Didius Julianus: Hoàng đế La Mã đã mua ngai vàng và trả giá bằng mạng sống của mình
Tác phẩm “Auction of the Empire” – Cuộc bán đấu giá Đế chế – tiết lộ về kết cục của một nền văn minh không chống chọi nổi với độc tài và tham nhũng
Tiền có mua được chức vụ chính trị tối cao không? Đó là một câu hỏi đầy tranh cãi. Câu trả lời có vẻ tốt nhất, với tôi, là thế này: Đôi khi được và đôi khi không. Chỉ cần hỏi hai ứng viên tổng thống Hoa Kỳ Jeb Bush và Michael Bloomberg.
Sự việc này đã xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật vào năm 193 sau Công Nguyên tại La Mã cổ đại. Chức vị Hoàng đế của Đế chế La Mã đã được bán đấu giá và chiến thắng thuộc về một người đàn ông tên Didius Julianus.
Sau gần 500 năm, Cộng hòa La Mã cổ đại không kháng cự nổi mối hiểm họa của một đất nước có nhiều chiến tranh và gánh nặng phúc lợi, vài thập kỷ trước khi Chúa giáng sinh. Thay thế mô hình nhà nước này là Đế chế La Mã, một chế độ chuyên quyền hoàng đế đã kéo dài thêm 500 năm nữa. Đừng nhầm lẫn giữa hai thời kỳ. Đế chế (Empire), nơi quyền tự do thời kỳ đầu bị khuất phục bởi quyền lực tập trung, rất khác so với nền cộng hòa tiền nhiệm.
Tuy nhiên, trong hai thế kỷ đầu, Đế chế dựa vào những thành tựu trong quá khứ. Mặc dù có vài hoàng đế thời kỳ đầu là những bạo chúa tàn độc như Hoàng đế Nero Caligula, Đế chế dưới thời Hoàng đế Marcus Aurelius đã có diện tích và tầm ảnh hưởng lớn hơn so với những ngày của vị hoàng đế đầu tiên, Augustus.
Sự qua đời của Hoàng đế Marcus Aurelius vào năm 180 cộng thêm 12 năm cai trị bạo lực và bất ổn sau đó của hoàng tử Commodus đã kết thúc thời đại Pax Romana (Thái bình La Mã). Sự việc Hoàng tử Commodus bị ám sát vào đêm giao thừa năm 192 khiến nhiều người La Mã nắm chắc hy vọng rằng năm 193 sẽ có hòa bình và ổn định. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Năm mới đến với vô cùng bất ổn đến mức được lưu lại trong lịch sử La Mã là một năm mà có tới 5 vị Hoàng Đế thay ngôi.
Lực lượng tinh nhuệ bảo vệ hoàng gia sắp đặt cho một sĩ quan quân đội tên là Pertinax kế vị Commodus trở thành Hoàng đế. Chúng ta biết rằng tiền có tiếng nói của nó, và Pertinax đã hối lộ một khoản tiền khá lớn 12,000 sestertii (tiền xettec đồng cổ La Mã) cho mỗi cảnh vệ, và đương nhiên là thực hiện lén lút trong hậu trường. Sau 87 ngày, Pertinax giải tán lực lượng vệ binh hoàng gia tham nhũng, những vệ binh bất mãn đã quay ra sát hại và chặt đầu nhà cải cách này. Sự việc đó đã tạo nên sân khấu cho màn kịch trơ tráo của vị hoàng đế kế tiếp được lưu vào sử sách.
Biết rằng Vệ binh hoàng gia có thể mua chuộc được, hai người đàn ông xuất hiện và tự xưng là có quyền giành ngai vàng La Mã. Một người là Titus Flavius Sulpicianus, cha vợ của Pertinax đã qua đời. Người kia là Didius Julianus 60 tuổi vốn nổi tiếng trong cả lĩnh vực chính trị lẫn quân sự. Sử gia Chris Scarre đã ghi lại trong “Biên niên sử những Hoàng đế La Mã” như sau:
“Người ta không buồn che đậy bản chất các cuộc đàm phán; vệ binh đã dán công bố lên tường rằng tước vị hoàng đế được rao bán… Cuộc đấu giá đã diễn ra trong một thời gian, và cuối cùng sự lựa chọn của vệ binh là Didius Julianus. Ông ấy không chỉ chào giá cao hơn, mà còn cảnh cáo họ rằng nếu họ bầu Sulpician, họ có thể bị ông Sulpician trả thù vì đã sát hại Pertinax.”
Nhà sử học Edward Gibbon đã nhắc đến “Cuộc bán đấu giá Đế chế” tai tiếng này sau khi nó được mô tả chi tiết bởi một sử học gia khác, ông Cassius Dio (155–235 sau Công Nguyên), người đã sống vào thời điểm đó và viết lại câu chuyện khi diễn ra. Trong bộ sử La Mã 80 tập của mình, ông mô tả tình tiết sự việc như sau:
“Nên khi Didius Julianus nghe tin về cái chết của Pertinax, ông đã nhanh chóng xoay sở để giành lấy ngai vàng. Sau đó ông tiếp tục công việc hổ thẹn và đê tiện nhất với La Mã. Bởi vì, chính trường đã trở thành cái chợ, sàn đấu giá, và cả thành phố và cả đế chế đều bị đem đi đấu giá. Người bán là kẻ đã giết chết vị Hoàng đế tiền nhiệm, bên mua là ông Sulpicianus và ông Didius Julianus đã giành giật để trả giá cao hơn… Họ từ từ nâng giá đấu lên 20,000 sestertii cho mỗi người lính. Vài người lính đã nói với Julianus, ‘Ngài Sulpicianus trả giá khá cao, ngài có thể trả thêm không?’ Và sau đó nói với Sulpicianus ‘Ngài Julianus hứa khá nhiều, ngài trả thêm bao nhiêu?’ Ông Sulpicianus sẽ thắng trong ngày, trở thành Hoàng đế và là người đầu tiên gọi tên con số 20,000, nếu ông Julianus đã không tăng thêm 5,000 ngay lúc đó, ông ta hét to số tiền và giơ ngón tay ra hiệu con số này.”
Bán! Một đế chế khổng lồ và vị trí cao nhất – chỉ với 25,000 sestertii cho mỗi lính canh, xấp xỉ giá của 10 con ngựa.
Ngay sau khi giành được chiếc áo choàng Hoàng đế, Didius Julianus đã phá giá tiền tệ bằng cách giảm hàm lượng kim loại quý trong tiền đúc La Mã. Ngay cả làm như vậy cũng không bù nổi cái giá mà ông đã trả. Ông ta không bao giờ hoàn thành những gì đã hứa. Sau khi nắm quyền 66 ngày, Didius Julianus cùng chung số phận với hoàng đế tiền nhiệm, bị những vệ binh bất mãn ám sát.
“Nhưng ta đã làm điều gì xấu xa?” người ta nói ông ấy đã khóc khi nói những từ cuối cùng, “Ta đã sát hại ai?”
Trước khi năm cũ qua đi, ba người đàn ông khác đã gắng sức tước lấy chức vị Hoàng đế cho tới khi một người đàn ông xuất hiện – Severus. Một năm đó với 5 vị Hoàng đế ngập ngụa trong sự thèm khát quyền lực, bê bối, và đẫm máu. Đế chế La Mã gần như xuống dốc từ đây. Khi nạn ngoại xâm xảy ra năm 476, nhiều người La Mã đã chào đón những kẻ xâm lược bởi vì họ nhận ra rằng điều này không tệ hơn người đang cai trị chính họ.
Và, đáng buồn thay, họ đã đúng!
Tác giả Lawrence W. Reed là Chủ tịch Danh dự của Quỹ về Kinh tế và Giáo dục tại Atlanta. Ông là tác giả của cuốn sách “Was Jesus a Socialist? và “Real Heroes: Incredible True Stories of Courage, Character, and Conviction”.