Đấu tranh cho tự do ngôn luận
Bạo lực, cướp bóc và tình trạng lộn xộn mà Hoa Kỳ đã chứng kiến trong nhiều tháng qua phần lớn bắt nguồn từ học đường, nơi các giảng viên cánh tả dạy những người trẻ chưa trưởng thành những điều trái với lẽ thường và các nguyên tắc tự do.
Điều cốt lõi trong số các bài học của họ là cần phải tấn công “tự do ngôn luận” dưới hình thức nghiêm cấm những thứ được gọi là “phát ngôn thù hận” hay những lời nói vô tình gây tổn thương. Dưới đây là các ví dụ về những lời gây tổn thương dường như không chủ ý đó: “Bạn hẳn đã làm rạng danh cho giống nòi của mình.” “Chà! Làm thế nào mà bạn trở nên giỏi toán đến vậy?” “Chỉ có một chủng tộc duy nhất, loài người.” “Tôi không phân biệt chủng tộc. Tôi có khá nhiều bạn da màu.” “Là một phụ nữ, tôi hiểu những gì bạn phải trải qua khi thuộc nhóm người thiểu số.”
Thật là một tình trạng đau lòng vì lẽ ra tự do ngôn luận và phản biện phải được bảo vệ tại các cơ sở giáo dục cấp bậc đại học. Trên thưc tế, chính sự tự do tư tưởng đã khiến Hoa Kỳ, cũng như các quốc gia phương Tây khác, trở thành người tiên phong trong hầu hết mọi lĩnh vực mà nhân loại nỗ lực. Sự độc quyền về ý tưởng cũng nguy hiểm tương tự như sự độc tài trong chính trị hay sự độc quyền trong sản xuất.
Câu hỏi nên đặt ra là làm thế nào có thể đo được mức độ chấp nhận thực sự về tự do ngôn luận của một người đây? Sẽ chẳng đo được gì khi người đó chỉ cho phép mọi người nói những điều mà người đó cho là có thể chấp nhận được. Mức độ này chỉ đo được khi người đó cho phép bất kỳ ai nói những điều mà người đó cho là có tính xúc phạm.
Trong khi quyền tự do ngôn luận đang bị tấn công, nhưng chúng ta đang bắt đầu thấy sự lùi bước. Hơn 12,000 giáo sư, các nhà lãnh đạo tự do ngôn luận, và các nhà lãnh đạo các tổ chức theo khuynh hướng bảo thủ đã ký “Tuyên bố Philadelphia”.
Một phần của tài liệu dài 845 chữ viết rằng: “Tương tự như vậy, các trường cao đẳng và đại học đang áp đặt các quy định về ngôn luận để sinh viên được ‘an toàn’, không phải để tránh bị tổn hại về thể chất, mà là để tránh các thách thức với chuẩn mực của trường. Các chính sách và quy định này cho rằng với tư cách công dân, chúng ta không thể tự suy nghĩ và đưa ra các phán quyết độc lập. Thay vì dạy chúng ta tham gia, họ khuyến khích chủ nghĩa tuân thủ (“tư duy nhóm”) và huấn luyện chúng ta phản ứng với những thử thách trí tuệ bằng một hoặc một hoặc vài hình thức kiểm duyệt khác. Một xã hội thiếu hài hòa và cho phép mọi người cảm thấy xấu hổ hoặc bị đe dọa đến mức tự kiểm duyệt ý kiến của mình sẽ không tồn tại được lâu.”
“Là công dân Hoa Kỳ, chúng tôi mong muốn một thị trường ý tưởng cởi mở và hưng thịnh, biết rằng đó là cách công bằng và hiệu quả nhất để tách biệt sự giả dối với sự thật. Do đó, những tiếng nói bất đồng và không được lòng dân – dù thuộc phe cánh tả hay cánh hữu – đều phải có cơ hội được lắng nghe. Điều đó thường mở đường cho xã hội chúng ta tiến đến các vị thế công bằng hơn; đó là lý do tại sao Frederick Douglass nói rằng tự do ngôn luận là cách ‘trùng tu đạo đức tuyệt vời của xã hội và chính phủ.’”
Việc nhận ra tầng lớp trí thức đang tấn công tự do ngôn luận không phải là điều mới mẻ. Trong một bài phát biểu năm 1991, Hiệu trưởng Đại học Yale, ông Benno Schmidt, đã cảnh báo: “Các vấn đề nghiêm trọng nhất về quyền tự do ngôn luận trong xã hội chúng ta ngày nay đang tồn tại trong khuôn viên trường của chúng ta. Người ta dường như cho rằng mục đích của giáo dục là đưa ra một quan điểm đúng đắn hơn là tìm tòi trí tuệ và khai phóng tâm trí.”
Những kẻ bạo chúa ở khắp mọi nơi, từ Đức Quốc xã đến cộng sản, đều bắt đầu từ việc ủng hộ quyền tự do ngôn luận. Tại sao? Bởi vì lời nói rất quan trọng đối với việc hiện thực hóa các mục tiêu cánh tả về chỉ huy và kiểm soát. Người dân phải được tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Một khi phe cánh tả đã giành được quyền lực – như họ có ở hầu hết các trường cao đẳng và đại học của chúng ta – thì quyền tự do ngôn luận sẽ trở thành một ràng buộc pháp lý [cho người dân]. Quyền này thách thức những ý tưởng và nghị trình của họ, do đó phải bị đàn áp.
Các cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận để đồng điệu với chủ nghĩa đa văn hóa và đa dạng thực sự là các cuộc tấn công vào các giá trị phương Tây – những giá trị vượt trội hơn tất cả những thứ khác. Thành tựu không thể thiếu của phương Tây là khái niệm về quyền cá nhân, về ý tưởng rằng mỗi cá nhân đều có một số quyền bất khả xâm phạm mà không cần chính phủ ban phát. Chính phủ tồn tại để bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm này. Phải đến tận thế kỷ 17 thì ý tưởng đó mới nảy sinh và chủ yếu thông qua các nghiên cứu của các triết gia người Anh như John Locke và David Hume.
Và bây giờ những người cánh tả trong khuôn viên trường học của thế kỷ 21 đang cố gắng đàn áp những quyền bất khả xâm phạm này.