello) thì tượng trưng cho chàng thư sinh Lương Sơn Bá.
Câu chuyện bắt đầu khi Chúc Anh Đài cải trang thành nam nhi để có thể đến trường học, và tại đây, nàng đã gặp gỡ Lương Sơn Bá – cuộc hội ngộ giữa họ được đánh dấu bằng màn song tấu của đàn vĩ cầm và trung vĩ cầm, khi hai người kết giao tri kỷ. Âm nhạc miêu tả bức tranh hai người ở bên nhau trong suốt ba năm ở trường học.
“Suốt thời gian đó, tình cảm sâu sắc giữa họ đã nảy sinh. Khi việc học hoàn tất và phải chia tay nhau, họ hứa hẹn rằng sẽ sớm ngày gặp lại,” theo lời mô tả về tác phẩm thu âm này trên trang Shen Yun Creations.
Tác phẩm có tiết tấu lần lượt thay đổi từ chậm rãi – nhanh dần – dữ dội (Pesante-Piu mosso-Duramente), đánh dấu thời khắc bi kịch sắp xảy đến.
Chúc Anh Đài khích lệ Lương Sơn Bá đến nhà nàng để cầu thân em gái nàng, với chủ ý là sắp đặt một cuộc hội ngộ làm rõ thân phận nữ nhi của nàng. Khi Chúc Anh Đài từ trường học trở về nhà thì mới phát hiện mình đã bị hứa gả cho công tử của một gia đình phú hộ.
Màn độc tấu đầy kịch tính của đàn vĩ cầm khắc họa những lời lẽ đầy nước mắt của nhân vật nữ chính với phụ thân nàng, và giữa tình huống ấy, Lương Sơn Bá một lần nữa bước vào khung cảnh này.
Chàng kinh ngạc khi phát hiện ra Chúc Anh Đài là nữ nhi – và đã có hôn ước – lúc này đàn vĩ cầm và trung vĩ cầm bắt đầu song tấu trong giai điệu dồn dập, đẩy lên cao trào ở một trong những đoạn bi tráng nhất của tác phẩm.
Bị dằn vặt trong nỗi bi thương, Lương Sơn Bá đã qua đời, và Chúc Anh Đài cũng sớm đi theo chàng. Các nhạc cụ thuộc bộ gõ Trung Hoa đã làm nổi bật những tình tiết bi kịch này.
Tuy nhiên, ở đoạn cuối của bản nhạc, các chủ đề nguyên tác được tái hiện trong sắc thái có đủ cay đắng ngọt bùi. Trong câu chuyện này, đôi uyên ương đã hóa thành hồ điệp, và hoàn thành số mệnh sống bên nhau của họ.