Dự luật bầu cử của Đảng Dân Chủ thiếu sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa
Kể từ khi trở lại sau kỳ nghỉ đông của mình, các thành viên Đảng Dân Chủ trong Quốc hội và Tổng thống Joe Biden đã rất nỗ lực để thông qua luật bầu cử. Nhưng bất chấp những tuyên bố của Đảng Dân Chủ rằng các tiểu bang đang tấn công toàn diện vào các quyền bầu cử, Đảng Dân Chủ vẫn tiếp tục thiếu sự ủng hộ quan trọng từ Đảng Cộng Hòa đối với bất kỳ dự luật bầu cử nào và tình hình này khó có thể thay đổi trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.
Tín hiệu đầu tiên cho thấy Đảng Dân Chủ sẽ tiếp tục thúc đẩy cải tổ bầu cử được đưa ra hôm 03/01 trong một bài đăng trên Twitter của Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ–New York).
“Những gì đã xảy ra vào [ngày 06/01/2021] có liên quan trực tiếp đến các hành động mang tính đơn phương và đảng phái, đang được thực hiện bởi các cơ quan lập pháp tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo trên toàn quốc,” ông Schumer viết.
Cụ thể, ông Schumer đang nói đến hành động của các cơ quan lập pháp tiểu bang nhằm củng cố luật bỏ phiếu của chính họ sau cuộc bầu cử năm 2020. Sau cuộc bầu cử đó, vốn đầy rẫy những bất thường về thống kê, nhiều người đã rất lo ngại về tính liêm chính của các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
Để giải quyết những lo ngại này, các cơ quan lập pháp tiểu bang trên toàn quốc đã thông qua luật bầu cử mới nhằm hỗ trợ việc nhận diện cử tri hiệu quả và các điều kiện bỏ phiếu khiếm diện bên cạnh các cải cách khác.
Từ trước cuộc bầu cử năm 2020, các thành viên Đảng Dân Chủ đã nói rằng những kiểu yêu cầu này ảnh hưởng một cách bất tương xứng đến các nhóm thiểu số. Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện đã giải quyết câu hỏi này gần đây và phán quyết rằng các tuyên bố của Đảng Dân Chủ là không đúng sự thật.
Trong vụ kiện giữa ông Brnovich và Ủy ban Dân Chủ Quốc gia (DNC), DNC lập luận rằng luật mới của Arizona thay đổi việc nhận dạng cử tri và hướng dẫn bỏ phiếu khiếm diện nhằm ngăn chặn người thiểu số bỏ phiếu và vì vậy điều đó là bất hợp pháp theo Đạo luật Quyền Bầu cử (VRA). Bộ trưởng Tư pháp Arizona Mark Brnovich, người được xem là đối thủ nặng ký của Thượng nghị sĩ (TNS) Mark Kelly (Dân Chủ–Arizona) vào năm 2022, đã lập luận rằng đánh giá của DNC là không đúng.
Tòa án đứng về phía ông Brnovich, phán quyết rằng các quy chế tương tự như trong luật của tiểu bang Arizona được cho phép theo VRA.
Tuy nhiên, các thành viên Đảng Dân Chủ vẫn tiếp tục duy trì quan điểm cho rằng Tối cao Pháp viện đã sai và nỗ lực của các tiểu bang nhằm củng cố luật bầu cử đã hình thành điều mà nhiều thành viên Đảng Dân Chủ gọi là luật “Jim Crow mới”.
Tuyên bố hôm 03/01 của ông Schumer trên Twitter nói rõ rằng Đảng Dân Chủ sẽ tập trung vào vấn đề này khi họ trở lại sau kỳ nghỉ đông.
Ông viết: “Chúng ta có thể và phải hành động một cách dứt khoát để ngăn chặn diễn tiến phản Dân Chủ này.”
Cho đến nay, Đảng Dân Chủ đã đưa ra hai đề xướng để đạt mục tiêu này.
Sửa đổi Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri được cho là giải pháp khả thi nhất để giành được sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa
Đề xướng đầu tiên liên quan đến việc tu sửa Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887 (ECA).
Được thông qua 10 năm sau khi miền bắc chấm dứt chiếm đóng miền nam khi cuộc Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc, đạo luật này có mục tiêu giải quyết các vấn đề bầu cử đặt ra trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1876. Trong cuộc bầu cử đó, một số tiểu bang đã cử các nhóm đại cử tri cạnh tranh đến Quốc hội, khiến Quốc hội phải vò đầu bứt tai vì không biết nên kiểm số phiếu bầu nào. Điều này tạo thành một cuộc khủng hoảng bầu cử thực sự và nỗi lo không thể đạt được giải pháp nào trước Ngày Nhậm Chức.
Cuối cùng, thành viên Đảng Dân Chủ Samuel Tilden đã chấp nhận để thành viên Đảng Cộng Hòa Rutherford B. Hayes giành chiến thắng, nhưng chỉ với một điều kiện là ông Hayes phải ngay lập tức rút các lực lượng chiếm đóng quân sự khỏi miền nam. Ông Hayes đã đồng ý làm như vậy, nhưng các vấn đề được nêu ra trong cuộc bầu cử đó vẫn vẫn cho Quốc hội thấy rằng cần có hành động để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng bầu cử tương tự trong tương lai.
Tóm lại, ECA phó mặc cho các tiểu bang tự tìm cách giải quyết những xung đột như vậy trong tương lai. ECA đặt ra các điều kiện mà theo đó Quốc hội sẽ phân xử các tranh chấp, nhưng điều này hầu như chỉ giới hạn trong các tình huống khi một thống đốc đã xác nhận có hai nhóm đại cử tri cạnh tranh. Quốc hội cũng được trao quyền bác bỏ các phiếu đại cử tri có lỗi hành chánh, chẳng hạn như lỗi đánh máy; các phiếu bầu cho ứng cử viên không đủ tư cách giữ chức tổng thống; hoặc các phiếu đại cử tri không được “bầu đúng luật”.
Một số thành viên Đảng Dân Chủ đã gợi ý rằng mặc dù việc sửa đổi ECA sẽ ít sâu rộng hơn so với một dự luật bầu cử độc lập mới, nhưng đạo luật này sẽ có thể trông thuận mắt hơn đối với một số thành viên Đảng Cộng Hòa, chẳng hạn như TNS Mitt Romney (Cộng Hòa–Utah), TNS Thom Tillis (Cộng Hòa–North Carolina), và TNS Roger Wicker (Cộng Hòa–Mississippi).
Có một số dấu hiệu cho thấy đề xướng này có thể nhận được một chút ủng hộ của Đảng Cộng Hòa. Khi nói chuyện với các phóng viên hôm 11/01, TNS Susan Collins (Cộng Hòa–Maine) cho biết bà sẽ chấp nhận một đề xướng như vậy.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của những thành viên đôi khi thay đổi lập trường này sẽ không đủ để đưa cuộc cải cách ECA về vạch đích. Giống như tất cả các đạo luật tại Thượng viện, bản sửa đổi ECA cần đạt được ngưỡng hơn 60 phiếu bầu để tránh việc bị bãi bỏ bằng thủ tục tranh luận không giới hạn (filibuster). Điều này có nghĩa là phải có 10 thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ luật này.
Và kinh nghiệm trong quá khứ khiến điều này khó có thể xảy ra. Kể từ hè năm 2021, Đảng Dân Chủ đã thông qua hàng loạt dự luật bầu cử, từ những cuộc cải tổ lớn trong các cuộc bầu cử mà sẽ khiến các cuộc bầu cử này hoàn toàn bị đặt vào sự kiểm soát của chính phủ liên bang, cho đến các dự luật thỏa hiệp ở quy mô nhỏ hơn.
Một dự luật thỏa hiệp như vậy, được tạo ra với sự giúp đỡ và góp ý từ TNS Joe Manchin (Dân Chủ–West Virginia), đã giành được sự ủng hộ của ông Collins. Nhưng mọi dự luật khác do Đảng Dân Chủ đề xướng đều vấp phải sự đồng lòng phản đối và thủ tục tranh luận không giới hạn từ Đảng Cộng Hòa, và xu hướng quá khứ này khiến Đảng Dân Chủ khó có thể thu hút được sự hỗ trợ cần thiết cho việc tu sửa ECA.
Các thành viên Đảng Dân Chủ khác kêu gọi chấm dứt thủ tục tranh luận không giới hạn để thông qua luật bầu cử toàn diện hơn
Lựa chọn thứ hai mà các thành viên Đảng Dân Chủ đang đề cập là hồi sinh “Đạo luật Thúc đẩy Quyền Bầu cử John R. Lewis” (H.R. 4).
H.R. 4, được Dân biểu Terri Sewell (Dân Chủ–Alabama) giới thiệu hồi hè năm 2021, có phạm vi hẹp hơn so với các dự luật khác mà Đảng Dân Chủ đã đề xướng.
Trái ngược với “Đạo luật Vì Người Dân,” đạo luật này quy định rằng các tiểu bang buộc phải cho phép những người phạm tội được bỏ phiếu, điều mà những người chỉ trích cho rằng sẽ hợp pháp hóa việc bỏ phiếu từ những người nhập cư bất hợp pháp. Thay đổi lớn nhất của H.R. 4 đối với luật bầu cử là khôi phục các yêu cầu về sự thông qua trước từ liên bang được đặt ra ban đầu trong VRA.
Theo VRA, các tiểu bang mà chính phủ liên bang coi là có “lịch sử phân biệt đối xử” bị cấm thay đổi luật bầu cử của họ mà không có sự “thông qua trước” của liên bang, hoặc sự chấp thuận của liên bang.
H.R. 4 sẽ tái áp dụng điều khoản này để phản hồi lại quyết định năm 2013 của Tối cao Pháp viện trong vụ kiện giữa Quận Shelby và ông Holder (cựu Tổng chưởng lý Hoa Kỳ). Trong vụ kiện đó, Tối cao Pháp viện đã phán quyết rằng tình hình của các nhóm thiểu số đã thay đổi đáng kể giữa thời điểm đưa ra điều khoản vào năm 1965 và năm 2013 đến mức “các biện pháp đặc biệt” được áp dụng trong đạo luật này đã không còn thích đáng nữa, và do đó tòa án đã coi điều khoản này là vi hiến.
Trình bày trước Hạ viện, bà Sewell nói rằng đạo luật của bà sẽ “khôi phục các điều khoản quan trọng của VRA vốn đã bị Tối cao Pháp viện hủy bỏ” và “một lần nữa sẽ ngăn cấm bất kỳ tiểu bang hoặc khu vực pháp quyền nào có lịch sử phân biệt đối xử thực hiện bất kỳ thay đổi bầu cử nào mà không nhận được sự thông qua trước từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.”
Trước đây, dự luật này đã được Hạ viện thông qua, nhưng phải đối mặt với việc bị bãi bỏ bằng thủ tục filibuster tại Thượng viện.
Để vượt qua sự phản đối của một nửa số thượng nghị sĩ được bầu chọn của quốc gia, nhiều thành viên Đảng Dân Chủ đang kêu gọi hủy bỏ hoàn toàn thủ tục filibuster, vì đây là cách duy nhất để các thành viên Đảng Dân Chủ có thể đưa một dự luật không mấy được ưa chuộng như vậy qua Thượng viện có xu hướng bàn thảo kỹ lưỡng này. Về mặt pháp lý, Đảng Dân Chủ có thể thực hiện điều này. Với “lựa chọn hạt nhân” đó, các quy tắc của Thượng viện có thể được thay đổi bằng một cuộc bỏ phiếu đa số quá bán. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ của cả hai đảng từ lâu đã rất do dự khi sử dụng một lựa chọn như vậy.
Mặc dù chỉ một đảng nắm quyền kiểm soát Thượng viện, nhưng một sự thay đổi quy tắc như vậy thực sự sẽ mang lại cho họ rất nhiều không gian tự do để thông qua dự luật này, mà vốn sẽ không thể tránh khỏi thủ tục filibuster nếu không làm như vậy. Tuy nhiên, một khi bản thân đảng đó nhận thấy chính mình thuộc phe thiểu số, thì họ sẽ hầu như không có khả năng ngăn cản đảng đối lập thông qua các luật mà họ cho là tệ hại.
TNS Kyrsten Sinema (Dân Chủ–Arizona), người trước đây từng phản đối việc thay đổi thủ tục filibuster, cũng có đồng quan điểm khi bảo vệ thủ tục này trong một lần xuất hiện trên chương trình “The View”.
Bà Sinema cho biết thủ tục filibuster không tốt cũng chẳng xấu, mà chỉ là “một công cụ”, giá trị của thủ tục này đến từ “cách chúng ta sử dụng nó”. Cụ thể, bà gọi thủ tục này là một công cụ “để bảo vệ phe thiểu số”, và lưu ý rằng [trong quá khứ], Đảng Dân Chủ đã từng sử dụng nó để ngăn chặn các đạo luật của Đảng Cộng Hòa một cách thường xuyên – nhiều như Đảng Cộng Hòa đã sử dụng nó để ngăn chặn các đạo luật của Đảng Dân Chủ vậy.
Ông Manchin, một đồng minh lâu năm của bà Sinema, cũng phản đối việc cải tổ toàn diện thủ tục filibuster.
Sau cuộc bầu cử năm 2020, khi mọi chuyện đã trở nên quá rõ ràng rằng Đảng Dân Chủ sẽ chiếm Thượng viện trong một cuộc lật đổ bất ngờ, ông Manchin đã nói trên đài Fox News nhằm xoa dịu những lo ngại của phe ôn hòa và Đảng Cộng Hòa về những gì đảng này sẽ làm.
Trong lần xuất hiện đó, ông Manchin lưu ý rằng Đảng Dân Chủ có thể thay đổi thủ tục filibuster. Nhưng ông lưu ý rằng một đề xướng như vậy đòi hỏi sự đồng ý của toàn bộ 50 thành viên Đảng Dân Chủ và Phó Tổng thống Kamala Harris. Ông Manchin thề rằng ông sẽ không phải là thành viên Đảng Dân Chủ thứ 50 bỏ phiếu cho đề xướng đó.
Ông Manchin cho biết: “Tôi là người ủng hộ filibuster. Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ thủ tục này. Tôi cho rằng thủ tục này sẽ xác định xem chúng ta là ai với tư cách là một Thượng viện.”
TNS Dianne Feinstein (Dân Chủ–California) cũng đã nhiệt tình bày tỏ sự phản đối việc cải tổ thủ tục filibuster nhằm thông qua luật bầu cử trong quá khứ. Vị Thượng nghị sĩ California phục vụ lâu năm này nói với Forbes rằng “nếu nền dân chủ gặp nguy hiểm, tôi cần phải bảo vệ nó,” nhưng bà cho biết hiện tại bà “không thấy nền dân chủ đang gặp nguy hiểm.”
Và không phải chỉ những thượng nghị sĩ này phản đối cải tổ thủ tục filibuster trong quá khứ. Trên thực tế, hầu như mọi nhà lập pháp Đảng Dân Chủ, tại một số thời điểm trong bốn năm qua, chỉ bày tỏ thái độ ủng hộ hờ hững đối với một đề xướng như vậy, trong khi nhiều người khác đã thẳng thừng phản đối đề nghị đó.
Do đó, đề xướng thứ hai này cũng thiếu số phiếu bầu ở cả hai đảng, và chắc chắn rằng không có thành viên Đảng Cộng Hòa nào sẽ hỗ trợ Đảng Dân Chủ trong nỗ lực này.
Bất chấp sự thúc đẩy mới trong việc cải tổ bầu cử, Đảng Dân Chủ khó lòng thực hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào đối với luật bầu cử trừ khi tình hình trên Capitol Hill thay đổi đáng kể. Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy một sự biến chuyển như vậy sắp diễn ra, đặc biệt là khi nhiều thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa sẽ phải đối mặt với các cuộc tái tranh cử gay go vào cuối năm 2022.