G-7 đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu
Các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới đã đạt được một thỏa thuận hôm 05/06 để thiết lập mức thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhằm hạn chế các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi tức sang các quốc gia có thuế suất thấp. Mặc dù hiệp định này là một bước đột phá đáng kể đối với những người đang tìm kiếm thỏa thuận quốc tế về thuế doanh nghiệp, nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo một thông cáo từ các bộ trưởng tài chính G-7, nhóm Bảy quốc gia (G-7) đã đồng ý “cam kết mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% trên cơ sở từng quốc gia.” Nhóm này hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận tương tự tại cuộc họp Nhóm 20 [quốc gia] vào tháng tới; điều này có thể dẫn đến một thỏa thuận rộng lớn hơn cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong năm nay.
Trong nhiều năm, OECD đã điều phối các cuộc đàm phán giữa 140 quốc gia về cải tổ thuế xuyên biên giới và mong muốn sớm đạt được kết luận.
Ông Daniel Bunn, phó chủ tịch đặc trách các dự án toàn cầu tại Tax Foundation, nói với Epoch Times rằng, “Thỏa thuận này còn phải tuân theo các thỏa thuận khác, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm chính sách hoạt động tốt.”
“Tôi lo ngại rằng nếu các nhà hoạch định chính sách không cẩn thận, thì những thỏa thuận này có thể tác động đến các dòng vốn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc trên toàn cầu và làm tổn hại đến các khoản đầu tư kinh doanh trên toàn cầu.”
Theo ông Bunn, như Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã đề nghị, thỏa thuận này không “kết thúc cuộc đua ở đáy” (cuộc đua vì cạnh tranh giá thành mà quyền lợi của công nhân ngày càng bị ép). Ông lập luận rằng các quốc gia sẽ tiếp tục tìm ra những cách khác để cạnh tranh về chính sách thuế.
Ông cho rằng, “Thật thú vị khi các quốc gia đồng ý với chính sách thuế này [nhưng lại] có các quy định đặc biệt của riêng họ dẫn đến thuế suất dưới 15%. Quý vị có những quốc gia có chế độ thuế khuyến khích phát minh sáng chế như Vương quốc Anh có tỷ lệ 10% trên thu nhập bằng sáng chế.”
“Mọi người sẽ rất tò mò để xem liệu thuế tối thiểu toàn cầu có tiếp tục để những chính sách đó tồn tại hay không.”
Các nước G-7 – Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ – đã đạt được thỏa thuận về hai [quy tắc] trụ cột.
[Qui tắc] trụ cột đầu tiên thay đổi việc định rõ quyền đánh thuế. Theo đề nghị, các công ty sẽ không chỉ chịu thuế tại nơi họ thành lập và có tài sản và nhân viên, mà còn phải chịu thuế tại nơi họ có doanh thu.
Theo một đề nghị do bà Yellen đưa ra, chỉ 100 công ty lớn nhất và có lợi tức cao nhất thế giới mới phải tuân theo quy định mới này.
Ông Bunn nói, “Đó là một cách hoàn toàn mới để thực hiện chính sách thuế đối với các công ty đa quốc gia. Và một trong những lý do tôi nghĩ rằng Bộ Tài chính đã cố gắng giới hạn điều này ở 100 công ty lớn nhất là bởi vì nó có thể trở nên thực sự, thực sự phức tạp.”
Quy tắc mới này có khả năng loại bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn.
Qui tắc trụ cột thứ hai của thỏa thuận G-7 áp đặt mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với bất kỳ công ty có mức thuế suất hiệu dụng thấp đối với thu nhập từ ngoại quốc. Nếu các công ty nộp theo các mức thuế suất thấp hơn ở một quốc gia cụ thể, thì quốc gia sở tại của họ có thể “tăng” thuế đối với thu nhập ở ngoại quốc của họ lên mức thuế suất tối thiểu, loại bỏ lợi ích của việc dịch chuyển lợi tức.
Một mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu trên toàn thế giới sẽ làm giảm sức hấp dẫn của các thiên đường thuế, vốn ngày càng trở thành một phần phổ biến của thực tiễn kinh doanh toàn cầu trong ba thập kỷ vừa qua.
Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự dịch chuyển lợi tức đến thiên đường thuế của các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ đã tăng từ khoảng 5–10% tổng lợi tức trong những năm 1990 lên khoảng 25–30% trong năm 2019.
Theo một nghiên cứu được IMF trích dẫn, việc sử dụng các thiên đường thuế [để chuyển lợi tức] khiến các chính phủ thiệt hại từ 500 tỷ USD đến 600 tỷ USD mỗi năm.
Goldman Sachs ước tính rằng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ có tác động “nhỏ” đến thu nhập doanh nghiệp của Hoa Kỳ. Một báo cáo của Goldman Sachs cho biết rủi ro giảm [thu nhập] chỉ là 1% đến 2%.
Báo cáo cho biết: “Trong thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, các ngành có thuế suất hiệu dụng hiện hành thấp và tỷ lệ thu nhập ở ngoại quốc cao đối mặt với rủi ro lớn nhất. Ở cấp độ lĩnh vực, Công nghệ thông tin và Chăm sóc sức khỏe sẽ đối mặt với rủi ro về thu nhập lớn nhất, nhưng ngay cả những lĩnh vực đó dường như phải đối mặt với tổng mức giảm [thu nhập] ít hơn 5% so với mức ước tính chung [của thị trường].”
Theo các chuyên gia, tác động trực tiếp của mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty Hoa Kỳ cũng sẽ phụ thuộc vào các chính sách thuế khác của Quốc hội Hoa Kỳ.
TT Joe Biden đề nghị tăng thuế đáng kể đối với các tập đoàn Hoa Kỳ để chi trả cho Kế hoạch Việc làm Mỹ trị giá 2.3 nghìn tỷ USD. Đề nghị của ông là áp mức thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập trên sổ sách của các tập đoàn lớn, cùng với việc tăng thuế đối với thu nhập nội địa và ngoại quốc.