Dự đoán về chuỗi cung ứng năm 2022: kết hợp giữa tiêu dùng, quản trị cảng, và Omicron
Không thể phủ nhận rằng năm 2021 là một năm vô cùng biến động, với các biến thể virus Trung Cộng mới xuất hiện, các chính phủ áp dụng và dỡ bỏ các đợt phong tỏa, toàn bộ nền kinh tế thế giới đều đã cảm nhận được sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Giờ đây, các chuyên gia từ các thị trường khác nhau đang đưa ra nhận định về những gì diễn ra trong năm tới.
Dự đoán về môi trường kinh tế và kinh doanh cho thấy là năm 2022 sẽ gặp khó khăn, nhưng nhiều người đang cố gắng dự đoán kết quả của quỹ đạo hiện tại để lập kế hoạch tốt hơn cho năm tới. Dưới đây là các dự đoán liên quan đến chuỗi cung ứng trong năm từ ba nguồn: một cuộc khảo sát do Bloomberg, một công ty bảo hiểm tín dụng thương mại, và một tạp chí quốc tế hàng đầu trong cộng đồng tài chính thực hiện.
Đối với ông Chris Rogers từ Flexport, một nền tảng công nghệ giao nhận hàng hóa có trụ sở tại San Francisco, California, kỳ vọng của ông dựa trên thói quen của người tiêu dùng và đại dịch COVID-19.
Ông Rogers nói với Bloomberg: “Nếu đại dịch trở nên tựa như dịch cúm và chi tiêu của người tiêu dùng từ hàng hóa chuyển dần sang các dịch vụ, thì vẫn sẽ mất vài tháng để các nút thắt hiện tại tan biến. Kết quả về sức khỏe tương tự hoặc tồi tệ hơn kết hợp với việc tiếp tục kích thích tài chính hoặc tiền tệ có nghĩa là chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa và những thách thức trên khắp các mạng lưới hậu cần sẽ hoạt động tốt vào năm 2023.”
Tác động quốc tế đến các chuỗi cung ứng
Công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Euler Hermes xem chính sách không COVID của Trung Quốc, vốn sẽ đóng cửa toàn bộ các khu vực khi phát hiện các ca nhiễm đơn lẻ, và biến động thương mại trong dịp Tết Nguyên Đán của Trung Quốc, là những tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngắn hạn.
Công ty bảo hiểm này nhận thấy ba yếu tố có thể ổn định thương mại và đưa chuỗi cung ứng trở lại trạng thái bình thường trước cuối năm 2022. Yếu tố đầu tiên là làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng.
Hãng Euler Hermes cho biết trong một báo cáo gần đây rằng, “trong bối cảnh các lệnh giới nghiêm và các đợt phong tỏa, mức chi tiêu của gia đình chuyển hướng sang hàng hóa (lâu bền) thay vì dịch vụ, sẽ trở nên dè dặt hơn nhiều trong tương lai, ngay cả trong tình huống xấu xảy ra các đợt bùng phát COVID-19 mới.”
Yếu tố thứ hai là sự quay trở lại mức tồn kho trước đại dịch của các tổ chức. Do chi tiêu đầu tư tài sản cố định tăng chủ yếu ở Hoa Kỳ và sự khẩn cấp phải tái tích trữ trong vài tháng qua, “mức tồn kho đã cao hơn mức trung bình dài hạn trước khủng hoảng trong hầu hết các lĩnh vực.”
Và yếu tố cuối cùng là giảm ùn tắc vận chuyển. Khi các chính phủ đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng cảng và tăng công suất cảng, chi phí vận chuyển dự kiến sẽ giảm từ quý 4 năm 2021. Số lượng đơn đặt hàng tàu container mới trên toàn cầu đạt mức kỷ lục cho thấy một bước giải quyết tình trạng tắc nghẽn hàng hóa mà Hoa Kỳ hiện đang phải đối mặt.
Một trong những dự đoán chính từ tạp chí tài chính Global Banking and Finance Review là các nhà sản xuất sẽ sản xuất các thành phần quan trọng trong nước, đồng thời chuyển chuỗi cung ứng, từ phụ thuộc vào ngoại quốc, trở về gần nước sở tại hơn.
Điều này có thể giúp đáp ứng nhu cầu tăng đột biến, chứ không như tình hình hiện tại khi sự gián đoạn sản xuất ở các trung tâm như Trung Quốc có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của Mỹ. Các dự đoán khác bao gồm tỷ lệ container cao, do nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tiếp tục duy trì trong năm, trong khi các đơn đặt hàng hiện hữu tồn đọng đã được giải quyết.
Với việc tăng lãi suất vào đầu mùa xuân, nhu cầu dự kiến sẽ hạ nhiệt; điều này có thể dẫn đến việc các nhà sản xuất và nhà cung cấp có thể nghỉ ngơi và giảm bớt một số ràng buộc đối với chuỗi cung ứng.
Triển vọng nào cho các chuỗi cung ứng?
Cũng có các chuyên gia khá bi quan về triển vọng của họ trong năm tới, và họ không thấy bất kỳ sự giải tỏa nào, ít nhất là trong tương lai gần, đối với các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Ông Alan Murphy từ Sea-Intelligence, một báo cáo phân tích hàng tuần, chia sẻ với Bloomberg rằng, “Dữ liệu mới nhất của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ cho thấy không có dấu hiệu nào về việc chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm trong chi tiêu cho hàng hóa lâu bền của người tiêu dùng Hoa Kỳ; vì vậy, chúng tôi đang duy trì quan điểm là chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự thiếu hụt nguồn cung trong suốt năm 2022, với một giải pháp khả thi vào năm 2023.”
Nhiều người khác lo lắng về biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng, hiện đã lan ra hơn 100 quốc gia. Ông Simon Heaney, nhà quản trị cao cấp của Drewry, một công ty cố vấn nghiên cứu hàng hải, cho biết: “Thật đáng tiếc, năm 2022 sẽ là một năm nữa đầy gián đoạn nghiêm trọng, nguồn cung thiếu hụt, và chi phí rất lớn cho các chủ hàng.”
“Một lần nữa virus đang cho thấy nó có sự ảnh hưởng, và tất cả các dự đoán liên quan đến virus đều là sai lầm; nhưng không quá táo bạo khi nói rằng sự phát triển của virus sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi chuỗi cung ứng – bằng cách làm cạn kiệt hơn nữa nguồn cung lao động vốn đã căng thẳng trong ngành cung ứng – và thêm nhiều thủ tục hành chính liên quan đến y tế sẽ khiến các hoạt động bị chậm lại.”
Một quan điểm chung về thị trường chỉ ra rằng nhiều chiến lược đang được đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay. Tuy nhiên, sẽ mất thời gian để đem lại một sự thay đổi hữu hình. Trong khi đó, các tình huống gây xáo trộn như phát hiện ra các biến thể mới sẽ đưa các nền kinh tế trở lại điểm xuất phát trừ phi các nền kinh tế trở nên bền vững và học cách ứng phó hiệu quả với hoàn cảnh.