Di sản lâu đời của Đoàn xiếc ‘Buổi biểu diễn vĩ đại nhất trái đất’
Dustin Bass
Một ngày sau Quốc Khánh lần thứ 34 của Mỹ quốc, ông Phineas Taylor (PT) Barnum chào đời tại thị trấn nhỏ Bethel, tiểu bang Connecticut. Mặc dù có xuất thân khiêm tốn, nhưng sau này ông đã trở nên nổi tiếng với danh hiệu “Nghệ sĩ biểu diễn vĩ đại của Mỹ quốc” (Great American Showman). Năm 12 tuổi, ông đã đến Brooklyn, New York, nhưng không theo cách thông thường. Người ta thuê ông để phụ lùa một đàn gia súc đến thành phố lớn. Ông đã mê mẩn thành phố này – nơi dường như che mờ thị trấn quê nhà của ông cả về quy mô lẫn mức độ rộng lớn. Trong những năm tiếp theo, Thành phố New York đã trở thành quê hương của ông, và chính từ đây, tên tuổi ông được cả thế giới biết đến.
Năm 1810, năm ông Barnum chào đời, ông John Scudder – nhà tự nhiên học và phân loại học – cho khánh thành Viện Bảo tàng Mỹ quốc trên tầng hai của Trung tâm Bảo trợ Xã hội Thành phố New York, ở Số 21, Phố Chatham. Viện Bảo tàng này thường tổ chức các buổi thuyết trình khoa học và triển lãm lịch sử tự nhiên. Sau cuộc chiến năm 1812 và cuộc suy thoái kinh tế, viện bảo tàng tổ chức các buổi biểu diễn của nhạc công và [trưng bày] nhiều hiện vật quý hiếm khác, thu hút du khách thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Năm 1830, viện bảo tàng được con trai của Tiến sĩ John Scudder Jr. điều hành với nhiều quảng cáo rầm rộ và thành công về mặt thương mại. Sau đó, viện bảo tàng này di dời về một tòa nhà danh tiếng tọa lạc ở góc đường Broadway và Ann. Vào năm 1835, nó may mắn sống sót sau trận đại hỏa hoạn ở New York và sáu năm sau, vào năm 1841, ông Barnum đã mua lại viện bảo tàng này với giá 12,000 USD (khoảng 424,000 USD thời nay).
Ông Barnum chỉ đổi tên một chút từ Viện Bảo tàng Mỹ quốc thành Viện Bảo tàng Mỹ quốc Barnum (Barnum’s American Museum). Sau khi tân trang và thực hiện những thay đổi khác, viện bảo tàng mở cửa trở lại vào ngày 01/01/1842, và trong 23 năm tiếp theo, đây là nơi thu hút khách nổi tiếng nhất của Thành phố New York. Viện Bảo tàng nhiều tầng này được cho là trưng bày khoảng 850,000 hiện vật và có nhiều hiện vật quý hiếm. Những hiện vật này được thiết kế và chế tác trong các xưởng và phòng thí nghiệm của viện bảo tàng, đa dạng từ các tác phẩm sáng tạo làm bằng sáp, thiết kế bối cảnh, và những tiêu bản động vật.
Trở thành thành viên gia đình Bailey
Ông James Anthony McGinnis sinh ngày 04/07/1847 tại thành phố Detroit. Tuổi thơ của ông khó khăn hơn rất nhiều so với ông Barnum. Năm ông 8 tuổi, cả cha mẹ ông đều qua đời. Ông được gửi đến sống cùng chị gái, nhưng cách đối xử khắc nghiệt và thiếu bao dung của bà khiến ông sớm phải bỏ trốn. Năm 12 hoặc 13 tuổi, ông bỏ đi tìm việc ở một trang trại gần thành phố Pontiac, tiểu bang Michigan. Sau đó, ông cũng sớm rời đến Pontiac để tìm một công việc bớt vất vả và đáng làm hơn. Khi đang là nhân viên khuân vác tại khách sạn Hodges House, ông đã gặp Đại tá Frederic Harrison Bailey – người làm việc cho các chuyến lưu diễn của “Old time circus” (Rạp xiếc thời xưa) của ông John Robinson và ông Bill Lake. Ông McGinnis đã xin được tham gia rạp xiếc này dù ở bất cứ vị trí nào, vì ông thấy hứng thú với đoàn xiếc và nhận thấy lòng tốt cũng như tinh thần hào phóng ở ông Bailey. Ông Bailey đành phải đồng ý và cậu bé này đã trở thành trợ lý của ông. Ngay sau đó, ông McGinnis đổi họ của mình thành Bailey.
Trong khi Viện Bảo tàng Mỹ quốc Barnum đang có được thành công lớn thì ông Bailey vẫn đang học cách kinh doanh rạp xiếc (mặc dù ông đã có vài năm làm việc trong Quân đội Liên bang thời Nội chiến). Thủa thiếu thời, ông làm thuê cho chủ rạp xiếc James E. Cooper. Sau vài năm làm việc, ông chủ dần có ấn tượng với tinh thần làm việc và sự nhạy bén trong kinh doanh của ông, nên đã mời ông Bailey làm cộng sự và đổi tên rạp xiếc thành “Đoàn xiếc Cooper và Bailey”.
Những buổi biểu diễn tuyệt vời nhất
Khi danh tiếng của Viện Bảo tàng Mỹ quốc bắt đầu suy giảm, vào năm 1870, ông Barnum được các nhà quản lý rạp xiếc là ông WC Coup và Dan Castello giới thiệu một ý tưởng. Ý tưởng này sẽ liên quan đến một sự hợp tác chưa từng có trước đây – một sự hợp tác xứng đáng được gọi là “The Greatest Show on Earth” (Buổi biểu diễn vĩ đại nhất trái đất).
Ông Barnum chấp thuận ý tưởng này và liên lạc với nhiều mối quan hệ trước đây của mình và những nghệ sĩ đã từng biểu diễn. Hy vọng của ông là “làm lu mờ hoàn toàn mọi buổi biểu diễn khác trên thế giới.” Vào ngày 10/04/1871, ông Barnum đã cùng ông Coup và ông Castello khai trương “P.T. Barnum’s Grand Traveling Museum, Menagerie, Caravan, and Circus” (Bảo tàng Lưu diễn lớn, Thú, Lữ hành, và Xiếc PT Barnum) ở Brooklyn. Bước tiến lớn tiếp theo diễn ra vào ngày 30/04/1874 khi Nhà hát New York Hippodrome khánh thành – sau này có tên là Nhà thi đấu Madison Square Garden. Nhà hát này giúp ông Barnum có được một sân vận động với 10,000 chỗ ngồi cho chương trình biểu diễn “The Greatest Show on Earth” của mình.
Dẫu vậy, ông Bailey cũng đang có những bước tiến lớn trong lĩnh vực kinh doanh rạp xiếc. Từ năm 1876 đến 1878, “Đoàn xiếc Cooper và Bailey” rời nước Mỹ để thực hiện hành trình dài 76,000 dặm. Họ diễn xiếc lần đầu tiên ở Úc, tiếp đến là Nam Mỹ, rồi giong buồm đến Vương quốc Anh trước khi trở về Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, các đoàn xiếc của ông Barnum và ông Bailey là những đoàn xiếc hàng đầu trong nước. Ông Barnum đã thừa nhận quan điểm này vào năm 1880, khi chương trình “London vĩ đại mới của Bailey” (Bailey’s new Great London Show) xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường.
Thay vì cố gắng cạnh tranh với ông Bailey, ông Barnum đề nghị sáp nhập [hai rạp xiếc] và ông Bailey đã đồng ý. Vào tháng 03/1881, “Rạp xiếc Barnum & London” mở cửa cùng với sự phô trương rầm rộ. Năm tiếp theo, công việc kinh doanh của ông Barnum và Bailey tăng vọt sau khi mua chú voi Jumbo từ Sở thú London. Việc chú voi này đến New York đã tạo nên cơn sốt khi nó xuất hiện trên các con đường của thành phố.
Gia đình Rüngelings
Cùng năm mà chú voi Jumbo đến Mỹ quốc, năm anh em đến từ Baraboo, tiểu bang Wisconsin đã thành lập một đoàn ca múa tên là “Classic and Comic Concert Co.” (Công ty Hòa nhạc Cổ điển và Hài kịch). Sau hai mùa diễn, ông Albert, Otto, Alfred, Charles, và ông John Rüngeling đã mở một rạp xiếc phụ. Rạp xiếc nhỏ này cũng phát triển nhanh chóng. Anh em nhà Rüngeling quyết định tốt nhất là nên đổi tên doanh nghiệp này cho dễ đọc hơn một chút, mặc dù cái tên mới cũng khá dài dòng: “Ringling Bros. United Monster Shows, Great Double Circus, Royal European Menagerie, Museum, Caravan và Congress of Trained Animals” (Anh em nhà Ringling. Chương trình Quái thú Hội ngộ, Rạp xiếc Đôi Vĩ đại, Xiếc thú Hoàng gia Âu Châu, Bảo tàng, Lữ hành, và Đại hội Huấn luyện Động vật).
Trong vòng một thập niên, Anh em nhà Ringling lúc này đã có chú voi của riêng họ và nhiều loài động vật khác, cùng các nghệ sĩ biểu diễn, nhiều hiện vật trưng bày và những điều kỳ thú. Đến năm 1890, rạp xiếc mới bắt đầu chất các toa xe và thiết bị diễn xiếc của họ lên toa xe lửa để dễ dàng vận chuyển hơn. Điều này cũng giúp họ tổ chức các chuyến lưu diễn kéo dài hơn.
Ông Barnum qua đời
Khi gần 80 tuổi, ông Barnum quyết định trao quyền quản lý cho ông Bailey và đổi tên doanh nghiệp này thành “Barnum & Bailey Greatest Show on Earth” (Buổi biểu diễn vĩ đại nhất trái đất của Barnum & Bailey). Vào ngày 07/04/1891, gần 20 năm sau ngày bắt đầu chuyến phiêu lưu trong đoàn xiếc của mình, ông Barnum qua đời vì một cơn tai biến mạch máu não. Ông Bailey sau đó đã mua lại quyền lợi kinh doanh rạp xiếc này từ người vợ góa của ông Barnum, nhưng ông vẫn giữ lại tên cũ. Dưới sự lãnh đạo của ông Bailey, đoàn xiếc tiếp tục làm ăn phát đạt.
Đoàn xiếc Anh em nhà Ringling cũng tiếp tục phát triển. Cảm thấy đầy tự tin, vào năm 1895, Anh em nhà Ringling đã mạo hiểm tới New England – vốn là thị trường mà Barnum & Bailey đang chiếm lĩnh. Ông Bailey học theo cách của ông Barnum, quyết định thay vì hai doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, họ sẽ phân chia [thị trường] trong nước. Anh em nhà Ringling Brothers sẽ đặt trụ sở chính tại Chicago, còn ông Bailey đồng ý ở lại New York.
Ông Bailey qua đời, Nhà Ringling mua lại đoàn xiếc
Năm 1897, ông Bailey quyết định thực hiện chuyến lưu diễn châu Âu kéo dài 5 năm cùng Đoàn xiếc Barnum & Bailey. Với 5 vòng biểu diễn lúc bấy giờ, đoàn xiếc này đã tuyển dụng hơn 1,000 người và lớn đến mức cần tới 28 toa xe lửa để di chuyển. Khi ông Bailey vắng mặt, Anh em nhà Ringling đã trở thành “Những ông vua của thế giới xiếc”. Hiểu được những rủi ro này, ông Bailey dự trù mở rộng quy mô rạp xiếc của mình với nhiều nghệ sĩ biểu diễn hơn, nhiều pha diễn nguy hiểm hơn, đồng thời cần tới 94 toa xe lửa để chuyên chở rạp xiếc, và một chiếc lều khổng lồ 21 tầng. Cuộc cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng ông Bailey chỉ sống thêm được vài năm nữa.
Vào mùa xuân năm 1906, ông Bailey bị bệnh viêm quầng, một căn bệnh về da. Vào ngày 11/04/1906, 15 năm sau ngày ông Barnum mất, “Vua xiếc” cũng qua đời. Tin tức về sự ra đi của ông Bailey được giữ kín với những nghệ sĩ biểu diễn và nhân viên rạp xiếc cho đến sau đêm biểu diễn. Chỉ vài nghệ sĩ kỳ cựu được thông báo trước, trong đó có một chú hề đã khóc nhưng cố nén nước mắt để biểu diễn tiết mục của mình trước khán giả.
Khi Anh em nhà Ringling hay tin, có vẻ như đây là thời điểm thích hợp để sáp nhập hai rạp xiếc. Vào ngày 22/10/1907, Anh em nhà Ringling đã mua lại Rạp xiếc Barnum & Bailey. Trong hơn một thập niên, hai rạp xiếc này vẫn [hoạt động] riêng biệt, nhưng sau Đệ nhất Thế chiến và do hậu quả của suy thoái kinh tế, giải pháp kết hợp hai rạp xiếc này dường như khôn ngoan hơn về mặt kinh tế, và thế là, đoàn xiếc “The Ringling Bros. and Barnum & Bailey Circus” (Đoàn xiếc Anh em nhà The Ringling và Barnum & Bailey) đã ra đời.
Vào ngày 21/05/2017, rạp xiếc thuộc quyền sở hữu của công ty Feld Entertainment từ năm 1967 này đã có buổi biểu diễn được cho là cuối cùng. Năm năm sau, Feld Entertainment thông báo “The Greatest Show on Earth” (Buổi biểu diễn vĩ đại nhất trái đất) đã trở lại, và không có xiếc thú. Vào ngày 23/09/2023, “Đoàn xiếc Anh em nhà Ringling và Barnum & Bailey” đã kết thúc thời gian gián đoạn kéo dài nhiều năm bằng những tiết mục mới và thú vị của các nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Ông Dustin Bass là tác giả đồng dẫn chương trình podcast The Sons of History. Ông cũng viết hai loạt bài hàng tuần cho The Epoch Time là: Profiles in History (Hồ sơ Lịch sử) và This Week in History (Tuần này Năm xưa).