Di sản từ mái hiên sau nhà của một người bị bệnh hiểm nghèo
Những điều nhỏ bé hàm chứa nghĩa tình bao la để lại dấu ấn cho nhiều thế hệ
Mọi người sẽ luôn nhớ đến Quý ông Craig Dierksheide. Tôi gặp ông Craig nhiều năm trước tại một rạp chiếu phim. Cuộc sống lúc bấy giờ rất khác, đặc biệt là đối với ông Craig. Ông bị bệnh xơ cứng teo cơ cột bên (ALS) hay bệnh Lou Gehrig đã hai năm rưỡi. Kể từ khi được chẩn đoán, bệnh nhân chỉ có thể sống được từ hai đến năm năm.
Và ông Craig đã lựa chọn tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa.
Ông và vợ, bà Katie, đã có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc hôn nhân của bạn tôi, Jodie. Ông bà đã chia sẻ sự hiểu biết bằng cả lời nói và sự đối đãi với nhau, khiến vợ chồng bạn tôi vô cùng cảm động.
Một buổi chiều tháng Hai ở miền nam, tôi và Jodie đến thăm ông Craig. Khi ấy, ông mời chúng tôi trò chuyện ở mái hiên sau nhà. Tôi rất thích việc này.
Một năm sau khi bị bệnh, bác sĩ tiên lượng ông chỉ còn sáu tháng do suy hô hấp tiến triển. Đám cưới của con gái ông ấy dự kiến diễn ra mùa thu năm sau đã được dời sớm hơn vào tháng ba.
Vượt qua được sáu tháng đó, ông cảm thấy rất vui vì bác sĩ đã sai. Bác sĩ cho rằng, “Vì ông có một thể trạng tuyệt vời trước khi mắc bệnh.” Ông ấy tạm dừng, hít một hơi sâu và tiếp tục câu chuyện.
“Tôi nói với bác sĩ rằng, ‘Điều này khiến bác sĩ sai hai lần.’” Và chúng tôi phá lên cười.
Chúng tôi đã cười rất nhiều, và nước mắt cũng rơi trong ngày hôm đó. Ông Craig chắc hẳn đã rơi lệ, khi bệnh tật lấy đi dần dần sự sống mà ông mong được tiếp tục.
Sau buổi chiều đó, tôi đã hiểu về con người ông Craig và vợ chồng ông ấy. Tôi hiểu những thành tựu họ để lại: đó là họ đã sống cuộc đời như thế nào và để lại những gì cho thế giới này. Ông chia sẻ những câu chuyện về lòng tốt tại hiên nhà này, đôi khi bằng một tràng cười, và đôi khi là những giọt nước mắt.
Ông ấy hỏi thăm công việc của tôi ở Rwanda. Tôi nói rằng Rwanda là nơi ở và là mục tiêu của tôi; tôi đã gặp những người cùng chí hướng và cùng xây dựng một bệnh viện ở Rwanda với sự hỗ trợ từ Africa New Life Ministries (Bộ Đời sống mới Phi Châu).
Ông ấy trở nên trầm lặng và nói rằng, “Tôi không nghĩ rằng tôi sẽ để lại di sản gì cho đời, khi tôi còn chả nhấc nổi ngón tay.”
Còn tôi thì tin rằng tất cả chúng ta đều để lại những di sản của riêng mình bằng một hình thức nào đó. Chúng có thể tốt đẹp hay xấu tệ một cách không cố ý. Mục đích của tôi khi viết bài này là giúp mọi người hiểu rằng việc tạo ra di sản theo ý nguyện và chia sẻ nó cũng là một mục tiêu trong cuộc sống, đem đến một cuộc sống ý nghĩa, và cuối cùng nó giúp chúng ta có thể ra đi một cách nhẹ nhàng.
Ông Craig hỏi, “Pamela, tại sao hôm nay cô lại đến đây?” Câu trả lời tuôn trào trong tâm tôi. “Ông Craig, tôi đến để nói về những di sản ông để lại.” Thực ra, chính Chúa đã phái tôi và Jolie đến nói với ông Craig việc này. Như đa số người khác, ông Craig không thấy được di sản của mình vì ông ấy nghĩ rằng di sản phải là những thứ to lớn. Nhưng không phải vậy.
Tôi dừng lại một lúc, “Ông Craig, tôi muốn nói về di sản của ông.” Đó là câu nói khá táo bạo khi tôi chỉ mới gặp ông ấy một thời gian ngắn. Và di sản ở đây là tất cả những cuộc trò chuyện tại hiên sau nhà ông. Tôi cảm nhận được từng khoảnh khắc đó. Tôi đã thay đổi nhờ nó. Những kinh nghiệm sống, những điều tử tế, những khoảnh khắc đích thực, đã lắng đọng trong tôi như một tấm khăn choàng lúc tôi giá rét.
“Ông Craig à, sự thật là các câu chuyện dân gian không giúp chúng ta vượt qua những vấn đề cuộc sống như những mẩu chuyện phía sau hiên nhà của ông. Những năm ấy ông đã gây dựng một di sản về các mối quan hệ thấm đẫm lòng nhân.”
Ông ấy sống và dùng quãng thời gian còn lại của mình để tiếp tục khích lệ những người khác. Đây là những kinh nghiệm và di sản của ông ấy. Và các bạn ạ, nếu có thể tạo ra những điều nhỏ nhặt trong di sản của riêng mình, thì chúng ta đã đạt được điều mong ước.
Căn bệnh ALS đã thay đổi cuộc sống của họ hoàn toàn. Họ đã thích nghi với hoàn cảnh mới, lạc quan và biết ơn. Khi chúng tôi rời đi, tôi cảm thấy thanh thản hơn, mạnh mẽ hơn, và chính tôi cũng thay đổi.
Ngày hôm sau, tôi trầm tư suy ngẫm những lời thông thái trong bức thư ông ấy viết cho một nhóm sinh viên y tá mà ông và Katie đã đến thăm.
Ông Craig khuyên họ nên nghĩ về những điều lớn hơn trong cuộc sống, họ may mắn ra sao khi được sinh ra ở Mỹ, và ý nghĩa của việc quan tâm gia đình mình.
Ông ấy cũng khích lệ họ hãy tận dụng những điều cuộc sống đem lại:
- Đừng trở nên tầm thường
- Đừng chỉ kiếm một công việc và làm điều lặp đi lặp lại cả cuộc đời.
- Đừng thỏa hiệp
- Hãy dám ước mơ
- Lập danh sách những việc cần làm và bắt đầu ngay hôm nay.
Đối với tôi, tôi ngạc nhiên trước sự kỳ diệu tạo hóa ban tặng cho con người. Từ mái hiên sau nhà mình, tôi có thể ngắm nhìn bầu trời đêm rộng lớn, đầy sao, tự hỏi có gì ngoài kia và vũ trụ của chúng ta lớn đến mức nào. Tôi nhận ra rằng Thần vĩ đại như thế nào khi sáng tạo ra chúng ta, và tôi cảm ơn sự tưởng tượng của Đấng Sáng Thế. Hãy sống ngay thẳng với Chúa trời vì tất cả chúng ta chỉ ở đây trong một khoảng thời gian. Điều chúng ta đón nhận sau đó sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Với thời gian cùng ông Craig và qua bức thư này, tôi nhận ra rằng tôi đã gặp một người đàn ông hoàn thành một công việc vĩ đại từ những điều nhỏ bé. Ông ấy vẫn tiếp tục xây dựng di sản của mình mặc dù vướng phải căn bệnh rắc rối mà ông ấy nói đùa là “cuộc đua về đích”.
Không lâu sau chuyến thăm này, những người quen biết đã tổ chức cho ông Craig một buổi đi bộ gây quỹ mà bà Jodie nói là “có thể nhìn thấy từ xa cả dặm.”
Buổi đi bộ đã góp được 7,500 USD cho bệnh nhân ALS. Ông Craig gọi đó là “NGÀY SINH NHẬT TUYỆT VỜI NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY!”
Tôi hiểu rằng di sản là dấu ấn mà chúng ta để lại trong cuộc đời của những người khác. Mẹ Teresa đã từng nói, “Không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn lao.” Ông Craig và bà Katie đã xây dựng một di sản dựa trên nguyên tắc này, và sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến thế hệ con cháu của họ.
Để gia nhập di sản của ông Craig, hãy truy cập tên ông ấy tại Hiệp hội ALS South Carolina tại liên kết sau: www.als.org/donate
Tiến sĩ Pamela Prince Pyle là một bác sĩ nội khoa, là một trong ba bác sĩ được các Chuyên gia y tế Carolina lựa chọn để thực hành nội khoa tại bệnh viện đầu tiên bên ngoài trường đại học ở Hoa Kỳ vào năm 1992. Năm 2009, Tiến sĩ Pyle đến Rwanda để phục vụ cho Bộ Đời sống mới Phi Châu và tham gia thành lập, phát triển Trung tâm Y tế Mơ ước ở Kigali.