Ngày 10/9 Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết rằng số đơn xin lần đầu cho trợ cấp thất nghiệp sau khi được điều chỉnh theo mùa là 884,000 trường hợp trong tuần lễ kết thúc vào ngày 5/9, ngang bằng với mức của tuần trước đó, cho thấy đà phục hồi của thị trường lao động đã có phần hạ nhiệt.

Đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Hoa Kỳ vẫn ở mức 884,000 - thị trường lao động còn nhiều chật vật
Các nhân viên nghiệp đoàn nhà hàng – khách sạn xếp hàng chờ đợi trong khu để xe ở tầng hầm để nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Học viện Đào tạo Dịch vụ Nhà hàng – Khách sạn ở Los Angeles, California, vào ngày 13/3/2020. (Ảnh Marcio Jose Sanchez / AP)

“Con số này cao hơn 4 lần so với mức bình quân trong 11 tuần đầu năm nay, chỉ 218,000 đơn trước khi đại dịch bùng phát,” nhà phân tích kinh tế cao cấp Mark Hamrick của trang Bankrate.com nhận xét.

Tỷ lệ thất nghiệp là 9.2% cho tuần kết thúc ngày 29/8, tăng 0.1% so với tuần trước đó. Trong khi đó, số người dân Hoa Kỳ tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang, sau khi đã nộp đơn xin lần đầu trước đó, đã tăng thêm khoảng 93,000, đạt 13.385 triệu trong tuần kết thúc vào ngày 29/8.

Tổng số người xin trợ cấp theo tất cả các chương trình trong tuần kết thúc ngày 22/8 là 29.6 triệu, tăng hơn 380,000 người so với tuần trước đó. Để so sánh, trong tuần tương ứng vào năm 2019, có 1.6 triệu người lãnh trợ cấp thất nghiệp theo tất cả các chương trình.

Theo từng tiểu bang, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng mạnh nhất trong tuần kết thúc vào ngày 29/8 là ở California (+22,647), Texas (+4,521), và Louisiana (+3,662), trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong tuần kết thúc vào ngày 22/8 được thấy ở Hawaii (20.3%), Puerto Rico (16.7%) và Nevada (16%).

Các nhà đầu tư đã đợi chờ dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần để cảm nhận về mức độ linh hoạt của phục hồi kinh tế. Trong các chỉ số đo lường khác như số lượng nhà ở mới khởi công, doanh số bán lẻ, thị trường cổ phiếu, lại cho thấy sự phục hồi là rất sắc nét. Các chỉ số khác – chẳng hạn như dữ liệu việc làm ngoài ngành nông nghiệp và số lao động thất nghiệp, cũng như các báo cáo từ các ngành du lịch và giải trí vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus Trung Cộng – thì cho thấy sự phục hồi đã chậm lại.

Những tháng hè đã trôi qua, virus Trung Cộng khiến mọi gia đình dành nhiều thời gian ở nhà hơn; điều đó đang gây ra rủi ro cho nền kinh tế,” ông Hamrick cho biết trong  qua email.

Mùa tựu trường, Halloween, và hoạt động mua sắm cho mùa lễ cuối năm nay đều sẽ ở tình trạng thu hẹp. Khi các nhà bán lẻ truyền thống, các quán bar và nhà hàng tiếp tục hoạt động dưới mức bình thường, thì nguy cơ mất việc dài hạn vẫn luôn hiện hữu,” ông nói thêm.

Các đợt phong tỏa do đại dịch đã khiến số việc làm ngoài ngành nông nghiệp giảm khoảng 701,000 trong tháng 3, và giảm kỷ lục đến 20,5 triệu vào tháng 4. Tuy nhiên nền kinh tế đã tiếp tục tạo thêm việc làm. Số liệu gần đây của Bộ Lao động cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 đã giảm 1.8% xuống còn 8.4%, khi nền kinh tế có thêm 1.4 triệu việc làm.

Số việc làm ngoài ngành nông nghiệp đã tăng 1.8 triệu,  4.8 triệu, và 2.5 triệu vào lần lượt tháng 7, 6, và 5, nâng tổng số việc làm được tạo ra trong bốn tháng qua lên một mức kỷ lục khoảng 10.6 triệu. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn ít hơn khoảng 11.6 triệu việc làm so với thời trước đại dịch.

Tác giả: Tom Ozimek 

Biên dịch: Cẩm An

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn