Độc quyền: rò rỉ các vấn đề nội bộ của đại hội Trung Cộng đảng lần thứ 19
Để duy trì cái gọi là “sự ổn định”, Trung Cộng đã xây dựng một loạt hệ thống mạng lưới kiểm duyệt Internet, và không ngừng tăng cường giám sát người dân. Gần đây, chúng tôi đã có được nhiều “báo cáo đặc biệt nghiên cứu và đánh giá dư luận” của Trung Cộng.
Sau đây là các “báo cáo đặc biệt về dư luận miền nam Trung Quốc” do Viện Nghiên cứu Dữ liệu Dư luận Miền Nam (gọi tắt là Viện Dư luận Miền Nam) thuộc sở hữu của tập đoàn báo chí Nam Phương Nhật Báo sản xuất. Người mua báo cáo của Viện Dư luận Miền Nam chủ yếu là các cơ quan chính quyền Trung Cộng.
Trung Cộng chi tiền mua “Báo cáo đặc biệt của Dư luận miền Nam”
Theo giới thiệu của các cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Cộng, Viện Dư luận Miền Nam “tích cực tham gia” vào xây dựng trung tâm mua bán dữ liệu lớn của Quảng Đông, nó cũng lấy hạng mục “Nền tảng Phục vụ Dữ liệu lớn về tình hình nhân viên và công việc” và hạng mục “Dữ liệu lớn về việc thực hiện nhiệm vụ tại Đại hội đại biểu nhân dân các tỉnh” làm cơ sở.
Chúng tôi nhận được “Báo cáo về Tính khả thi của Quỹ đặc biệt Dành cho An ninh mạng Năm 2020”. Trong dự án này, Cục Quản lý Không gian mạng của Thành ủy Trung Sơn thành lập một nhóm lãnh đạo chuyên môn, phối hợp với các cơ quan như Cục Công an Thành phố, Cục Quản lý Dữ liệu phục vụ cho chính quyền Thành phố, v.v.
Báo cáo được đính kèm với “Thỏa thuận về cung cấp dịch vụ thông tin Dư luận Miền Nam” do Ban tuyên giáo Thành ủy Trung Sơn (Bên B) và công ty TNHH Truyền thông Mới Nanfang Daily Newspaper Group Co.,Ltd. (Bên A) ký vào tháng 4/2019; từ ngày 1/1/2019–31/12/2019, bên B sẽ tùy ý chỉnh hệ thống dịch vụ thông tin dư luận cho Bên A.
Theo hợp đồng, chi phí hợp tác của Dịch vụ Thông tin “Dư luận Miền Nam” do Bên B trả cho Bên A là 700,000 Nhân dân tệ (NDT). Nội dung của thỏa thuận trong “Gói dịch vụ tùy chỉnh Dư luận Miền Nam” (Thành ủy Trung Sơn) cho thấy, có hai loại chính là báo cáo thông tin (cảnh báo tức thời, báo cáo dư luận hàng ngày, giám sát động thái của các sự kiện lớn và báo cáo tình huống đặc biệt) và xử lý các kiến nghị.
Báo cáo Đặc biệt về Dư luận đã tiết lộ các việc mà nội bộ Kỳ họp Quốc hội khóa 19 chú ý tới
Kỳ họp Quốc hội khóa 19 của Trung Cộng được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 18/10/2017.
Ngày 16/10/2017, Viện Dư luận Miền Nam đưa ra một phân tích có chủ đề là dư luận trong thời gian diễn ra “Kỳ họp Quốc hội thứ 19 của Trung Cộng”. Tài liệu này liệt kê các điểm nóng về dư luận trong Trung Quốc và Quảng Đông trước Kỳ họp Quốc hội, và cả các tin nóng trong quá khứ để phân tích, từ đó đưa ra “kiến nghị” cho đại biểu Quảng Đông tham gia Kỳ họp.
Tài liệu nội bộ đã tiết lộ những việc cần chú ý khi tham dự hội nghị, chẳng hạn như những thói quen hàng ngày mà các đại biểu này cần lưu ý để không bị truyền thông nước ngoài chụp ảnh như hút thuốc, ngáp, ngoáy mũi; không mặc quần áo hoặc trang sức có thương hiệu “quá dễ nhận biết”. Ngoài ra, nếu nhận một cuộc phỏng vấn, cần phải hiểu tình trạng của kênh truyền thông phỏng vấn mình và “lời lẽ phải nhất trí với chính quyền Trung ương.”
Tài liệu đề cập đến việc “chuẩn bị cho các vấn đề nhạy cảm, tránh việc tỏ ra im lặng” Đề nghị này lấy ví dụ là ông Vương Tam Vân, bí thư tỉnh ủy Cam Túc, người đã bị ngã ngựa. Khi ông Vương phải đối mặt với những câu hỏi liên tiếp từ giới truyền thông liên quan đến sự kiện “Vũ Uy bắt giữ phóng viên” năm 2016, ông đã im lặng và từ chối trả lời.
Nội bộ Trung Cộng phân tích “dư luận” bắt nguồn từ một báo cáo về cúm
Vào ngày 10/8/2017, Viện Dư luận Miền Nam thực hiện “Báo cáo đặc biệt về dư luận đối với đại dịch cúm”.
Tài liệu nội bộ này nói rằng, vào ngày 5/8/2017, nhiều phương tiện truyền thông đại lục như trang tin Caixin.com tuyên bố rằng “Dịch cúm Hồng Kông đã khiến 307 ca tử vong, vượt quá cả dịch SARS”. Trong hai ngày 7/8 và 8/8, Ủy ban y tế và kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Đông liên tục đưa ra thông báo và lời giải đáp các nghi vấn của các chuyên gia phòng chống dịch bệnh.
Theo tài liệu, sau khi Ủy ban này đưa ra thông báo về dịch cúm vào ngày 7/8/2017, sự quan tâm của dư luận đã cho thấy một xu hướng tăng lên rõ ràng. Thông báo ngày 8/8/2017, đã được báo chí đưa tin và truyền tải rộng rãi, các thành phố khác nhau cũng lần lượt đưa ra thông báo, sự lan truyền trong dư luận đã lên đến đỉnh điểm.
Sau khi dư luận được hình thành, Trung Cộng chính thức đưa ra rất nhiều tin tức để “duy trì ổn định” về dịch bệnh, chẳng hạn như “thời kỳ cao điểm của dịch cúm Quảng Đông năm nay đã qua, và số trường hợp đang giảm dần.”
Báo cáo đặc biệt phân tích xu hướng của Weibo. Tài liệu đề cập rằng từ ngày 1/8 đến ngày 10/8/2017, tổng cộng 1,279 Weibo có liên quan đã được theo dõi, đỉnh điểm của cuộc thảo luận trên Weibo xuất hiện vào ngày 7/8/2017.
Đồng thời, báo cáo đặc biệt cũng đưa ra “kiến nghị duy trì ổn định” để ứng phó với dịch bệnh, một trong số đó cho biết: “Ngay khi có tin đồn, chúng ta phải chủ động xuất kích, kịp thời làm rõ. Tùy theo mức độ nguy hại mà sử dụng trang chính thức của WeChat, các phương tiện truyền thông, mở các cuộc họp báo chính thức, để ngăn chặn sự lan truyền của dư luận tiêu cực và dẫn dắt người dân thành phố hiểu đúng…”
Phương pháp chính thức của Trung Cộng để giải quyết dư luận tiêu cực cũng đã được sử dụng trong trường hợp Lý Văn Lượng.
Bác sỹ Lý Văn Lượng, người đầu tiên công bố thông tin về căn bệnh viêm phổi Vũ Hán của Trung Cộng và đã bị chính quyền “răn dạy”, anh đã qua đời vào ngày 6/2/2020 do bị lây nhiễm. Theo thống kê, tính đến ngày 6/2, trên danh sách từ khóa tìm kiếm nóng hổi nhất của Weibo có thể thấy cụm từ “Cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng” đã nhận được hơn 20 triệu lượt tìm kiếm, 540 triệu lượt click và 730,000 lượt thảo luận. Sự phản ứng trên Internet là điều bất ngờ đối với Trung Cộng, và các nhà cầm quyền đã nhanh chóng thực hiện việc kiểm soát.
Vào ngày 7/2/2020, trên Internet đã truyền ra một phần “Báo cáo đặc biệt về tin tức quan trọng trên mạng Internet” cung cấp phân tích dữ liệu lớn về mạng Internet cho Trung Cộng được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Tình hình Mạng Internet Ốc Đức. Nội dung báo cáo phân tích thời điểm Lý Văn Lượng trở thành tâm điểm trên mạng, và quá trình thông tin mạng trở nên nóng đột ngột sau khi Lý Văn Lượng qua đời.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Đường Tĩnh Viễn cho biết, Trung Cộng có thể thiết lập các hồ sơ công dân dựa trên dữ liệu lớn, vừa để nắm bắt xu hướng tư tưởng của dân chúng và vừa có hành động đối phó từ khi còn manh nha; thông qua việc phong tỏa và kiểm soát mạng, dư luận xã hội được định hướng có chủ đích, đồng thời Trung Cộng có thể tiến hành tẩy não người dân để đạt được mục tiêu thống trị toàn xã hội.
Báo cáo phân tích ý kiến dư luận về công ty bán hàng đa cấp qua mạng “Thiện Tâm Hội” tiết lộ nỗi sợ hãi của Trung Cộng
Năm 2017, Bắc Kinh nổ ra cuộc biểu tình phản đối lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vào tháng 7/2017, Công ty TNHH Truyền thông Văn hóa “Thiện Tâm Hội” tại Thâm Quyến bị Bộ Công an xác định là tổ chức bán hàng đa cấp và tiến hành bắt giữ người đại diện pháp luật Công ty.
Vào ngày 24/7/2017, 60,000 nhà đầu tư của “Thiện Tâm Hội” đã lo lắng việc bị mất trắng tiền vốn và đã biểu tình trước các tổ chức lớn ở Bắc Kinh. “Thiện Tâm Hội” được cho là có 6 triệu hội viên trên toàn quốc.
Gần đây, chúng tôi nhận được “Báo cáo phân tích dư luận về việc ‘Thiện Tâm Hội’ làm bán hàng đa cấp qua mạng (xét trong thành phố Trung Sơn)” do Viện Dư luận Miền Nam thực hiện vào ngày 4/8/2017. Báo cáo thừa nhận rằng trong nhiều ngày liên tiếp các nhà đầu tư của Thiện Tâm Hội từ khắp nơi đã đến Bắc Kinh để tụ họp.
Theo báo cáo, “Thiện Tâm Hội liên quan đến một số lượng người khổng lồ, và các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ quyền lợi rất mạnh mẽ.” nên có tồn tại “nguy cơ về hình thái ý thức”.
Đồng thời, Viện Dư luận Miền Nam cũng đề xuất với Trung Cộng cách đối phó với các cộng đồng bán hàng đa cấp. Theo báo cáo, cần tăng cường giám sát loại thông tin dư luận xã hội này, thành lập liên minh chống cộng đồng bán hàng đa cấp qua mạng, sử dụng dữ liệu lớn và các phương tiện khoa học công nghệ để trấn áp.
Biên tập: Hà Kiên