Fed: Mỹ chứng kiến mức lạm phát tăng cao nhất trong 40 năm
Chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE), là thước đo lạm phát chính được Cục Dự trữ Liên bang sử dụng, tăng 5.4% so với một năm trước – là mức tăng cao nhất kể từ tháng Tư năm 1983 – không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đang biến động.
Chỉ số PCE này, nếu tính cả giá xăng và giá hàng tạp hóa, đã nhảy lên mức 6.4% – là tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 01/1982.
Hàng tháng, mức tăng PCE cốt lõi là 0.4%, phù hợp với ước tính.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang xem báo cáo mới nhất của PCE, do Bộ Thương mại công bố hôm 31/03, là chỉ báo lạm phát đáng tin cậy nhất.
Nhu cầu tiêu dùng cao kết hợp với tình trạng thiếu hụt hàng hóa lớn đã thúc đẩy mức tăng giá mạnh nhất trong bốn thập niên.
Các phép đo lạm phát dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn trong những tháng tới, vì báo cáo mới nhất này không tính đến nhân tố trong gián đoạn nguồn cung ứng toàn cầu do cuộc xâm xâm lược Ukraine của Nga gây ra, vốn bắt đầu hôm 24/02.
Cuộc xung đột này đã ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu và đẩy giá lúa mì, niken, và các mặt hàng quan trọng khác tăng phi mã.
Giá năng lượng tăng 3.7% trong tháng, trước khi ổn định vào tháng Ba, mức tăng lớn nhất kể từ tháng Mười, trong khi lạm phát lương thực tăng 1.4%, mức cao nhất trong hai năm.
Theo AAA, giá một gallon xăng tăng lên mức trung bình quốc gia là 4.24 USD hôm 30/03, tăng 63 xu so với một tháng trước, khi đó là 3.61 USD.
Trong khi đó, lạm phát dịch vụ chỉ tăng nhẹ ở mức 0.3%.
Mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ chỉ là 0.2% trong tháng Hai, dưới mức ước tính 0.5%, và giảm từ 2.7% trong tháng Một, rất có thể do áp lực lạm phát.
Nếu được điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu thực tế trong tháng Hai đã giảm 0.4%.
Đã có sự chuyển hướng của người tiêu dùng từ việc chi tiêu nhiều cho hàng hóa sang chi tiêu cho các dịch vụ, chẳng hạn như du lịch và giải trí, vốn đã chứng kiến sự hồi sinh kể từ sau đại dịch.
Chi tiêu cho du lịch và giải trí tăng 0.6%, mức tăng lớn nhất kể từ mùa hè năm ngoái, trong khi chi tiêu cho xe hơi, đồ nội thất, quần áo, và các loại hàng hóa khác giảm 2.1%.
Cũng có một sự chuyển đổi đáng chú ý từ hàng hóa có thời gian sử dụng lâu hơn sang hàng hóa ngắn hạn hơn, khi lạm phát đối với hàng tiêu dùng lâu bền không biến động, trong khi giá hàng tiêu dùng không bền tăng 1.8%.
Mặc dù một số nhà kinh tế đã dự đoán rằng việc giảm mua hàng hóa sẽ hạ nhiệt lạm phát, nhưng hàng hóa vẫn tăng giá, với mức tăng 1.1% trong tháng Hai – là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2021.
Áp lực về giá này là do chuỗi cung ứng tiếp tục tồn đọng, vốn là vấn đề của nền kinh tế kể từ sau đại dịch.
Thu nhập khả dụng tổng thể của người Mỹ đã tăng 0.5% trong tháng Hai, mức tăng cao nhất kể từ tháng 11, chỉ tăng từ 0.1% trong tháng Một, nhưng thu nhập khả dụng thực tế giảm 0.2%.
Tiền lương và tiền công tăng 0.8%, cao nhất trong bốn tháng, với tiết kiệm cá nhân tăng lên 1.15 ngàn tỷ USD, hoặc với tỷ lệ 6.3%.
Khi bức tranh việc làm được cải thiện và tiền lương tăng, thì lạm phát lại là vấn đề lớn nhất khi giá cả tăng nhanh.
Cục Dự trữ Liên bang đã bắt đầu tăng lãi suất với một chính sách thắt chặt hồi tháng Ba để chống lại lạm phát gia tăng nhanh chóng, với sáu lần tăng nữa dự kiến trong năm nay.
Điều này xảy ra sau khi Fed chấm dứt chính sách tiền tệ lỏng lẻo nhất trong lịch sử, khi hạ lãi suất để xoa dịu nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Các quan chức Fed dự báo lạm phát sẽ tăng lên 4.3% vào cuối năm nay.
Hôm 31/03, Bộ Lao động đã công bố một báo cáo riêng cho thấy tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu là 202,000 cho tuần kết thúc hôm 26/03.
Đây là mức tăng 14,000 so với tuần trước và vượt xa con số ước tính 195,000, nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.
Các đơn xin tiếp tục thì giảm xuống chỉ còn hơn 1.3 triệu, mức thấp nhất kể từ ngày 27/12/1969.