Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun trở lại New York hôm 22/10/2023
Catherine Yang
Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun sẽ trở lại thành phố New York với hai buổi biểu diễn vào ngày 22/10/2023.
Dàn nhạc giao hưởng với các nghệ sĩ đến từ Công ty Biểu diễn Nghệ thuật Shen Yun lừng danh thế giới, được thành lập để đáp lại sự yêu mến từ khán thính giả mong muốn thưởng thức thêm âm nhạc Shen Yun. Shen Yun là công ty vũ đạo Trung Hoa cổ điển hàng đầu thế giới, được thành lập tại New York hồi 2006 với các nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Kể từ năm 2012, dàn nhạc giao hưởng thỉnh thoảng biểu diễn ngoài mùa lưu diễn kéo dài 6 tháng hàng năm của Shen Yun.
Buổi hòa nhạc này sẽ được trình diễn vào một ngày duy nhất – Chủ Nhật, 22/10/2023, lúc 01 giờ chiều và 05 giờ chiều tại Phòng Hòa nhạc David Geffen ở Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Lincoln. Trung tâm này mới mở cửa lại vào năm 2022, sau đợt tân trang trị giá nửa tỷ dollar Mỹ.
“Tôi có thể nói rằng Shen Yun không chỉ biểu diễn âm nhạc, diễn tấu các nốt nhạc, và giai điệu không thôi. Chúng tôi đi sâu vào ý nghĩa của bản nhạc, thậm chí vượt qua tầng diện cảm xúc – hầu hết các dàn nhạc giao hưởng đều thiên về cảm xúc, nhưng chúng tôi vượt trên điều đó – nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa uyên thâm hơn của âm nhạc. Điều này giống như việc chúng tôi biểu đạt cho khán thính giả thấy mật mã ẩn bên trong bản nhạc vậy. Tuy khán thính giả không cần thiết phải hiểu hết mật mã bí ẩn này, nhưng hiệu quả và sự rung động đã ở đó rồi,” nhạc trưởng Milen Nachev chia sẻ trong một video phỏng vấn trên trang blog của Shen Yun.
Giao thoa giữa phương Đông và phương Tây
Trong chương trình biểu diễn hàng năm của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun có sự kết hợp của một số bản nhạc nguyên tác – nổi bật là sự phối hợp độc nhất vô nhị giữa các nhạc cụ Đông phương và Tây phương – bên cạnh các tác phẩm kinh điển được yêu thích như của nhà soạn nhạc Beethoven và Tchaikovsky. Điều này cho thấy âm nhạc cổ điển thực sự là một ngôn ngữ phổ quát, có khả năng truyền tải tinh hoa của bất cứ nền văn hóa nào.
Dàn nhạc gồm có một số nhạc cụ Trung Hoa chọn lọc, đặc biệt và tiêu biểu. Ví dụ đàn tỳ bà là một loại nhạc cụ có năm dây của Trung Quốc, được mệnh danh là “vua của các nhạc cụ” và có thể được gảy hoặc búng để tạo ra nhiều hiệu ứng âm thanh đa dạng. Đàn nhị hồ có vĩ kéo thì nổi tiếng vì khả năng biểu đạt nhiều cung bậc cảm xúc, sôi nổi, du dương, và đôi khi được cho là rất gần với giọng nói của con người, với hai sợi dây đàn mô phỏng hai dây thanh quản của con người. Bên cạnh đó, dàn nhạc này cũng có các nhạc cụ thuộc bộ gõ của Trung Quốc, nhưng nhìn chung vẫn là một dàn nhạc giao hưởng tiêu chuẩn, mặc dù có quy mô lớn hơn.
Trong các tác phẩm nguyên tác của Shen Yun, những giai điệu Trung Hoa cổ xưa được phối khí để phát huy sự hùng tráng của toàn bộ dàn nhạc, cũng như sự dung hòa của hai thể hệ âm nhạc cổ điển.
Âm nhạc Trung Hoa không được nhiều người biết đến ở phương Tây, và có một ngộ nhận phổ biến rằng thể loại âm nhạc này là ngũ cung, hoặc được sáng tác dựa trên thang âm có 5 nốt nhạc.
Cô Cầm Viên (Qin Yuan) là một nhà soạn nhạc của Shen Yun, trước đây, cô từng giải thích với The Epoch Time rằng, kỳ thực âm nhạc Trung Quốc cổ xưa được sáng tác theo nhiều cách khác nhau.
“Rất nhiều người nghĩ rằng âm nhạc Trung Hoa dựa trên thang âm ngũ cung, nhưng kỳ thực không phải vậy. Ở Trung Quốc cổ đại, có ba thang âm được sử dụng phổ biến nhất, nhưng cả ba thang âm này đều có 7 nốt nhạc,” cô Cầm nói. “Các thang âm này thực sự sử dụng các nốt nhạc giống như những nốt nhạc mà bạn vẫn thấy trong âm nhạc cổ điển của phương Tây. Tuy nhiên, điều khác biệt là cách vận dụng và sắp xếp các nốt nhạc, [khiến] các âm luật sau đó hoàn toàn khác nhau.”
Văn hóa truyền thống Trung Quốc được xem là văn hóa Thần truyền, tập trung vào sự hài hòa giữa Thiên, Địa, và Nhân. Tất cả các loại hình nghệ thuật của Trung Quốc, gồm cả âm nhạc mà Shen Yun đã và đang kế thừa, đều phản ánh các giá trị này.
Ông Charles Terry đã chia sẻ khi thưởng thức buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun ở Costa Mesa, tiểu bang California, nhân dịp sinh nhật của mình rằng, “Đây có lẽ là ngày đẹp nhất trong cuộc đời tôi.”
“Buổi hòa nhạc khiến tinh thần thăng hoa, khiến bạn cảm thấy thật tốt đẹp,” ông Mark Brauer một khán giả khác thường xuyên đi nghe hòa nhạc ở tiểu bang California, cho hay. “Thật cảm động. Tôi có đôi chút xấu hổ khi nói ra điều này, nhưng tôi thực sự đã rơm rớm nước mắt.”
“Bạn có thể cảm nhận được những cảm xúc mà họ gợi lên từ mỗi nhạc phẩm,” cô Tracey Moretz cho biết khi thưởng thức buổi hòa nhạc ở Houston. “Lấy ví dụ, ở cuối bản nhạc ‘Divine Compassion’ (Từ Bi Của Thần), bạn thực sự có thể cảm thấy lòng trắc ẩn đang được khơi dậy.”
“Đây là âm nhạc chân chính,” ông Ernest Torres chia sẻ khi thưởng thức buổi biểu diễn ở Nhà hát Carnegie. “Đó là một cảm giác tuyệt vời mà tôi không thể diễn tả bằng lời. Tôi thấy mình đang sống, tôi thấy tốt đẹp hơn. Điều này thật kỳ diệu.”
Bà Marta Tereshchenko là một nghệ sĩ dương cầm cổ điển, đã tán dương các bản nhạc nguyên tác mà bà được thưởng thức tại Nhà hát Carnegie.
“Thể loại âm nhạc Trung Quốc mà tôi được nghe hôm nay còn hơn cả sự thăng hoa. Âm nhạc này giúp tẩy tịnh tâm trí bạn,” bà nói. “Và mang đến cho bạn một tâm thái tốt.”
Chương trình biểu diễn
Năm nay, hai nhạc trưởng Milen Nachev và Lý Toàn (Li Xuan) sẽ chỉ huy dàn nhạc giao hưởng diễn tấu bản “Butterfly Lovers Violin Concerto” (Bản Hòa Tấu Vĩ Cầm Lương Chúc), chương thứ tư trong “Bản Giao Hưởng Số 9” của nhà soạn nhạc Dvorak, và nhạc phẩm nổi tiếng “Finlandia” của nhà soạn nhạc Sibelius.
Nhạc trưởng Nachev sinh ra ở Bulgaria, ông từng là nhạc trưởng chính kiêm giám đốc âm nhạc của một số dàn nhạc giao hưởng lớn ở Đông Âu. Các tác phẩm thu âm của ông thường được phát sóng trên Đài truyền hình BBC và Đài phát thanh Radio France. Ông đang lưu diễn mùa thứ chín cùng Shen Yun, và chỉ huy dàn nhạc giao hưởng trong các buổi biểu diễn tại Nhà hát Carnegie, Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Kennedy, Nhà hát Tokyo Opera City, cũng như nhiều phòng hòa nhạc danh tiếng khác trên khắp thế giới.