G7 viện trợ thêm cho Ukraine 9.5 tỷ USD
REUTERS
KOENIGSWINTER, Đức — Hôm 20/05, các nhà lãnh đạo tài chính của Nhóm Bảy nước (G7) đã đồng ý khoản viện trợ mới trị giá 9.5 tỷ USD cho Ukraine và cam đoan đủ tiền để giữ cho nền kinh tế bị tàn phá của đất nước này thịnh vượng miễn là họ chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga.
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Anh, Đức, Pháp, và Ý – Nhóm Bảy nước (G7) – cho biết hỗ trợ của họ cho Ukraine vào năm 2022 cho đến nay là 19.8 tỷ USD. Bộ Tài chính Đức nói rõ con số này bao gồm cả 10.3 tỷ USD đã hứa hẹn hoặc giải ngân trước đó.
Bộ Tài chính Đức cho biết, trong số tiền mới, Hoa Kỳ sẽ cung cấp 7.5 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, Đức 1 tỷ USD viện trợ không hoàn lại khác và 1 tỷ USD còn lại sẽ được các nước G7 khác chi dưới hình thức bảo lãnh và cho vay.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine trong suốt cuộc chiến này và sau đó nữa, đồng thời sẵn sàng làm nhiều hơn khi cần thiết”, G7 cho biết trong một thông cáo ở cuối cuộc họp kéo dài hai ngày bên ngoài thành phố Bonn của Đức.
Ukraine ước tính họ cần khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng để tiếp tục trả lương cho công chức và giữ cho chính phủ hoạt động bất chấp sự tàn phá hàng ngày do Nga gây ra.
Ngoài viện trợ của G7, Liên minh Âu Châu sẽ cung cấp các khoản vay 9 tỷ EUR (9.50 tỷ USD) cho Ukraine, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Âu Châu cùng với Tập đoàn Tài chính Quốc tế sẽ cung cấp các khoản vay 3.4 tỷ USD khác.
G7 cũng kêu gọi hỗ trợ tái thiết và phục hồi lâu dài cho Ukraine, gọi đây là một “nỗ lực chung lớn” sẽ cần được phối hợp chặt chẽ.
Ước tính của các nhà kinh tế về chi phí tái thiết Ukraine rất khác nhau, trong khoảng từ 500 tỷ EUR đến 2 ngàn tỷ EUR, tùy thuộc vào các giả định về thời gian của cuộc xung đột và phạm vi tàn phá.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết trong một cuộc họp báo sau cuộc họp rằng G7 thảo luận về khả năng tịch thu các tài sản của Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine, nhưng vẫn chưa đi đến kết luận. Ông nói: “Đó là một phương án mà vẫn cần phải suy nghĩ kỹ càng.”
Hạn chế năng lượng của Nga
Cuộc chiến này là một sự kiện có ảnh hưởng đáng kể tới các cường quốc phương Tây, buộc họ phải suy nghĩ lại về mối quan hệ hàng thập niên với Nga không chỉ về mặt an ninh, mà còn về năng lượng, lương thực, và các liên minh cung ứng toàn cầu từ vi mạch đến đất hiếm.
G7 đã thảo luận các đề nghị nhằm giảm doanh thu của Nga từ xuất cảng năng lượng, chẳng hạn như lệnh cấm vận theo từng giai đoạn do Liên minh Âu Châu đề xướng, hình thành một nhóm những người mua để giới hạn giá dầu thô của Nga, và áp thuế nhập cảng đối với dầu của Nga.
Các quan chức Hoa Kỳ đã thả nổi thuế nhập cảng như một cách hạn chế lợi nhuận từ dầu mỏ của Moscow trong khi giam nguồn cung dầu thô của Nga trên thị trường để tránh giá tăng đột biến.
“Không có gì thực sự được kết tụ thành một chiến lược rõ ràng,” Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen nói về các cuộc đàm thoại đó.
Một quan chức G7 khác cho biết các giới hạn định giá và thuế quan có vấn đề vì các nhà sản xuất có ít động lực để tuân thủ và người tiêu dùng có thể cuối cùng lại phải chịu những chi phí tăng thêm đó.
Chế ngự quái thú lạm phát
Các nhà hoạch định chính sách G7 cũng thảo luận về vấn nạn lạm phát tăng cao toàn cầu do cuộc chiến ở Ukraine; điều này cũng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, làm dấy lên bóng ma của lạm phát đình trệ – sự kết hợp đáng sợ giữa giá cả gia tăng với tình trạng kinh tế trì trệ vào những năm 1970.
Ông Lindner cho biết lạm phát là một mối nguy lớn và phải nhanh chóng hạ xuống mức 2%, trong khi thống đốc ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel cho rằng lãi suất âm đã là dĩ vãng. Thông cáo của G7 cũng cho biết phân lời sẽ tăng lên, mặc dù theo cách không phá hủy sự tăng trưởng.
Nhóm G7 cho biết, “Các ngân hàng trung ương G7… sẽ… điều chỉnh nhịp độ thắt chặt chính sách tiền tệ theo cách thức phụ thuộc vào dữ liệu và được truyền đạt rõ ràng, để bảo đảm rằng các kỳ vọng lạm phát ở trong tầm kiểm soát, đồng thời lưu tâm đến việc bảo vệ sự phục hồi.”