Đi theo tiếng gọi của trái tim: Bức tranh ‘Nguồn cảm hứng của Thánh Matthew’
Tôi tin rằng tất cả chúng ta, vào lúc này hay lúc khác, thường vất vả đi tìm chân tướng trong cuộc sống. Một số người làm theo sự mách bảo của trái tim với hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.
Vậy nghe theo tiếng gọi của trái tim có nghĩa là gì? Phải chăng điều này chỉ đơn thuần là làm theo những ham muốn phù du của chúng ta và bị những cảm xúc mạnh mẽ dẫn dắt? Hay là để kết nối với một điều gì đó sâu xa hơn, tâm linh hay sự vĩnh hằng?
Suy ngẫm về câu hỏi này khiến tôi liên tưởng đến một trong những bức tranh của Caravaggio về Thánh Matthew.
Bức tranh ‘Nguồn cảm hứng của Thánh Matthew’
Năm 1602, Caravaggio vẽ phiên bản thứ hai của bức tranh “Nguồn Cảm Hứng của Thánh Matthew” sau khi bản đầu tiên của ông bị người bảo trợ là Hồng y Contarelli từ chối.
Thánh Matthew là một trong 12 tông đồ của Chúa Giêsu, là tác giả của cuốn Phúc Âm đầu tiên của Kinh Tân Ước, và là một trong bốn vị thánh truyền giáo được đề cập trong sách “Khải Huyền”.
Trong bức tranh “Nguồn cảm hứng của Thánh Matthew”, Caravaggio miêu tả Thánh Matthew được truyền cảm hứng bởi một thiên thần. Giữa bóng tối, thiên thần giáng hạ và đối thoại với Thánh Matthew. Thiên thần đếm các chỉ thị trên ngón tay trái của mình, dường như đó là những chỉ dẫn cụ thể cho vị thánh.
Thánh Matthew xoay người từ chiếc bàn, khiêm nhường ngước nhìn thiên thần để tiếp nhận các chỉ dẫn. Phong thái của vị thánh có vẻ rất khẩn trương khi ông vừa vặn người để tiếp nhận chỉ dẫn vừa sẵn sàng cầm bút để ghi chép.
Caravaggio miêu tả Thánh Matthew với một chân nâng cao và đặt đầu gối lên chiếc ghế. Chiếc ghế dường như đang chao đảo dưới sức nặng của vị thánh bởi vì một chân của chiếc ghế bị chênh vênh ra khỏi sàn nhà.
Caravaggio đã sử dụng kỹ thuật vẽ được gọi là “trompe l’oeil” (tiếng Pháp có nghĩa là “đánh lừa thị giác”) để làm nổi bật cho phần chân của chiếc ghế, như thể nó không phải là một bức tranh đơn thuần mà là một cảnh trong thế giới thực. Kỹ thuật “trompe l’oeil” cũng được sử dụng cho phần dưới áo choàng của Thánh Matthew và phần góc của cuốn sách hướng về phía chúng ta.
Mô tả thật đến mức dường như chúng ta có thể với tay và giúp giữ vững chiếc ghế, hay có thể chạm vào áo choàng của vị thánh, hoặc có thể lấy ngón tay đẩy cuốn sách trở lại ngay ngắn trên bàn.
Khôi phục đức tin thông qua nghệ thuật
Caravaggio vẽ tranh cho Nhà thờ Công Giáo La Mã trong thời kỳ Phản Cải cách (Counter-Reformation – thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17). Cuộc Phản Cải cách bác bỏ nghệ thuật Công Giáo vốn tôn thờ các vị Thần; và để đáp trả, Giáo hội Công Giáo đã khẳng định rằng nghệ thuật có thể giúp truyền bá lời Chúa và nâng cao đức tin.
Hồng y Contarelli đã yêu cầu Caravaggio vẽ ba bức tranh về Thánh Matthew, vị thánh bảo hộ của Contarelli, cho Nhà nguyện Contarelli ở San Luigi dei Francesi. Những loại tranh này thường được Nhà thờ Công Giáo ủy nhiệm – họ tin vào tầm quan trọng của các vị thánh trong khi những người theo đạo Tin lành thì không như vậy.
Những bức tranh minh họa các câu chuyện trong Kinh Thánh và cuộc đời của các vị thánh. Chúng giúp củng cố lập trường của Giáo hội Công Giáo về sứ mệnh của nghệ thuật.
Truyền tải sự trong sáng, ngây thơ và siêu phàm
Ngày nay, chúng ta có thể nhận được thông điệp gì từ bức tranh của Caravaggio? Bức tranh này đem đến cho trái tim và tâm trí chúng ta điều gì?
Trước hết, thiên thần được miêu tả trong bức tranh là một tiểu thiên thần, vị ấy như giáng hạ từ trên cao trong chiếc áo choàng trắng. Hình ảnh này tượng trưng cho sự trong sáng và ngây thơ; và vị ấy giáng thế từ thiên đàng chứ không phải nơi trần thế.
Thiên thần giáng thế để truyền đạt thông điệp đặc biệt nào đó; cử chỉ của đôi tay đã thể hiện điều này. Thông điệp từ một thiên thần có bản chất trong sáng, ngây thơ và thánh thiện sẽ rất thuần khiết và thiện lương.
Thánh Matthew có một vầng hào quang quanh đầu, đại diện cho sự cống hiến của ông cho cuộc đời thánh thiện. Ngài khoác chiếc áo choàng màu đỏ, màu tượng trưng cho sự hy sinh – sự hy sinh quên mình của Chúa Giêsu. Cơ thể của Thánh Matthew hướng về phía bàn với cuốn sách đang mở, nhưng đầu ngài lại hướng về phía thiên thần.
Đối với tôi, tư thế xoay người của Thánh Matthew đại diện cho một số điều. Nó thể hiện rằng con người phải bỏ lại đằng sau những thứ của thế gian trong tâm trí và hướng về sự trong sáng, ngây thơ và siêu phàm, nếu muốn sống một cuộc đời thánh thiện; nghĩa là tâm trí phải hướng vào nội tâm.
Tôi thấy thú vị khi nền bức tranh tối nhưng thiên thần và chiếc áo choàng được vẽ theo hình bán nguyệt như gợi lên hình ảnh não bộ của con người. Không chỉ vậy, đầu của thiên thần được đặt đúng ở vị trí của tuyến tùng quả (con mắt thứ ba bên trong não bộ).
Vào thời điểm này trong triết học phương Tây, thể tùng quả từ lâu được cho là có tác dụng điều hòa dòng chảy của linh hồn hay là nơi trú ngụ của linh hồn. Descartes, một người cùng thời với Caravaggio (mặc dù viết sau khi bức tranh này hoàn thành), còn phát triển ý tưởng này hơn nữa; ông cho rằng tuyến tùng là nơi trú ngụ của linh hồn và là nơi hình thành ý nghĩ.
Hãy chú ý điều này, tôi nghĩ rằng sự xoay người của Thánh Matthew cũng thể hiện sự đấu tranh giữa những khát vọng thánh thiện của tâm trí với những cám dỗ của thân thể trần tục. Phải chăng đây là lý do Thánh Matthew phải rất cố gắng để giữ thăng bằng trên chiếc ghế đẩu – chiếc ghế dường như sắp rơi vào thế giới của chúng ta, một thế giới đầy cám dỗ?
Nhưng điều gì khác từ bức tranh xuất hiện trong thế giới chúng ta? Chính là cuốn sách; nó đại diện cho thông điệp mà thiên thần truyền đạt – thông điệp về tất cả những gì trong sáng, ngây thơ và thiện lương. Một phần của chiếc áo choàng đỏ cũng vậy, phần trùm lên băng ghế đại diện cho sự hy sinh quên mình.
Vậy có phải Caravaggio đang ám thị cho chúng ta rằng nếu chúng ta cân bằng bản thân để tránh xa cám dỗ và buông bỏ những ham muốn trần tục, chúng ta có thể bước vào phần nội tâm của mình – nơi chứa đựng sự trong sáng, ngây thơ và siêu phàm của linh hồn? Và điều đó chẳng phải sẽ giúp chúng ta trở nên thánh thiện hơn sao?
Và nếu là vậy, thì chẳng phải là nội tâm thánh thiện này – nếu chúng ta tập trung vào sự trong sáng, ngây thơ và thiện lương của tâm hồn mình – sẽ được chuyển sang công việc, sở thích, và các mối quan hệ để chúng ta có được hiệu ứng thần thánh “trompe l’oeil” lan tỏa ra thế giới xung quanh?
Tôi đã nói rất nhiều về tâm trí thay vì trái tim, nhưng tôi nghĩ không thể phủ nhận rằng chúng có ảnh hưởng lẫn nhau. Những thuộc tính như vị tha, thuần khiết, ngây thơ và thiện lương có thể dùng cho cả tâm trí và trái tim. Chống lại sự cám dỗ có thể áp dụng cho những vấn đề của cả trí óc và trái tim.
Ở một mức độ nào đó, đây phải chăng là bước khởi đầu để học lắng nghe lời trái tim mách bảo một cách chân thực?
Ông Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).