Đức vận hành các nhà máy nhiệt điện than trở lại
Naveen Athrappully
Đức đang đưa một số nhà máy điện than hoạt động trở lại trước mùa đông cùng với nỗi lo ngại thiếu nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.
Đức đã ngừng vận hành các nhà máy điện than như một phần của tiến trình chuyển hướng khỏi việc sử dụng năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, do chiến tranh Nga–Ukraine làm giảm nguồn cung cấp khí đốt từ Moscow, kèm theo việc nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân của Pháp bị ảnh hưởng, từ năm ngoái, Berlin đã quyết định duy trì sử dụng năng lượng than non với công suất 1.9GW. Than non, hay còn gọi là than nâu, là một loại than đá có thứ hạng thấp nhất. Hôm 04/10, chính phủ Đức thông báo các nhà máy than non cần ở trong trạng thái túc trực cho mùa đông cho đến cuối tháng 03/2024. Biện pháp này được hy vọng là sẽ giúp bù đắp được sự khan hiếm khí đốt tự nhiên trong mùa đông.
Theo mạng truyền thông Euractiv, chính phủ cho biết: “Việc dự trữ nguồn cung sẽ được kích hoạt trở lại để tiết kiệm khí đốt trong sản xuất điện và từ đó ngăn chặn được sự đình trệ nguồn cung cấp khí đốt trong giai đoạn cần sưởi ấm năm 2023 và 2024.”
Quyết định này dự kiến sẽ khiến giá điện giảm khoảng 0.4 đến 2.8 euro mỗi Megawatt-giờ (MWh).
Bất chấp những diễn biến gần đây, chính phủ Đức vẫn kiên quyết cam kết loại bỏ hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030, để trở nên trung hòa về carbon vào năm 2045.
Đức đã có nhà máy điện than 45GW. Quyết định mới nhất sẽ thêm vào khoảng 1.9GW công suất than non để cung ứng ngay cho mọi nhu cầu về năng lượng.
Chính phủ đã ban hành lệnh cho phép kích hoạt lại các bộ phận điện than thuộc các công ty năng lượng LEAG và RWE AG hôm thứ Tư (04/10).
Lệnh kích hoạt này sẽ ảnh hưởng đến hai cơ sở điện than từ công ty RWE và hai cơ sở từ công ty LEAG. Các cơ sở này đã được vận hành từ mùa đông vừa qua và được đưa vào trạng thái chờ sẵn từ tháng Bảy vừa qua. Mệnh lệnh này sẽ kích hoạt lại những cơ sở điện than này.
Khủng hoảng năng lượng tại Đức
Ngay cả khi việc kích hoạt lại một số cơ sở điện than để tăng sự ổn định và đủ cung ứng của nguồn năng lượng ở Đức, quốc gia này đã loại bỏ dần các lò phản ứng hạt nhân cuối cùng còn lại hồi đầu năm nay, dẫn tới sẽ làm giảm đi nguồn cung cấp năng lượng trong mùa đông này.
Việc đóng cửa nhà máy hạt nhân diễn ra hồi tháng Tư đã thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ do tình trạng cung cấp điện không ổn định của quốc gia này vẫn đang diễn ra. Hôm 14/04, một nhóm các nhà khoa học, trong đó có hai người được trao giải Nobel, đã kêu gọi chính phủ đảo ngược quyết định này.
Các nhà khoa học cho biết trong một bức thư ngỏ: “Trước đây, các quốc gia Âu Châu cũng theo đuổi kế hoạch giảm công suất sản xuất năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên trong những năm gần đây, rất nhiều quốc gia trong số này đã thay đổi quan điểm về năng lượng hạt nhân do chi phí năng lượng ngày càng gia tăng; vấn đề chi phí này càng trở nên nghiêm trọng hơn do việc mất đi nguồn khí đốt tự nhiên của Nga gần đây.”
Quyết định mở lại các nhà máy than trong khi đóng cửa các nhà máy hạt nhân đã bị ông Robert Roos, Nghị viên Nghị viện Âu Châu (MEP) đến từ Hà Lan, chỉ trích.
Ông cho biết trong một bài đăng hôm 05/10 trên nền tảng X, “Đức bị cai trị bởi những kẻ cấp tiến ‘xanh’. Họ tạo ra các chính sách của họ dựa trên lý tưởng. Bỏ đi 17 lò phản ứng hạt nhân sạch đang hoạt động tốt, mà lò phản ứng hạt nhân cuối cùng trong số đó bị bỏ đi ngay giữa cuộc khủng hoảng năng lượng.”
“Chính sách năng lượng của họ là một thảm họa cho người dân, cho các doanh nghiệp, và cả nền kinh tế Đức. Trong khi đó, họ đang áp đặt chính sách năng lượng tàn khốc này lên toàn bộ phần còn lại của châu Âu.”
Nước Đức hiện đang tìm cách bù đắp tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng cách xây dựng thêm cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Quốc gia này cũng có dự định xây dựng các nhà máy năng lượng khí đốt mà sau đó có thể chuyển hóa thành hydrogen.
Chính phủ cũng đang suy tính xem liệu có nên mở rộng hoạt động của hai cơ sở điện than non RWE cho đến mùa xuân năm 2025 hay không.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, quốc gia này đã tạo ra 22.2 Terawatt giờ (TWh) điện sản xuất từ than, đây là sản lượng thấp nhất từ trước đến nay, thấp hơn nhiều so với mức 60 TWh được tạo ra vào cùng thời kỳ tám năm trước.
Tình hình than tại Hoa Kỳ, Trung Quốc
Cũng như chính phủ Đức, Hoa Kỳ đang thực hiện chính sách chống dùng than dưới thời chính phủ ông Biden.
Hồi tháng Tư, Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã đề nghị các quy định nhằm thắt chặt hạn chế phát thải đối với các nhà máy nhiệt than, gây ra lo ngại về chi phí cũng như tính khả thi của ngành này.
Theo quy định mới được đề nghị, các nhà máy than non có thể phải đối mặt với việc cắt giảm 70% giới hạn phát thải thủy ngân. Ngoài ra, giới hạn phát thải đối với bụi lọc được có thể phải giảm đi ⅔. Theo EPA, hành động này được cho là nhằm giải quyết các chất ô nhiễm nguy hiểm từ các nhà máy.
Các nhà máy than non cũng cần phải sử dụng hệ thống giám sát khí thải liên tục để bảo đảm tuân thủ các giới hạn mới này.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Dan Kish, phó chủ tịch cao cấp về chính sách của Liên minh Năng lượng Hoa Kỳ, đã chỉ trích đề nghị này, nói rằng mục tiêu của đề nghị là “như tất cả các chính sách năng lượng của họ, đều khiến giá thành điện cao hơn.” Ông gọi đề nghị của EPA là “lạm dụng pháp lý”.
Ông Conor Bernstein, phát ngôn viên của Hiệp hội Khai thác Quốc gia, cho rằng quy định này phù hợp với những nỗ lực lớn hơn nhằm hạn chế sử dụng than của EPA.
“Tác động tích lũy mà nghị trình của EPA mang lại là một nguồn cung cấp điện kém tin cậy hơn và đắt đỏ hơn, trong khi quốc gia đang phải chật vật với lạm phát do năng lượng gây ra,” ông cho biết
Trong khi các chính phủ ở Hoa Kỳ và châu Âu đang thực hiện các bước để hạn chế sử dụng than, thì Trung Quốc – quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới – lại đang tiến hành các dự án sử dụng than của họ.
Theo báo cáo hồi tháng Hai của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (Global Energy Monitor) và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), việc khởi công xây dựng nhà máy điện than, thông báo dự án mới và cấp phép xây dựng nhà máy đã “tăng nhanh đáng kể” tại Trung Quốc hồi năm ngoái – với hai nhà máy điện than mới được cấp phép mỗi tuần.
Báo cáo cho biết: “Công suất điện than 50 GW đã bắt đầu được xây dựng ở Trung Quốc vào năm 2022, tăng hơn 50% so với năm 2021. Nhiều dự án trong số này đã được cấp phép nhanh chóng và được chuyển sang xây dựng chỉ trong vài tháng.”
“Tổng cộng 106 GW dự án điện than mới tương đương với hai nhà máy điện than lớn mỗi tuần đã được cấp phép. Lượng công suất cho phép đã tăng hơn bốn lần so với mức 23 GW vào năm 2021.”