Đồng dollar Mỹ suy yếu thúc đẩy sức mạnh của vàng
Daniel Lacalle
Năm 2023 đang kết thúc với một mức độ lạc quan đáng kể từ phía các nhà đầu tư, xoay quanh việc Hệ thống Dự Trữ Liên Bang (FED) có thể cắt giảm lãi suất, và hy vọng về một cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế.
Tuy nhiên, “hạ cánh mềm” là một trường hợp rất hiếm. Kể từ năm 1975, đã có 9 chu kỳ tăng lãi suất và bảy trong số đó kết thúc bằng một cuộc suy thoái. Tại sao? Chúng ta phải hiểu rằng khái niệm “hạ cánh” mà FED lặp lại liên tục chính là một cuộc suy thoái. Hạ cánh mềm là sự sụt giảm đáng kể trong số cung tiền mặt, kéo theo việc cho vay và khả năng tiếp cận vốn khó hơn cho các gia đình và doanh nghiệp. Để giảm lạm phát thì không có cách nào khác hơn thế, vì lạm phát là do sự gia tăng bất thường và không cần thiết của nguồn cung tiền hồi năm 2020 gây ra.
Tại sao chúng ta không có lạm phát từ năm 2008 đến 2019? Ông Richard Burdekin đã giải thích hiện tượng này trong bài nghiên cứu của mình, “The U.S. Money Explosion of 2020: Monetarism and Inflation, 2020” (Sự bùng nổ Tiền tệ của Hoa Kỳ năm 2020: Chính sách tiền tệ và Lạm phát).
Ông viết: “Việc không có lạm phát sau năm 2008 chắc chắn không thể được xem là bằng chứng cho thấy tiền không còn quan trọng nữa. Mặc dù tốc độ lưu thông tiền tệ suy giảm đã đóng một vai trò nào đó, nhưng điểm mấu chốt là số cung tiền tệ (money multiplier) giảm đã bù trừ cho lượng tiền lưu hành khá lớn.”
Ông Burdekin tiếp tục giải thích rằng: “Các hậu quả mang tính lạm phát vẫn ở mức tối thiểu; tuy nhiên, do tỷ lệ dự trữ dư ra tăng vọt đã hạn chế đáng kể mức tăng cung tiền tổng thể vào thời điểm này. Ngược lại, nếu không có sự gia tăng bất thường như vậy trong lượng dự trữ của các ngân hàng, thì những hệ quả ban đầu của chính sách mở rộng tiền tệ năm 2020 sẽ khác biệt rõ rệt so với tình huống hồi 2008–2009. Từ tháng 02/2020 đến 09/2020, lượng tiền cơ sở đã tăng từ 3,454.5 tỷ lên 4,880.4 tỷ USD, trong khi M2 tăng từ 15,446.9 tỷ lên 18,647.9 tỷ USD.” Mức tăng cung tiền (M2) đạt mức rất lớn 20.7% trong khoảng thời gian từ tháng Hai đến tháng 09/2020.
Kể từ đó, lạm phát tích lũy ở Hoa Kỳ đã vượt quá 20%, và việc tăng lãi suất – cùng với sự giảm sút trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương lớn – đã là câu trả lời cho việc kiềm chế sự gia tăng giá cả.
Lạm phát đang giảm, nhưng không nhanh như mức độ lẽ ra có thể có khi xét đến tình trạng nguồn cung tiền giảm cùng lãi suất tăng. Nguyên nhân chính là do lần đầu tiên sau nhiều thập niên, chính sách tài khóa đang đi theo hướng ngược lại với chính sách tiền tệ. Và sự lệch pha này có thể sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng trong tương lai.
Tăng trưởng cung tiền đã âm trong 12 tháng, và mức giảm từ đầu năm đến nay đang ở mức âm 4.5%. Lý do nền kinh tế không thể hiện những tác động tiêu cực đáng kể từ đợt giảm cung tiền đầu tiên kể từ những năm 1930 là do lượng thanh khoản được bơm vào trong năm 2020–2021 là quá lớn đến mức có hiệu ứng trễ khi tiền tiết kiệm được tiêu dùng, và hiệu ứng tăng trưởng tiền đã tích lũy giữ cho các điều kiện tín dụng được tương đối nới lỏng.
Vấn đề là lạm phát vẫn ở mức cao. Theo Cục Thống kê Lao động, Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) trong tháng Mười đã tăng 3.2% so với 12 tháng trước đó, trong khi CPI cơ bản tăng 4.0% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Với sự sụt giảm liên tục của tổng lượng tiền tệ, thước đo lạm phát CPI lẽ ra đã ở mức dưới 2.0%. Chi tiêu của chính phủ và mức tiêu thụ rất to lớn đối với lượng tiền tệ mới được tạo ra đang duy trì lạm phát cao hơn mức cần thiết.
Nếu năm tới chúng ta chứng kiến các đợt cắt giảm lãi suất mà nguồn cung tiền lại tăng, thì lạm phát tích lũy kế từ năm 2019 có thể sẽ vượt quá 23%, so với mức 20.3% hiện nay.
Sức mua của đồng tiền tiếp tục bị phá hủy trên phạm vi rộng.
Vàng hiện là biện pháp phòng vệ thực sự duy nhất chống lại sự sa sút trong mãi lực của các loại tiền tệ pháp định. Bitcoin có thể đã tăng giá vào năm 2023, nhưng Bitcoin có mối tương quan không mấy tốt đẹp với cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, theo bất kỳ cách chúng ta nhìn nhận thế nào thì thị trường đều hiểu rằng năm 2024 giá trị đồng tiền sẽ còn sa sút thêm nữa. Nếu xét đến rủi ro đó, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy các ngân hàng trung ương thâu vàng vào với những con số kỷ lục trong ba quý đầu năm 2023 – vượt mức 800 tấn. Lượng vàng mua vào kỷ lục của các ngân hàng trung ương phản ánh mức tăng 14% so với mức năm 2022, cho thấy nhu cầu củng cố và đa dạng hóa cơ sở dự trữ của họ, cũng như việc giảm đầu tư vào trái phiếu chính phủ vốn đã tạo ra những khoản thua lỗ ròng trong hai năm qua, và xu hướng nắm giữ vàng ngày càng tăng – vì vàng là tài sản bảo đảm được sự ổn định và có sức mua tăng theo thời gian.
Cả bitcoin, cổ phiếu, và trái phiếu đều có mối tương quan trực tiếp với dự kiến về nguồn cung tiền lớn hơn và lãi suất thấp hơn, nhưng không có loại tài sản đầu tư nào trong số này là phương cách hiệu quả để bù đắp cho sự phá hủy liên tục và không thể tránh khỏi của các loại tiền tệ. Xét đến việc các ngân hàng trung ương đang tìm cách áp dụng các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ, vàng một lần nữa chứng minh rằng kim loại này là tài sản thiết yếu trong danh mục đầu tư trong bối cảnh các nhà đầu tư cố gắng thoát khỏi sự sụp đổ của tiền tệ như chúng ta đã biết.
Năm 2023 không phải là một dấu ấn thành công cho các chính sách của các ngân hàng trung ương mà là một xác nhận cho sự thất bại của họ. Các ngân hàng trung ương đã không tuân thủ mục tiêu ổn định giá cả của mình, trong khi các nhà đầu tư dường như cảm thấy mức 3–4% là có thể chấp nhận được nếu như họ có được liều lượng thuốc giảm đau tiền tệ mà họ muốn.
Vấn đề cho năm 2024 là kịch bản hạ cánh mềm rất khó xảy ra, các chính sách giảm cung tiền tệ cũng như tăng lãi suất sẽ có hiệu quả thực sự sau một thời gian là 12–14 tháng kể từ lần tăng lãi suất gần nhất, và chính sách tài khóa của chính phủ liên bang sẽ tiếp tục đẩy thâm hụt và nợ lên cao hơn, đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiều khối lượng tiền tệ mới được tạo ra hơn và làm giảm mức lương cũng như số tiền tiết kiệm của chúng ta. Nếu mối đe dọa từ các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương là điều chắc chắn sẽ xảy ra, thì vàng sẽ một lần nữa chứng minh được phẩm chất của mình trong vai trò là một nguồn dự trữ giá trị và phương cách thanh toán, đồng thời vàng cũng có khả năng cho thấy đây là một trong số ít những tài sản bảo vệ được các nhà đầu tư trong thời kỳ suy thoái.
Năm 2023 đã chứng minh lạm phát là mối đe dọa lớn nhất đối với người dân. Năm 2024 tới có thể cho thấy mất giá tiền tệ là rủi ro hàng đầu mà nhà đầu tư nên nghĩ đến.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các quyển sách “Tự Do Hoặc Bình Đẳng”, “Thoát Khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương”, và “Cuộc Sống Trong Thị Trường Tài Chính”.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.