Fed tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 để đối phó lạm phát
Các quan chức Fed dự kiến thêm 6 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay
Lần đầu tiên kể từ năm 2018, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm căn bản, tăng phạm vi mục tiêu cho lãi suất lên 0.25–0.5%.
Fed đã hoàn thành cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) kéo dài hai ngày hôm 16/03, được các nhà phân tích mô tả là một bước ngoặt quan trọng đối với chính sách tiền tệ.
Các quan chức Fed dự kiến sẽ thêm 6 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay. Biểu đồ dấu chấm, triển vọng lãi suất chính của các thống đốc, cho thấy tỷ lệ trung bình ngắn hạn là 1.9% vào cuối năm. Biểu đồ này cũng ước tính tỷ lệ trung bình ngắn hạn là 2.8% vào năm 2023 và 2024.
Đó là một sự thay đổi đáng kể trong triển vọng chính sách kể từ tháng 12, khi các quan chức Fed dự kiến chỉ tăng 3 lần, mỗi lần 0.25% trong năm nay, và 3 lần nữa vào năm 2023.
Dự báo lạm phát của Fed cũng tăng đáng kể cho năm nay. Các quan chức dự đoán rằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), là thước đo lạm phát yêu thích của ngân hàng trung ương, sẽ lên đến 4.3% vào năm 2022, so với mức dự báo 2.6% vào tháng 12.
Các quan chức Fed cũng hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 từ 4.0% xuống 2.8%. Tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán sẽ giảm xuống 3.5% vào cuối năm 2022.
Ngân hàng trung ương cũng cảnh báo rằng việc Nga xâm lược Ukraine sẽ gây áp lực gia tăng lên lạm phát và đè nặng lên tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
FOMC cho biết trong một tuyên bố: “Các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm tiếp tục được củng cố. Tỷ lệ việc làm tăng mạnh trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể. Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng cung và cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng cao hơn và áp lực giá rộng hơn.”
Mặc dù ngân hàng trung ương kiềm chế cắt giảm bảng cân đối kế toán trị giá 9 ngàn tỷ USD của mình, Fed xác nhận rằng họ sẽ cắt giảm lượng nắm giữ của họ “tại cuộc họp sắp tới”. Hiện tại, các hành động chính sách tiếp theo, Fed lưu ý rằng họ sẽ theo dõi các tình hình kinh tế và địa chính trị ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu.
“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mức 2% trong khi thị trường lao động vẫn mạnh”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tại cuộc họp báo sau cuộc họp.
“Điều đó nói lên rằng, lạm phát có khả năng mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại mục tiêu ổn định giá của chúng tôi so với dự kiến trước đây”.
Chứng khoán tăng điểm trong một phiên giao dịch đầy biến động sau tuyên bố của Fed. Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones tăng 518.76 điểm, tương đương 1.55%. S&P 500 tăng 2.24%, trong khi Nasdaq Composite tăng 3.77%.
Ông Robert Johnson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Chỉ số Kinh tế, nói với The Epoch Times: “Có lẽ điều ngạc nhiên là Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm sáu lần nữa trong năm nay. Cảnh báo là một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và kết quả là nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể làm giảm tốc độ của những thay đổi lãi suất này.”
Theo ông Powell, thị trường lao động và nền kinh tế Hoa Kỳ “rất mạnh và có điều kiện tốt” để chịu được lãi suất cao hơn .
Do đó, ông nói, “xác suất của một cuộc suy thoái trong năm tới không đặc biệt cao.”
Tụt hậu một cách ‘Vô vọng’
Nhiều nhà phân tích tin rằng Fed đang tụt hậu trong việc giải quyết lạm phát và một số người tự hỏi liệu người đứng đầu Fed có thực hiện các bước quyết liệt để kiểm soát giá trở lại hay không, như cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker vào những năm 1980.
Khi ông Volcker nắm quyền lãnh đạo FED vào tháng 8/1979, lạm phát của Mỹ đã ở mức cao do hai cú sốc dầu gây ra bởi Chiến tranh Ả Rập–Israel năm 1973 và Cách mạng Iran năm 1979. Vào tháng 03/1980, tỷ lệ lạm phát đạt kỷ lục, cao 14.8%.
Là chủ tịch Fed dưới thời các Tổng thống Jimmy Carter và Ronald Reagan, ông Volcker đã thực hiện các bước táo bạo để kiềm chế lạm phát phi mã bằng cách nhắm vào nguồn cung ứng tiền. Lãi suất chuẩn của Fed đã tăng từ 11% lên mức kỷ lục 20% vào cuối năm 1980. Khi ông Volcker rời ngân hàng trung ương vào năm 1987, ông đã đẩy lạm phát trở lại 4.3%. Ông Volcker thắt chặt chính sách tiền tệ đã dẫn đến hai cuộc suy thoái trước khi giá cả cuối cùng ổn định.
Chiến lược gia thị trường Ed Yardeni của Yardeni Research nghi ngờ rằng ông Powell sẽ làm những gì cần thiết để giảm lạm phát như ông Volcker đã làm.
Ông viết trong một lưu ý gần đây cho khách hàng: “Fed đang vô vọng tụt hậu về lạm phát. Tỷ lệ lạm phát CPI là 7.9% trong tháng Hai. Lần cuối cùng tỷ lệ này đạt mức cao này là vào tháng 01/1982. Hồi đó, lãi suất quỹ liên bang là 13.2%; ngày nay nó gần bằng không, ở mức đó kể từ tháng 03/2020. Chênh lệch giữa lãi suất quỹ liên bang và tỷ lệ lạm phát CPI là -7.8% trong tháng Hai, mức tiêu cực nhất đã được ghi nhận.”
Nhiều nhà phân tích cho rằng Fed do ông Powell đứng đầu sẽ không hành động đủ nhanh để đưa giá trở lại trong tầm kiểm soát.
Ông Powell nói trước những lo ngại đó rằng, “Chúng tôi sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo đảm rằng lạm phát cao không cố thủ, đồng thời hỗ trợ thị trường lao động phát triển mạnh mẽ. Nếu chúng tôi kết luận rằng việc di chuyển nhanh hơn là thích hợp, chúng tôi sẽ làm như vậy.”
Một số thành viên của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cũng tin rằng cần phải có những hành động mạnh mẽ lớn hơn để đảm bảo lạm phát không nằm ngoài tầm kiểm soát.
Ông James Bullard, chủ tịch Ngân hàng Fed St. Louis, đã nhiều lần kêu gọi tăng đủ một điểm phần trăm hồi tháng Bảy, cho rằng có quá nhiều “sự đồng cảm” rằng lạm phát sẽ tiêu tan.
Thống đốc Fed Christopher Waller cũng đã trình bày trường hợp tăng lãi suất lên đủ một điểm phần trăm vào giữa năm 2022, đồng thời cắt giảm bảng cân đối 9 ngàn tỷ USD của tổ chức này “không muộn hơn” cuộc họp chính sách tháng Bảy của họ.
Ông nói: “Tôi tin rằng chính sách lãi suất phù hợp sẽ đưa phạm vi mục tiêu lên tới 1% đến 1.25% vào đầu mùa hè,” đồng thời cho biết thêm rằng tình hình ở Ukraine có thể đòi hỏi một cách tiếp cận thắt chặt “khiêm tốn hơn”.
Các nhà dự báo đã điều chỉnh tăng với kỳ vọng của họ về một cuộc suy thoái và lạm phát cao hơn, một cuộc khảo sát của CNBC Fed tiết lộ hôm 15/03.
Xác suất suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới đã tăng lên 33%, tăng 10% so với cuộc khảo sát tháng trước. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ dự kiến sẽ kết thúc năm ở mức 5.2%, cao hơn gần một điểm phần trăm so với cuộc khảo sát hồi tháng Hai.
Trong tuần trước (07–13/03), Goldman Sachs đã làm lo ngại lan rộng sau khi ngân hàng này cắt giảm dự báo GDP của Hoa Kỳ và nâng xác suất suy thoái lên 35%.
Ông Bryce Doty, Giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Sit Investment Associates, cho biết với thanh khoản vượt trội trong hệ thống tài chính, cổ phiếu có thể không chịu quá nhiều đe dọa.
Ông Doty nói với The Epoch Times: “Với một vài dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng đang chấm dứt và việc Fed tăng lãi suất, các nhà đầu tư đang đồng thời nâng cao dự kiến lạm phát trong khi giảm dự báo tăng trưởng kinh tế”.
Ông Johnson gợi ý rằng các nhà đầu tư có thể cần theo dõi bảng cân đối kế toán trong tương lai.
Ông Johnson nói: “Tất nhiên, không phải tất cả các cổ phiếu đều hoạt động kém như nhau trong môi trường lãi suất tăng, hoặc kém như nhau trong môi trường lãi suất giảm,” và cho biết thêm rằng các cổ phiếu có bảng cân đối kế toán mạnh và động lực giá có xu hướng hoạt động tốt trong môi trường lãi suất tăng.