Doanh nghiệp Nam Hàn tham gia thị trường tái chế pin thải của Hoa Kỳ
LISA BIAN
Trong bối cảnh nhu cầu xe điện tăng cao trên toàn cầu và Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Giảm Lạm Phát, nhiều công ty Nam Hàn đã gia nhập thị trường tái chế pin của Hoa Kỳ. Đồng thời, những nước phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về các khoáng sản chính đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, và một trong những giải pháp của họ là tái sử dụng pin thải.
Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) ban hành hồi tháng Tám quy định rằng xe điện (EV) phải chứa pin được chế tạo từ khoáng chất khai thác hoặc tái chế ở Bắc Mỹ để đủ điều kiện nhận tín dụng thuế liên bang. Và rằng, vào năm 2024, ít nhất 50% pin EV phải đến từ Hoa Kỳ, Canada, hoặc Mexico, cũng như con số đó sẽ tăng lên 100% vào năm 2028.
Các quy tắc này được cho là nhằm hạn chế chuỗi cung ứng xe điện của Trung Quốc. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các công ty Trung Quốc hiện nắm giữ hơn một nửa công suất chế biến và tinh chế lithium, cobalt, và than chì – các thành phần quan trọng đối với pin EV.
Do đó, các công ty Nam Hàn tham gia vào thị trường xe điện của Hoa Kỳ phải giảm đáng kể sự phụ thuộc vào pin liên quan đến khoáng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy ngành công nghiệp pin của Nam Hàn có khoảng 80 đến 90% phụ thuộc vào các khoáng sản chính từ Trung Quốc và sự phụ thuộc đó đang tiếp tục gia tăng.
Thống kê do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Nam Hàn (KITA) công bố hôm 22/08 cho thấy trong năm 2018, lượng lithium hydroxide nhập cảng từ Trung Quốc của Nam Hàn là 64.9%. Nhưng con số đó đã tăng lên 84.4% từ tháng Một đến tháng Bảy năm nay (2022).
Trong cùng thời kỳ, lượng cobalt nhập cảng từ Trung Quốc của nước này tăng từ 53.1% lên 81%, trong khi nhập cảng than chì Trung Quốc tăng từ 83.7% lên 89.6%.
Pin Lithium được sử dụng trong xe điện có mật độ năng lượng cao. Mặc dù dung lượng và hiệu suất của pin giảm sau các chu kỳ sạc, nhưng các nguyên liệu thô cốt lõi của pin, chẳng hạn như nickel và lithium, có thể được chiết xuất và tái sử dụng. Do đó, các quy tắc do Đạo luật Giảm Lạm Phát quy định đã thúc đẩy các công ty tham gia vào thị trường “tái chế pin thải”, khiến thị trường này mở rộng.
Theo dự báo do SNE Research công bố hôm 12/09, một công ty Nam Hàn chuyên nghiên cứu thị trường năng lượng và ứng dụng, quy mô của thị trường tái chế pin EV toàn cầu sẽ tăng từ 300 triệu USD vào năm 2020 lên 2 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 47%.
Họ cho biết thêm rằng quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt 60 tỷ USD vào năm 2040.
Bên cạnh các nhà sản xuất pin, các công ty năng lượng, hóa chất, và thậm chí là cả các công ty xây dựng của Nam Hàn đã tham gia vào lĩnh vực kinh doanh pin đã qua sử dụng tại Hoa Kỳ.
Vào cuối tháng Tám, SK ecoplant, một công ty kỹ thuật xây dựng thuộc tập đoàn SK Group của Nam Hàn, đã mua lại 50 triệu USD cổ phần của Ascend Elements, một công ty vật liệu chế tạo và tái chế pin EV có trụ sở tại Hoa Kỳ, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này.
SK On, một nhà sản xuất pin trực thuộc SK Group, đã tiết lộ kế hoạch tái chế pin đã qua sử dụng từ Blue Oval SK, công ty sản xuất pin liên doanh với Ford, với sự trợ giúp của Redwood Materials, một công ty tái chế pin có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Ngoài ra, công ty tái chế pin lớn nhất Nam Hàn, Sungil Hitech, đã thông báo hồi tháng Tám rằng họ sẽ thành lập một cơ sở tái chế pin ở Georgia. Công ty này được cho là sở hữu công nghệ thu hồi hơn 95% nickel, cobalt, lithium, và các kim loại khác từ pin đã qua sử dụng. Công ty hiện có các cơ sở ở Nam Hàn, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Hungary, và các khu vực khác.
Cuối năm ngoái, LG Energy Solutions, liên doanh với LG Chem, cả hai đều là công ty con của Tập đoàn LG, đã đầu tư khoảng 50 triệu USD vào Li-Cycle, công ty tái chế pin lithium lớn nhất ở Bắc Mỹ, nắm giữ 2.6% cổ phần.
LG Energy Solutions đặt mục tiêu khai thác 20,000 tấn nickel từ pin thải thông qua kinh doanh tái chế pin trong hơn mười năm.