Dự báo về đỉnh lạm phát và lộ trình tăng lãi suất
LAW KA-CHUNG
Mức lạm phát dựa trên chi tiêu tiêu dùng cá nhân (personal consumption expenditure, PCE) của Hoa Kỳ được công bố hôm 27/05 đã giảm nhẹ từ 6.6% trong tháng Ba xuống còn 6.3% vào tháng Tư. Do cơ sở tham chiếu [PCE] của tháng 04/2021 cao hơn tháng 03/2021, mẫu số lớn hơn khiến tăng trưởng hàng năm thấp hơn. Các nhà phân tích cho rằng đã đến đỉnh lạm phát. Nhưng con số này phụ thuộc vào hiệu ứng cơ sở (base effect*) và ảnh hưởng của các mặt hàng không cốt lõi dễ biến động như thực phẩm và năng lượng. Xem xét lạm phát PCE cốt lõi (core PCE) hàng tháng – trong đó loại trừ các mặt hàng dễ biến động và không gồm hiệu ứng cơ sở – con số tháng Tư về căn bản giống với số tháng Ba, đứng ở mức 0.3%.
Quy đổi con số này ra năm thì có được mức lạm phát hàng năm từ 3–4%. Con số này có vẻ thấp nhưng có thể chỉ là “nhất thời” theo cách diễn đạt của Fed. Giống như cổ phiếu, giá cả hàng hóa không hoàn toàn tăng theo một đường tuyến tính, mức tăng thấp tại một thời điểm không thể xác nhận cho mức đỉnh [lạm phát] được. Trên thực tế, lạm phát hàng tháng của PCE cốt lõi vẫn đang nằm trong xu hướng tăng tuyến tính trong hai năm qua. Như chúng ta đã thảo luận trước đây, nguồn gốc của lạm phát cao toàn cầu gần đây (ngoại trừ Trung Quốc và Hồng Kông) chủ yếu là do sự nới lỏng tiền tệ một cách lạ lùng. Hễ chừng nào lượng tiền dư thừa đó không được rút ra đáng kể, thì lạm phát sẽ không hạ thấp được.
Biểu đồ đi kèm được lập nhằm ước tính thời điểm đạt đỉnh lạm phát trước sự tăng cung tiền rộng (broad money: là một phạm trù để đo lường tổng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, hay còn gọi là tổng phương tiện thanh toán). Theo thuyết số lượng của tiền tệ (quantity theory of money) của Irving Fisher (phương trình trao đổi), có vẻ như hiển nhiên rằng hai trong bốn biến số – nguồn cung tiền và mức giá cả – tăng nhanh hơn một cách khác thường so với hai biến số còn lại, vòng quay tiền và giá trị giao dịch. Theo đó, tăng cung cấp tiền phần lớn sẽ dự báo cho mức tăng giá cả (tức là lạm phát). Vì nguồn cung tiền [ra thị trường] đề cập đến lượng tiền có sẵn cho các giao dịch, khái niệm tiền rộng nên được sử dụng thay vì khái niệm tiền hẹp nhất (narrow money: tức chỉ gồm tiền mặt hoặc tương đương).
Biểu đồ cho thấy cả hai, với lạm phát ở cả chỉ số tổng thể và chỉ số cốt lõi.
Một số người cho rằng lạm phát chủ yếu là do hàng hóa [nguyên vật liệu], do cuộc chiến Ukraine–Nga, gây ra. Điều này sai. Thứ nhất, lạm phát đã tăng lên kể từ khi các ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ; chiến tranh bắt đầu khi lạm phát đã rất cao. Thứ hai, lạm phát cốt lõi đã loại trừ hầu hết các loại hàng hóa này cũng tăng theo cách tương tự. Nếu tăng cung tiền tệ dự báo lạm phát, thì mối quan hệ này ở thập niên trước cho thấy nguồn cung tiền dẫn đến lạm phát khoảng một năm rưỡi sau đó – ngụ ý rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh trong quý tới.
Ngay cả khi con số về đỉnh lạm phát sẽ diễn ra trong tháng Tám, chúng ta sẽ không nhìn được nó cho đến tháng Chín do độ trễ của dữ liệu và sẽ không thể xác nhận mức đỉnh ít nhất cho đến tháng Mười khi con số lạm phát thấp hơn được công bố. Nếu giống như Chủ tịch Fed Jay Powell đã nói, việc tăng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi lạm phát giảm xuống một cách đáng kể, thì chu kỳ tăng lãi suất sẽ kéo dài ít nhất là đến năm tới, theo dự đoán của biểu đồ này. Hơn nữa, nếu cho rằng lạm phát ngày càng tồi tệ sẽ kéo dài đến tháng Mười, Fed có thể không giảm mức tăng lãi suất từ 50 điểm cơ bản xuống 25 trong các cuộc họp tháng Chín hoặc thậm chí là tháng Mười Một.
Ngay cả mức tăng 75 điểm cơ bản [0.75%] cũng có thể không được đặt ra bàn luận. Việc điều chỉnh tăng thêm lãi suất trong các cuộc họp mùa thu tới đây có thể gây ra một đợt đe dọa khác đối với thị trường. Thời gian tạm nghỉ [giữa các đợt] hiện tại có thể không kéo dài quá lâu.
* Base effect: Hiệu ứng cơ sở hay cơ bản là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong bối cảnh lạm phát. Hiệu ứng cơ sở là sự sai lệch trong số liệu lạm phát do mức lạm phát đặc biệt cao hoặc thấp trong năm trước đó gây ra.
*Broad money: Tiền rộng là một phạm trù đo lường lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, là phương pháp tính toàn diện nhất để tính nguồn cung tiền của một quốc gia, bao gồm tiền hẹp cùng với các tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt khác để mua hàng hóa và dịch vụ.
*Narrow money: bao gồm tất cả tiền vật chất như tiền tệ, tài sản lưu động do ngân hàng trung ương nắm giữ, tiền gửi không kỳ hạn và tiền kim loại.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Law Ka-chung là một nhà bình luận về kinh tế vĩ mô và thị trường toàn cầu. Ông đã viết cho nhiều tờ báo và tạp chí chuyên đề và nói về thị trường trên nhiều kênh truyền hình, đài phát thanh và trực tuyến ở Hồng Kông kể từ năm 2005. Ông có bằng Tiến sĩ về Kinh tế, Thạc sĩ Toán học và Thạc sĩ Vật lý thiên văn.