Nghệ sĩ Angelia Vương đã trở thành một biểu tượng. Mặc dù trong một thời gian dài, không phải ai cũng hiểu được sự phức tạp của vũ đạo cổ điển Trung Hoa, nhưng chỉ trong vòng một thập kỷ gần đây, công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đã trở thành một danh xưng quen thuộc. Gia nhập công ty vũ đạo cổ điển Trung Hoa từ năm 2008, cô Vương đã trở thành một trong những gương mặt điển hình của công ty có trụ sở tại New York này. 

Nếu quý vị đã từng nhìn thấy quảng cáo Shen Yun trước đây, hẳn rằng quý vị cũng đã từng biết đến gương mặt của nghệ sĩ múa Angelia Vương.

Nhưng cô lại không gắn sự nghiệp của mình với hình ảnh của một ngôi sao, mà thay vào đó, mỗi khi nhắc đến Shen Yun, cô Vương lại không ngừng bày tỏ lòng trân trọng và biết ơn từ tận đáy lòng mình. Cô cảm kích trước cơ hội mà công ty nghệ thuật tại Hoa Kỳ đã trao cho cô, bởi nhờ đó, cô có thể dùng chính tài nghệ của mình để bày tỏ niềm tin và chia sẻ những thông điệp tốt đẹp với thế giới này, điều mà cô không thể thực hiện ở Trung Quốc cộng sản.

“Tôi sinh ra tại Tây An, kinh đô lịch sử của sáu triều đại [Trung Hoa],” cô Vương chia sẻ trong một video của Shen Yun Creations. Đó là thành phố của các chiến binh đất nung và là nơi khởi đầu của Con đường Tơ lụa. Đó là thành phố của rất nhiều ngôi chùa mang tính biểu tượng của Trung Quốc và vẫn còn được lưu giữ đến hiện nay, và là thành phố nơi mà tên của mỗi trạm xe buýt đều mang đậm dấu ấn lịch sử. 

“Triết gia Hy Lạp cổ đại Plato đã truyền dạy rằng, nghệ thuật của nhân loại chính là sự mô phỏng lại những hình thức [nghệ thuật] của Thần. Nếu bạn nhìn vào tính thẩm mỹ [và cả những công trình kiến trúc] ở Tây phương và Đông phương, bạn sẽ thấy rằng chúng đều cân đối, tươi sáng, đường bệ, và thuần khiết,” cô nói. “Những nghệ sĩ biểu diễn Shen Yun chúng tôi đều hiểu biết phổ quát về cái đẹp, cùng những chuyển động sải dài và rộng trong vũ đạo.”   

nghệ sĩ Shen Yun
Nghệ sĩ múa Shen Yun, cô Angelia Vương (Ảnh: Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun)

Sau khoảng 1,400 buổi biểu diễn cùng công ty nghệ thuật Shen Yun, cô Vương biết chính xác những phẩm chất cần thiết để trở thành một vũ công Shen Yun. 

Buông bỏ cái tôi 

Mỗi chương trình biểu diễn của Shen Yun đều gồm hơn 10 tiết mục múa, chiếm chủ đạo là các tiết mục có sử dụng đạo cụ. Có năm thì các nghệ sĩ nữ biểu diễn một vũ đạo cùng với chiếc khăn tay hình bát giác, xoay tròn và tung khăn lên không trung, cứ như thế, liên tục xuyên suốt tiết mục biểu diễn. 

Là nghệ sĩ múa chính, cô Vương phải thực hiện một động tác rất công phu, vừa  tung chiếc khăn đang xoay tròn lên không trung, vừa nhào lộn, và rồi nhanh chóng bắt lấy chiếc khăn xoay tròn đang quay trở lại phía mình. Đó là một kỹ thuật rất khó thực hiện, và thử thách sự tự tin của cô.

“Bất cứ khi nào tôi đứng chờ ở trong khu vực cánh gà của sân khấu, tôi đều tự trấn an mình, đừng lo lắng, được chứ?” Cô sẽ thả lỏng bản thân khi đang đứng đó, và điều chỉnh [cảm nghĩ] về mọi thứ xung quanh. 

“Tôi vẫn nhớ rằng có một lúc trước khi bắt đầu múa, tôi đã chỉ nghĩ đến bản thân mình thôi.”

Và rồi, vào một đêm, khi đang đứng trong cánh gà, cô đã hạ chiếc khăn xuống, và chỉ khi ấy, cô mới nhận thấy rằng mình đang được mọi người vây quanh, và họ đang cổ vũ cô. 

“Tôi đã từng không nhận ra điều này trước đó,” cô nói. “Rất nhiều người đang đứng trong cánh gà cùng tôi, họ cổ vũ tôi, ‘Angelia, cố lên nhé, bạn làm được mà!’ Rồi khi tôi nhìn sang phía bên cánh gà đối diện và trông thấy mọi người đang nhảy múa xung quanh để cổ vũ tinh thần tôi, như thể đang nói rằng, ‘Angelia, bạn làm được mà! Sẽ không có vấn đề gì đâu, bạn sẽ làm được rất tốt!’”

“Vào thời khắc đó, tôi cảm nhận rõ ràng rằng tôi không phải là người duy nhất đang múa. Tôi không phải là người duy nhất đang trình diễn, mà là tất cả mọi người đang cùng nhau biểu diễn, vậy vì cớ gì tôi lại đặt bản thân mình lên cao đến thế?”

Nhận thức đó đã khiến mọi lo lắng trong cô tan biến, và màn trình diễn hôm đó đã hoàn toàn không giống với những màn trình diễn trước đó. 

“Tôi vẫn nhớ rằng hôm đó; khi tôi tung chiếc khăn của mình lên, tôi cảm nhận rằng đó không phải bản thân mình đang tung chiếc khăn ấy,” cô nói. Thông thường, ngay khi thực hiện xong động tác nhào lộn, cô Vương sẽ vội vã nhìn xung quanh, tìm chiếc khăn đang quay trở lại phía mình để không bắt hụt chiếc khăn ấy. Tuy nhiên lần đó, khi cô thực hiện xong động tác nhào lộn, chiếc khăn đã trở lại và đáp ngay trên bàn tay đang xòe ra chờ đợi của cô. Cô Vương thầm nghĩ, có phải chính nhờ nguồn năng lượng từ tất cả mọi người đều hướng về nhau đã làm nên  điều ấy không? 

“Vào thời khắc đó, ngay lập tức, tôi cảm nhận được rằng khi tôi bỏ đi cái tôi của mình, tôi đã nhận lại một điều lớn lao hơn thế.”

“Khi chúng tôi thực hiện các động tác múa, chúng tôi nói về ‘hơi thở’, và nhận ra rằng, khi chúng tôi thở cùng nhau, thì nhịp thở cũng sẽ hòa điệu với nhau. Khi mọi người thực hiện cùng một tư thế vào cùng một thời điểm, thời gian dường như tĩnh lặng. Và rồi bạn bắt đầu cảm nhận được từng nhịp thở của mỗi nghệ sĩ múa hài hòa trong từng giai điệu nhạc. Cảm nhận ấy rất khẽ thôi, giống như có một thứ gì đó đang chậm rãi, khẽ khàng lan tỏa ra vậy.”

“Cho dù là bao nhiêu nghệ sĩ đang múa trên sân khấu, dù là 12 hay là 20 người đi chăng nữa, khi mọi người đều nghĩ cho nhau, bạn sẽ cảm nhận được điều ấy. Giống như mọi người đang ở đó vì nhau. Tôi cảm nhận rằng tinh thần đồng đội này đã ở cùng chúng tôi từ lâu lắm rồi.”

Vẻ đẹp nữ tính

“Vẻ đẹp của nữ nhân là sự kết hợp hài hòa giữa nét dịu dàng, e lệ, và cả uy nghiêm, rực rỡ, duyên dáng,” cô nói.

Là nghệ sĩ múa chính của Shen Yun trong thời gian dài, cô Vương đã có nhiều cơ hội để trình diễn rất nhiều nữ nhân tầm cỡ  trong lịch sử cổ đại Trung Hoa.

Một vai diễn gần đây và rất đáng nhớ của cô, chính là vai diễn về Vương Bảo Xuyến, nàng Penelope của Trung Hoa. Nàng chính là nhân vật trong câu chuyện cổ “Hàn Diêu”, tình cờ lại có cùng bối cảnh nơi quê nhà của cô – Tây An.

Câu chuyện cổ Hàn Diêu là một chuyện tình xảy ra vào thời nhà Đường. Câu chuyện kể về một người phụ nữ giữ trọn vẹn thệ ước của mình trong 18 năm, chờ đợi chồng mình trở về từ nơi chiến trận,” cô Vương nói. Tiết mục vũ kịch mà cô Vương biểu diễn gồm khung cảnh nàng Vương Bảo Xuyến gặp gỡ vị hôn phu của mình, khung cảnh hôn lễ ngập tràn hạnh phúc, và khoảnh khắc bi thương của chia ly, 18 năm đợi chờ trong đau khổ, và rồi hạnh ngộ sau đằng đẵng thời gian cách xa. 

“Liệu tôi có thể diễn xuất được sự rụt rè của nàng Vương khi lần đầu tiên gặp chồng nàng – Tiết Nhân Quý? Hay khi ánh mắt của nàng vụt sáng lên khi chàng ở gần bên? Sự đau đớn của nàng, vò võ đợi chờ 18 năm? Hay khi nàng lộ vẻ tuyệt vọng trước chuyến viếng thăm của cha mẹ nàng?” cô nói. “Khi tôi đã đạt được cách thức biểu đạt từ nội tâm, tôi có thể diễn tả trên từng động tác múa và biểu cảm.” 

Điều mà cô Vương muốn gửi gắm đến khán giả chính là những phẩm hạnh truyền thống trong nàng Vương Bảo Xuyến.

“Khi chồng nàng quyết định tòng quân, nàng đã không đành lòng để chàng ra đi,” cô Vương nói. “Mặc dù không đành lòng, nàng vẫn gói ghém mọi thứ trao cho chàng, rồi nàng đứng nhìn bóng chàng lùi xa, và đành nói lời tạ từ.” 

“Nàng đã muốn quay đầu nhìn lại, muốn sải đôi cánh tay, muốn gọi to tên chàng, nhưng rồi, nàng dặn lòng “Ta không thể”, bởi nàng biết rằng chồng mình cũng vậy, cũng chẳng nỡ lìa xa.”

“Chỉ khi chàng đã đi xa khuất, nàng mới ngoái đầu lại nhìn chàng,” cô nói. Đó là một trong những phẩm hạnh truyền thống của nữ giới, “nhẫn nhịn không than vãn.” 

Cô Vương giải thích về ngọn nguồn dẫn khởi hành động của nhân vật, điều mà cô không thể nắm bắt được nếu cô không sớm nhận ra và từ bỏ “cái tôi” trong sự nghiệp của mình. 

Cô nói, “Quyết định của Vương Bảo Xuyến dựa trên cảm nhận về trách nhiệm đối với đất nước. Vì mục đích lớn lao hơn ấy, nàng đã đặt bản thân mình nhẹ hơn.”

“Nếu nàng không quyết định chín chắn và cương quyết với điều ấy, Đại Đường có thể đã mất đi một vị danh tướng và đất nước có thể mất đi một rường cột quốc gia.” Cô Vương nhấn mạnh rằng, câu chuyện về Vương Bảo Xuyến là một trong những câu chuyện mà hậu nhân, những người sống trong xã hội hiện đại, vẫn còn nhiều điều cần học hỏi.

“Khi bạn đặt bản thân mình quá cao, bạn sẽ muốn có nhiều người hơn nữa vây quanh mình. Nhưng khi bạn không có được điều mình muốn, bạn sẽ oán hận, sẽ thấy xã hội bất công, thấy cuộc đời này không thoả đáng, và cứ như vậy.”

“Nhưng khi bạn không đặt bản thân mình lên trên tất cả, không tự cao tự đại, bạn sẽ thấy rằng ngay cả một nụ cười bạn nhận được từ những người xung quanh cũng là niềm phúc lành lớn lao, khi đó bạn sẽ cảm thấy đủ, thấy thỏa mãn rồi. Vì thế cổ nhân Trung Hoa có câu, “Tri túc thường lạc” tức là “Biết đủ là vui.” 

“Shen Yun mong muốn khắc họa những phẩm chất ấy và những nguyên lý phổ quát, để khơi dậy sự thiện lương có trong mỗi con người. Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có trong mình bản tính thiện lương, mỗi người đều có một khía cạnh gắn kết với Thần.” 

Một trong những người thầy và người hướng dẫn của cô Vương mong rằng trong tương lai, khi mọi người nhớ đến Angelia như một nghệ sĩ múa, họ sẽ không chỉ nhớ rằng cô là một nghệ sĩ múa tài hoa, mà còn là một người với những phẩm hạnh tốt đẹp. 

“Để học về nghệ thuật, đầu tiên, hãy học để trở thành người tốt. Những gì bạn thể hiện trên sân khấu sẽ nói lên những phẩm chất đạo đức trong con người bạn.”

Để biết thêm thông tin, quý vị vui lòng truy cập ShenYunPerformingArts.org

Catherine Yang
Hạnh Dung biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn