Để trẻ em trưởng thành lành mạnh: “Không có quy củ, không thành vuông tròn”
Tuân Huống là nhà tư tưởng cuối thời Chiến Quốc từng viết trong cuốn Khuyến học như sau: “Gỗ tuy thẳng nhưng có thể dùng lửa uốn thành cong làm bánh xe, độ cong của nó phù hợp với yêu cầu của hình tròn, cho dù có khô đi cũng không trở lại thẳng như trước, đây là nhờ vào sự sức nóng của lửa”. (Nguyên văn: “Mộc trực trúng thằng, oanh dĩ vi luân, kỳ khúc trúng quy; tuy hữu cảo bạo, bất phục đĩnh giả, oanh sứ chi nhiên dã” ).
Ý của Tuân Huống ở đây là muốn nói tới quy tắc bồi dưỡng con người. Tục ngữ có câu: “Không có quy củ, không thành vuông tròn” cũng là có ý tứ này. Nếu như một đứa trẻ trong giai đoạn trưởng thành ban đầu có những quy phạm về hành vi, thường xuyên được chú ý dẫn dắt, đồng thời trong quá trình phát triển không ngừng chỉnh sửa thì đứa trẻ này ắt sẽ phát triển một cách khỏe mạnh toàn diện. Ngược lại, nếu như một đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều, để cho tự do phóng túng, không quản lý dạy bảo, yêu thương quá mức, gia pháp không nghiêm thì sau khi trưởng thành sẽ tự cao tự đại, không hiểu lễ nghĩa gia quy, sẽ khó mà nên người, thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trong một xã hội như xã hội ngày nay, đa phần các gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con, nên trẻ em thường được coi là trung tâm của gia đình hai bên nội ngoại, được nuông chiều hết mực thì điều này càng dễ xảy ra hơn. Đây cũng là nguyên nhân mà chúng ta ngày càng thấy nhiều trường hợp nghịch tử xảy ra, nếu như dùng Google tìm kiếm thì chỉ trong chưa đầy 60 giây đã cho ta hơn 200 nghìn kết quả những trường hợp nghịch tử, một con số báo động. Trẻ em ngày nay nếu dạy bảo không nghiêm, dẫn tới có quá nhiều trường hợp đau lòng xảy ra, có những lúc chỉ vì những lý do thật ngớ ngẩn nhưng chúng sẵn sàng ra tay làm hại người khác, thậm chí là giết người.
Những nghịch tử này thường gây án trong độ tuổi đáng lẽ ra phải là những tuổi ngây thơ, đẹp nhất đời người, thật khiến cho người ta không khỏi đau xót. Điểm qua những nghịch tử này người ta phát hiện hầu hết số chúng đều có chung một điểm là được gia đình nuông chiều từ bé, quản giáo không nghiêm. Thậm chí trong số đó có những đứa trẻ “muốn gì được nấy”, được cha mẹ đáp ứng vô điều kiện. Gia đình có trên, có dưới nhưng lại không biết phân biệt lớn bé, sống không có phép tắc, lâu dần biến thành tính cách, vị tư, lạnh lùng, độc đoán, kiêu ngạo, bạo lực… đều là những yếu tố gây nên sự bất ổn cho gia đình và xã hội.
Có những gia đình vì mải lo cho sự nghiệp mà bỏ bê con cái để cuối cùng phải trả giá đắt. Có nhà giáo dục nói: “Trên đời này không có sự nghiệp nào to lớn bằng sự nghiệp dạy bảo con cái”. Cha mẹ nuôi dạy con cái điều cần nhất chính là sự nghiêm khắc, không thể nuông chiều buông thả. Ngược lại nếu như gia đình có đủ đầy sự dân chủ, tự do và không khí hoà ái, giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ bình đẳng tương giao, con cái có thể tự do bày tỏ suy nghĩ của mình, làm những việc nên làm ắt con cái sẽ trưởng thành một cách toàn diện.
Bé không vin, cả gẫy cành
Trẻ em sinh ra vốn như tờ giấy trắng. Tương lai của chúng ra sao? trở thành bức tranh tươi sáng tràn đầy màu sắc hay là trang vở bình thường, hoặc giả là tờ giấy bỏ đi, hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và sự đối đãi của các bậc cha mẹ. Một đứa trẻ nếu như sinh ra được cha mẹ uốn nắn thường xuyên, kịp thời thì khi lớn lên sẽ đoan trang, trung chính đúng mực. Năm tháng tuổi thơ vốn là những năm tháng khám phá, tinh nghịch, trẻ em ở quê đôi khi ham chơi với bạn mà sang nhà hàng xóm trộm quả cam, quả ổi. Nhưng với những thế hệ trước, một khi phát hiện con cái làm vậy các bậc cha mẹ đều không ngừng dạy bảo: “nhỏ trộm quả ổi, lớn trộm con trâu” ý tứ là nhỏ mà không quản lý dạy bảo, lớn lên sẽ hư hỏng, là mối lo cho xã hội.
Trước đây tại một vùng quê nhỏ có lưu truyền một câu chuyện như sau:
Có một cậu bé thông minh tinh nghịch, nhưng một hôm vì ham chơi, tinh nghịch nên sang nhà hàng xóm ăn trộm quả bưởi về nhà ăn. Mẹ cậu biết vậy nhưng không hề trách mắng lại khen con mình nhanh nhẹn. Kết quả sau này cậu không ngừng phạm phải những việc tương tự, để cuối cùng khi lớn lên sinh làm đạo tặc, bị quan phủ bắt được xử tử. Trước lúc bị đưa đi, cậu đã cầu xin quan nha cho cậu gặp mẹ một lần, muốn được ăn bữa cơm của mẹ lần cuối. Vì nghĩ cậu sắp chết nên thương tình thông báo cho mẹ cậu chuẩn bị cơm mang vào cho cậu. Ngờ đâu khi mẹ cậu vừa mang cơm vào cho cậu, cậu đã ra tay hại mẹ mình. Cậu cho rằng nguyên nhân là bởi mẹ cậu đã quá nuông chiều, thấy con sai trái không khuyên bảo lại ủng hộ để sau này thành tính. Ở đây cái sai đầu tiên chính là sai ở mẹ cậu.
Cha không nghiêm, con trẻ đua đòi, thân làm cha mẹ điều cốt lõi chính là phải biết hành xử đúng sai, làm tấm gương cho con cái nhìn vào. Khi yêu cầu nghiêm khắc với con cái một thì lại phải cần nghiêm khắc bản thân mười.
Một số bậc cha mẹ vì muốn con cái được vương trưởng, thành đạt, có chỗ đứng trong xã hội mai này nên thường dạy con cái kỹ năng khôn khéo, lanh lợi. Tuy nhiên, con người ta càng khôn khéo lanh lợi thì lại càng rời xa trung thực, thiện lương, vì sợ bản thân chịu thiệt mà đẩy sang người khác. Khi chúng ta dạy bảo con cái như vậy cũng có nghĩa là bước đầu chúng ta đẩy con cái mình sang con đường sai trái. Con người làm bất kể việc gì đều sinh ra hai loại tác dụng, có được có mất. Bản năng làm cha làm mẹ, ai cũng muốn con mình mạnh mẽ thành tài. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ con ngày càng tự tư, tự lợi; không biết suy nghĩ cho người khác. Thiết nghĩ con muốn nên người không chỉ đơn giản là phải dạy dỗ nghiêm khắc mà còn cần đến sự lấy thân làm mẫu cho con.
Biên dịch: Khải Chính