Điệp viên Trung Quốc đào tẩu: Bắc Kinh vươn tầm ảnh hưởng đến những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại
Eva Fu
Một cựu điệp viên và các nạn nhân đã tiết lộ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc thuê các đặc vụ để truy lùng những người bất đồng chính kiến trên khắp thế giới, nhằm đưa họ trở về Trung Quốc.
Mới đây, người điệp viên này đã đào tẩu sang Úc và lấy tên là Eric. Trong 15 năm, ông nhận lệnh từ công an chìm Trung Quốc để nhắm vào những người bất đồng chính kiến ở các quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, và Úc.
Một trong những mục tiêu của ông Eric là ông Lý Quế Tân (Li Guixin), một học viên Pháp Luân Công. Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện mà Trung Cộng đã đặt mục tiêu xóa sổ vào năm 1999. Ông Lý đã trải qua ít nhất năm lần bị bắt và giam giữ tùy tiện vì đức tin của mình trước khi trốn sang Thái Lan vào năm 2014 cùng vợ và cô con gái mười mấy tuổi.
“Ngay bây giờ, chúng tôi cần ông xác nhận xem chúng tôi có đang tìm đúng căn chung cư hay không,” một ảnh chụp màn hình đoạn tin nhắn mà ông Eric chia sẻ với The Epoch Times cho biết.
“Hãy quan sát những gì bên trong và xung quanh căn chung cư; chụp ảnh và quay video. Sau đó sắp xếp những gì ông thấy để chúng tôi có thể lập kế hoạch theo dõi,” người giám sát của ông Eric hướng dẫn ông trong tin nhắn đề ngày 16/02/2021.
Người giám sát đã gửi một loạt ảnh. Một số bức ảnh cho thấy ông Lý cùng gia đình mặc áo vàng đang thiền định hoặc tham gia các sự kiện Pháp Luân Công. Những bức ảnh khác bao gồm ảnh chân dung từ thẻ căn cước của họ được sử dụng ở Trung Quốc và địa chỉ của họ ở Thái Lan vào khoảng năm 2017.
Sau khi được cho xem những bức ảnh này, ông Lý nói với The Epoch Times rằng ông rất sửng sốt.
Ông Lý cho biết tuy rằng có nhiều bức ảnh được những người bạn của ông chia sẻ trên mạng xã hội nhưng có ít nhất một bức ảnh gia đình chưa từng được đăng lên mạng.
“Họ đã lấy những tấm ảnh đó ở đâu?” ông hỏi, và nói thêm rằng ông cảm thấy tình huống của bản thân ly kỳ như trong phim. Đây là lần đầu tiên ông có thể xác nhận những điều ông nghi ngờ, đã khiến ông phải chuyển chỗ ở nhiều lần trong những năm gần đây.
“Có vẻ như chuyện này đúng là thật rồi,” ông nói.
Ông Eric không thể xác nhận liệu – và có bao nhiêu – đặc vụ Trung Quốc khác có thể liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào ông Lý. Ông đã đưa một phiên dịch viên đi cùng để kiểm tra địa điểm mà người giám sát đưa cho ông. Ông cho biết mình tham gia rất ít vào vụ của ông Lý sau khi phát hiện ra ông Lý không còn sống ở đó nữa.
“Sự xâm nhập của Trung Cộng ở Đông Nam Á là khá nghiêm trọng,” ông Eric nói với The Epoch Times. Khi nói đến việc “gài bẫy” các mục tiêu, ông nói, các quốc gia như Thái Lan, Campuchia, và Miến Điện (còn được gọi là Myanmar) là “lựa chọn hàng đầu” của chế độ này.
“Chính phủ địa phương đôi khi làm ngơ và thậm chí còn hợp tác với họ,” ông nói.
Vì “không phải là người đặc biệt,” nên ông Lý cho rằng Bắc Kinh đã nhắm vào ông vì những quan điểm bất đồng. Ông đã viết các bài chỉ trích chế độ Trung Quốc và trở thành cộng tác viên cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times vào mùa thu năm 2021.
Cả The Epoch Times và Pháp Luân Công đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc. Người dân Hoa lục vẫn không thể truy cập vào các trang web của The Epoch Times, cùng nhiều hãng truyền thông quốc tế khác, do bức tường lửa kiểm duyệt Internet.
Vào năm 2023, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng đã đưa ra hai vụ kiện khác nhau đối với các đặc vụ Trung Quốc bị nghi ngờ – gồm hai người được cho là điều hành một đồn công an chìm của Trung Quốc ở New York và hai người khác bị cáo buộc cố gắng hối lộ các quan chức thuế Hoa Kỳ để họ đối phó với Pháp Luân Công. Trong vụ kiện đầu tiên, một trong những người đàn ông này cũng đã giúp tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các cuộc diễn hành của Pháp Luân Công trong chuyến công du đến Hoa Thịnh Đốn hồi năm 2015 của lãnh đạo cộng sản Tập Cận Bình.
Ông Vương Lập Minh (Wang Liming) là họa sĩ biếm họa chính trị Trung Quốc dưới bút danh Rebel Pepper và cũng từng bị đặc vụ Trung Quốc nhắm đến. Ông cho biết một người bạn thân của ông – một blogger sống tại Nhật Bản với hàng triệu người hâm mộ trên mạng xã hội Trung Quốc – đã bị các đặc vụ của Bộ An ninh Quốc gia yêu cầu do thám Pháp Luân Công và The Epoch Times khi anh đang về thăm quê.
“Anh ấy đã từ chối thẳng thừng,” ông Vương nói với NTD, cơ quan truyền thông cùng hệ thống của The Epoch Times. “Họ đang điều động mọi người trở thành gián điệp. Nếu bất kỳ ai có ảnh hưởng mà họ nghĩ rằng họ có thể lợi dụng được thì họ sẽ hỏi, ‘Liệu các anh có muốn thu thập thông tin tình báo cho chúng tôi không?’ Điều này khá đáng sợ.”
Cuộc gọi cảnh báo
Ông Lý vẫn nhớ những gì đã xảy ra vào cuối năm 2021, cũng là năm mà người giám sát của ông Eric yêu cầu ông giúp xác định hành tung của ông Lý.
Tháng Mười Hai năm đó, trên đường trở về từ một công viên ở Suphan Buri nơi họ tập Pháp Luân Công, vợ ông Lý gặp một người đàn ông có vẻ quan tâm đến việc học Pháp Luân Công.
Vợ chồng ông Lý đã chào đón anh ấy đến nhà để cùng đọc sách Pháp Luân Công và sau đó tặng anh ấy một quyển “Chuyển Pháp Luân” – bài giảng chính của Pháp Luân Công.
Họ đã kết bạn với nhau trên ứng dụng trò chuyện Line, và người đàn ông hỏi địa chỉ của hai vợ chồng, nói rằng anh ấy muốn gửi tặng họ một ít trà.
Người đàn ông đó nói rằng tên anh là Lý Quốc An (Li Guoan) và tự nhận mình là một hướng dẫn viên du lịch. “Quốc An” (Guoan) có nghĩa là “an ninh quốc gia”.
Ông Lý không nhận ra dấu hiệu này mãi cho đến nhiều tuần sau khi một phụ nữ gọi điện thoại đến để thúc giục họ rời đi.
“Đừng hỏi tôi là ai,” ông Lý nhớ lại lời người phụ nữ nói. “Tôi là người rất gần với tay an ninh quốc gia đó.”
“Tình huống hiện tại của ông rất nguy hiểm,” cô ấy nói. “Hãy nhanh chóng chuyển đến một thành phố khác.”
Theo người phụ nữ này, lực lượng tình báo Trung Quốc đã theo dõi gia đình ông Lý trong một thời gian dài. Người phụ nữ này nói rằng, vì được tặng sách và lấy được địa chỉ của hai vợ chồng, nên người đàn ông này đã nhận được một khoản tiền thưởng từ Lãnh sự quán Trung Quốc địa phương là 100,000 baht Thái Lan (khoảng 3,000 USD vào thời điểm đó), và sắp tới sẽ nhận thêm một số tiền như vậy.
Theo lời kể của người phụ nữ, người đàn ông này đã cố gắng tìm ra địa chỉ của gia đình ông Lý từ đầu năm 2021.
Ngay ngày hôm đó, ông Lý đã chuyển đến nhà của một người bạn.
Tuy nhiên, trong một vài tháng, những người khả nghi, nhiều người nói tiếng Hoa, lại xuất hiện ở tầng một tòa nhà của họ, nơi bạn ông vừa mở một quán cà phê. Họ nán lại hàng giờ để chụp ảnh. Họ cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm đến thông tin chi tiết về một số cá nhân “gốc Hoa” làm việc “trong ngành truyền thông”.
Khi bạn ông Lý kể cho ông nghe về những hoạt động này, ông Lý bắt đầu sợ rằng ông chính là người mà họ đang tìm kiếm.
Theo ông Lý, khi bạn của ông đang ở trong bếp, một người đã cố gắng lẻn lên lầu. Vào cuối tháng Tám, một người dân địa phương tiết lộ với bạn của ông Lý rằng ông ấy đã được Lãnh sự quán Trung Quốc cử đến.
Thậm chí đến nay, ông Lý vẫn lo ngại chế độ này vẫn chưa giảm bớt áp lực lên ông.
Vào khoảng dịp Tết Nguyên Đán hồi tháng Hai, ông Lý đã gọi điện thoại cho chị gái của mình ở Trung Quốc. Chị ông nói với ông rằng cảnh sát vừa mới đến trong ngày hôm đó.
“Họ biết khá rõ hoàn cảnh của cậu,” chị ông nói với ông. Sau đó, thật kỳ lạ, chị ông nói: “Hãy quay về đi.”
Ông nói với chị mình rằng chuyện trở về là không thể.
“Khó có thể nói ra,” chị ông trả lời.
Ông Lý cảm thấy chắc chắn chính quyền đã đe dọa chị gái ông. “Tất nhiên, chị ấy biết trở về là nguy hiểm,” ông nói. “Chị ấy đang nói điều này cho ai đó nghe.”
Các cuộc gọi điện thoại trực tiếp tới mẹ ông, hiện 85 tuổi, đã bị chặn từ lâu, vậy nên nói chuyện với chị gái là cách duy nhất để ông liên lạc với gia đình của mình.
Ông cho biết, khi cha ông qua đời hồi năm 2017, ông cụ không thể nhắm mắt vì chưa gặp được con trai mình.
Ông Lý biết rằng sau đó ông sẽ phải ngừng gọi điện thoại cho chị gái để không “mang thêm rắc rối cho họ.”
“Chị và mẹ hãy bảo trọng,” ông nói với chị ông trong cuộc gọi.
Tuy rằng ông Lý đã chuyển chỗ ở nhiều lần kể từ năm 2022 nhưng ông vẫn cảm thấy mảng tối của cuộc bức hại đang bao phủ lên mình. Thế nhưng ông cho biết ông đang cố gắng để không bị nỗi sợ hãi kiểm soát.
Ông cho biết, trong suốt quá trình gian khổ đó, ông đã gặp được những người như người phụ nữ tình nguyện [gọi điện thoại] giúp đỡ ông – dấu hiệu cho thấy Trung Cộng không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng.
Điều đó đem lại cho ông hy vọng rằng những người có lương tâm sẽ không hùa theo Trung Cộng bức hại những người tốt.
Trong khi đó, ông Lý cố gắng “chăm sóc” bản thân thật tốt và để mọi chuyện thuận theo tự nhiên.
Sống theo các giá trị chân, thiện, và nhẫn – các nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công – ông cho biết ông không có gì phải sợ hãi.