Trung úy Stephanie Hergesheimer, một y tá trong Quân đội Hoa Kỳ từng lớn lên trong 33 nhà nuôi dưỡng sau khi cha cô vào tù và mẹ cô từ bỏ. Câu chuyện cuộc đời của cô đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người.

“Đừng bao giờ tự coi thường bản thân”
Trung Úy Stephanie Hergesheimer, 30 tuổi, đến từ Vernon, Connecticut, một y tá, nhân viên y tế phẫu thuật trong Quân đội Hoa Kỳ. (Ảnh Marcy Sanchez / Dvidshub)

“Phụ nữ phải trải qua rất nhiều điều, thế giới nhìn chúng tôi theo một lăng kính riêng,” Stephanie cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Quân đội Hoa Kỳ.

“Chỉ vì thế giới muốn xếp bạn vào một hình vuông không có nghĩa là bạn phải trở thành một hình vuông. Bạn có thể trở thành hình thoi. Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn,” cô nói.

Lớn lên, Stephanie tìm thấy niềm an ủi và lối thoát từ những trang sách ở trường. Cô nói, trường học là nơi nương tựa, là vùng an toàn mà cô không cần lo lắng về bất cứ điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình.

“Đó là nơi tôi có thể tập trung vào việc là một học sinh và những gì tôi cần phải hoàn thành. Tôi có thể đọc, và những trang sách đưa tôi vào một thế giới hoàn toàn khác. Tôi không bao giờ phải lo lắng về những gì đang diễn ra xung quanh mình,” cô chia sẻ.

“Đừng bao giờ tự coi thường bản thân”
(Ảnh William Beach / Dvidshub)
“Đừng bao giờ tự coi thường bản thân”
(Ảnh William Beach / Dvidshub)

Là một học sinh xuất sắc, Stephanie tốt nghiệp trung học với học bổng đại học toàn phần. Nhưng cô không tìm thấy mục đích mà mình khao khát trong giai đoạn đầu đại học.

“Tôi đang tìm kiếm mục đích và hướng đi để tạo ra sự khác biệt cho thế giới này.”

Năm 2010, Stephanie bỏ học và nhập ngũ. Với mong muốn giúp đỡ người khác, cùng với kinh nghiệm làm nhân viên cứu hộ trước đây, Stephanie hướng đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Cô đã học khóa đào tạo làm nhân viên cứu thương tại chiến trường. 

“Đừng bao giờ tự coi thường bản thân”
(Ảnh Marcy Sanchez / Dvidshub)
“Đừng bao giờ tự coi thường bản thân”
(Ảnh Marcy Sanchez / Dvidshub)

Stephanie từng là nhân viên y tế phòng cấp cứu ở Hàn Quốc trước khi triển khai cùng Lữ đoàn Hàng không Chiến đấu 101 tới Afghanistan.

Sau khi về nước vào năm 2014, cô phát hiện mình có thai. Stephanie chuẩn bị làm một bà mẹ đơn thân, đồng thời quyết tâm tiếp tục tiến bước trong cuộc sống và làm việc tốt hơn.

Theo trang web của Quân đội Hoa Kỳ, Stephanie chuyển đến Georgia cùng con gái nhỏ, hoàn thành bằng cử nhân chuyên ngành tâm lý học và nộp đơn vào Chương trình Nhập ngũ của Bộ Y tế.

Cuối cùng, Stephanie đã tốt nghiệp Cử nhân Khoa học về Điều dưỡng.

Hiện Stephanie đã kết hôn và đang là thiếu úy. Cô là mẹ của một cô con gái 6 tuổi và làm việc trong khu điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế Khu vực Landstuhl Đức – trung tâm chấn thương cấp III duy nhất của Hoa Kỳ ở nước ngoài. 

Stephanie nói rằng con gái là động lực lớn nhất để cô tiếp tục đạt được những thành công trong công việc và vượt qua những định kiến về bản thân.

“Lớn lên, tôi đã được bảo rằng tôi sẽ không thành công vì quá khứ của tôi. Điều đó chắc chắn thúc đẩy tôi chứng minh họ sai.”

“Sau khi có một cô con gái bé bỏng với đôi mắt nhỏ, cô bé nhìn tôi và nói: ‘Mẹ là anh hùng của con!’ Điều đó là động lực khiến tôi làm được nhiều hơn và tốt hơn.

Theo National Foster Youth Institute, trên toàn Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 50% thanh thiếu niên lớn lên trong hệ thống nhà nuôi dưỡng (foster care) tốt nghiệp trung học, dưới 3% tiếp tục học và tốt nghiệp đại học 4 năm.

Stephanie không muốn giới hạn bản thân trong những con số thống kê thất vọng như vậy. Cô hy vọng, sự khác biệt của mình sẽ truyền cảm hứng cho các cô gái trẻ đang trong hoàn cảnh khó khăn để họ kiên trì vượt qua thử thách.

“Đối với những cô bé đang lớn lên trong những tình huống tương tự như tôi, hoặc trong mọi tình huống, đừng bao giờ tự coi thường bản thân. Dù đang trải qua những gì trong cuộc sống, dù thiên hạ đang nói những lời gì, các em có thể làm được; các em không yếu đuối hơn bất cứ ai; các em thực sự mạnh mẽ như mọi người khác”. 

Louise Bevan
Ngọc Thuần biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn