Doanh thu từ dầu mỏ của Nga tăng 50%, bất chấp các lệnh trừng phạt
NICHOLAS DOLINGER
Theo một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã tăng 50% kể từ đầu năm, bất chấp các lệnh trừng phạt nhắm vào nước này vì cuộc xâm lược Ukraine mới đây và hiện vẫn đang tiếp diễn.
Trong báo cáo thị trường hàng tháng gần đây nhất, IEA cho biết Liên bang Nga đã kiếm được khoảng 20 tỷ USD mỗi tháng vào năm 2022, lên tới khoảng 8 triệu thùng mỗi ngày.
Đáng chú ý, khối Âu Châu nói chung vẫn là khách hàng lớn nhất đối với nhiên liệu của Nga trong tháng trước, chiếm khoảng 43% xuất cảng dầu của Nga trong tháng gần đây nhất. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu Liên minh Âu Châu thúc đẩy với đề nghị cấm vận dầu mỏ của Nga, khiến Nga phải tìm kiếm những người mua khác cho phần dư thừa của mình.
Tháng Ba vừa qua, nhà kinh tế Elena Ribakova đã lưu ý một nghịch lý của các lệnh trừng phạt nhiên liệu hóa thạch: Về lý thuyết, việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một trong những nhà xuất cảng khí đốt tự nhiên và dầu mỏ hàng đầu thế giới sẽ gây ra tình trạng khan hiếm các loại nhiên liệu này, dẫn đến giá cao hơn. Trớ trêu thay, những mức giá cao hơn này lại tạo cơ hội thu về doanh thu cao hơn, khiến các biện pháp trừng phạt phản tác dụng.
Bà Ribakova lưu ý qua Twitter hôm 09/03: “10 USD giá dầu mang lại cho Nga [khoảng] 20 [tỷ] USD vào tài khoản vãng lai mỗi năm. Với việc nhập cảng giảm, tài khoản vãng lai năm 2022 của Nga có thể vượt quá 200 [tỷ] USD.”
Để Liên bang Nga thu được lợi nhuận từ động lực này, cần phải tìm đủ người mua để bù đắp cho sự mất mát của thị trường Âu Châu.
Trong khi Trung Quốc đã không né tránh việc chấp nhận nhập cảng nhiên liệu của Nga kể từ khi cuộc chiến leo thang ở Ukraine vào tháng Hai, nhu cầu hiện đang ở mức thấp hơn bình thường ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vì các vụ phong tỏa khắc nghiệt trong cả nước do virus Trung Cộng.
Do đó, Ấn Độ, nơi đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc nhập cảng dầu của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, là thị trường thay thế cho phần lớn nhiên liệu dư thừa của Nga.
Đồng thời, một nỗ lực cấm vận của Liên minh Âu Châu đối với dầu mỏ của Nga đã bị đình trệ khi vấp phải sự phản đối của hai thành viên EU phụ thuộc nhiều nhất vào nhiên liệu của Nga. Ủy ban Âu Châu đã đề nghị cắt giảm dần nhập cảng dầu của Nga vào EU trong 6 tháng, nhưng Hungary và Slovakia đều yêu cầu được miễn trừ chính sách này, đồng thời tuyên bố rằng việc cắt giảm tác động từ dầu của Nga sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hai nền kinh tế Trung Âu.