Gần một nửa số bài đăng tin tuyển dụng trên Internet ở Hoa Kỳ là giả
Autumn Spredemann
Giữa quy trình tuyển dụng phức tạp, một đám mây đen đang lan rộng trong giới doanh nghiệp Mỹ. Theo nghiên cứu, các công ty đang sử dụng các cơ hội việc làm giả tạo trên internet để xây dựng hình ảnh về sự tăng trưởng, duy trì động lực cho các nhân viên hiện có, và thu thập thông tin về nhóm ứng viên tiềm năng cho tương lai chứ không có ý định tuyển dụng thực sự.
Hành động này thường được gọi là “đăng tin tuyển dụng ma” và các bài đăng ma chiếm 43% số cơ hội việc làm trên internet trong nhiều ngành.
Một cuộc khảo sát của Clarify Capital với hơn 1,000 nhà quản lý tuyển dụng cho thấy, ngoài việc tạo ra các chỉ số tăng trưởng giả tạo và thúc đẩy động lực cho năng suất, ⅓ số chuyên gia cho biết họ sử dụng các tin tuyển dụng ma để xoa dịu những nhân viên đang làm việc quá sức.
Hiện tượng này đã gây ra sự khó chịu chung cho cả bên ứng tuyển và bên tuyển dụng. Theo trang web tuyển dụng Indeed, trung bình người tìm việc có thể mất tới 8 tuần để nhận được lời mời làm việc sau khi nộp hồ sơ ứng tuyển trực tuyến. Quá trình này thường bao gồm việc chỉnh sửa lại bản sơ lược về trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc (resume), điền các hồ sơ ứng tuyển dài dòng, và trải qua nhiều vòng phỏng vấn. Điều đó có nghĩa là các ứng viên đang lãng phí hàng giờ để cố gắng được tuyển vào những công ty không thực sự tìm kiếm nhân viên.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi 55% người Mỹ nói rằng họ “đã hoàn toàn kiệt sức” với quy trình tìm kiếm việc làm, theo công ty nhân sự Insight Global.
Nhiều chuyên gia tuyển dụng cho biết việc đăng tin tuyển dụng ma gây tổn hại cho các doanh nghiệp đang thực sự cố gắng tuyển dụng nhân viên mới. Việc tạo ra một nhóm ứng viên đủ tiêu chuẩn cho các cơ hội tuyển dụng trong tương lai là lý do của 37% số nhà quản lý tuyển dụng được khảo sát; tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng hành động này sẽ gây phản tác dụng.
“Việc đăng tin tuyển dụng ma chắc chắn là vấn đề gây khó khăn cho các công ty đang thực sự cố gắng tuyển người,” ông Ben Lamarche, Tổng giám đốc của Lock Search Group, nói với The Epoch Times. “Những thông báo tuyển dụng này không chỉ khiến ứng viên khó ứng tuyển vào các cơ hội việc làm thực sự hơn, mà còn tạo ra tâm lý thất vọng và mất lòng tin cho họ.”
Làm việc tại một công ty tư vấn và tuyển dụng, ông Lamarche đã chứng kiến sự gia tăng tin tuyển dụng giả. Một người bạn từng làm nghề tuyển dụng của ông thú nhận đã đăng “tin tuyển dụng ma” để gây ấn tượng với khách hàng và nâng cao các chỉ số hiệu suất công việc của mình. Ông Lamarche lưu ý rằng nhà tuyển dụng này dường như không quan tâm đến phẩm chất hay mức độ quan tâm của các ứng viên mà chỉ đơn thuần tìm kiếm thông tin liên lạc [cho tương lai].
Ông cũng đã chứng kiến những trường hợp các ứng viên chuyên nghiệp có kỹ năng hoàn toàn phù hợp với vị trí tuyển dụng đột nhiên phải đối diện với sự bặt vô âm tín từ phía nhà quản lý tuyển dụng, chỉ để thấy chính công việc đó được đăng theo cùng một bài quảng cáo lặp đi lặp lại cứ mỗi vài tuần một lần.
Theo ông Stephen Greet, CEO của BeamJobs, các công ty công nghệ, nhà tuyển dụng, và công ty môi giới việc làm nằm trong số những doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng ma nhiều nhất.
“Các công ty công nghệ thường được cho là các bên chủ yếu sử dụng các bài đăng ma như vậy,” ông nói. “Với tốc độ thay đổi nhanh chóng của ngành này, thì việc duy trì nguồn ứng viên tiềm năng sẵn sàng làm việc là điều then chốt. Bằng cách này, nếu một dự án mới đột nhiên xuất hiện hoặc có ai đó rời đi, thì họ đã có sẵn những ứng viên đủ năng lực để xem xét rồi.”
Phô diễn năng suất
Xu hướng đăng tin tuyển dụng giả không chỉ giới hạn ở những vị trí công việc đòi hỏi kiến thức công việc chung chung. Ông Lamarche nhớ lại trường hợp của một đồng nghiệp có kỹ năng đặc biệt (niche skill) cũng bị rơi vào cái bẫy này. Người đồng nghiệp này làm việc với hệ thống tia X trên các thiết bị để xác định độ chịu đựng của kim loại [khi nào thì xuất hiện rạn nứt].
“Công ty đã lên ngày giờ phỏng vấn nhưng sau đó lại bặt vô âm tín, và hơn một năm sau, thông tin tuyển dụng cho vị trí công việc đó vẫn được đăng tải,” ông Lamarche cho biết. “Có thể những tin tuyển dụng giả này được sử dụng cho mục đích nội bộ, chẳng hạn như khiến bộ phận nhân sự bận rộn hoặc để tránh rủi ro bị kiện phân biệt đối xử.”
Có một số bằng chứng ủng hộ cho tuyên bố này. Một phân tích của Visier năm 2023 trên 1,000 nhân viên toàn thời gian ở Hoa Kỳ cho thấy gần một nửa số nhân viên dành hơn 10 tiếng mỗi tuần để cố tỏ ra bận rộn thay vì làm việc hiệu quả. 83% số người được hỏi thừa nhận đã tham gia vào những đầu việc bày ra cho có để ra vẻ bận rộn trong 12 tháng qua. Đây là điều mà Visier gọi là “phô diễn năng suất”.
Nhóm nghiên cứu và phân tích định nghĩa “phô diễn năng suất” là khi nhân viên ưu tiên việc phô diễn hơn là hiệu quả công việc. Visier khẳng định mục đích của việc phô diễn là “tạo ra vẻ ngoài bận rộn của việc gây dựng các sản phẩm và giá trị thay vì đóng góp một cách có ý nghĩa vào kết quả kinh doanh.”
Thời gian dành cho việc phô diễn này có thể tăng lên nhanh chóng đối với việc tuyển dụng nhân viên chuyên nghiệp. Một ước tính cho biết các công ty dành khoảng 30 tiếng trong suốt bốn tuần để tuyển dụng một nhân viên. Con số này cao hơn nhiều đối với các vị trí cao cấp, tức là khoảng 40 tiếng trong khoảng thời gian từ sáu đến tám tuần.
“Trong quá trình tư vấn cho nhiều bộ phận nhân sự khác nhau, tôi đã được nghe trực tiếp từ các nhà quản lý tuyển dụng, những người thừa nhận rằng họ vẫn giữ lại các bài đăng rất lâu sau khi các vị trí đã được lấp đầy,” ông Conor Hughes, một nhà tư vấn nhân sự, nói với The Epoch Times. “Chỉ để thể hiện rằng những công ty đó đang liên tục tuyển dụng và phát triển.”
Ông Hughes cho biết các bài đăng tuyển dụng giả không chỉ xuất hiện trên các trang web tìm kiếm việc làm lớn. Gần đây, một nhà quản lý tuyển dụng thú nhận với ông rằng họ vẫn giữ các bài đăng thông tin tuyển dụng trên trang tuyển dụng của công ty trong gần tám tháng mà không có ý định phỏng vấn bất kỳ ai.
Ông nói: “Có vẻ như đối với một số người, việc đệm thêm các số liệu giả và tạo ra một bức tranh sai lệch về hoạt động kinh doanh đã trở nên quan trọng hơn việc giúp đỡ những người có nhu cầu tìm việc thực sự.”
Ông tin rằng với rất nhiều tin tuyển dụng ảo thổi phồng số lượng cơ hội thực sự, những người tìm việc chắc chắn sẽ trở nên chán nản sau khi đầu tư lượng lớn thời gian vào những ngõ cụt. “Điều này gần như chắc chắn sẽ kéo dài sự tìm kiếm vì mọi người bị dao động niềm tin,” ông Hughes cho biết, đồng thời nói thêm rằng, “Các nhóm nhân sự bận rộn cũng có nguy cơ lãng phí các nguồn lực đáng giá khi phải dành thời gian sàng lọc những ứng viên không đủ tiêu chuẩn bị thu hút bởi những bài đăng không có nhu cầu thực sự.”
Giống như ông Lamarche, ông Hughes cũng có những người bạn và đồng nghiệp bị ảnh hưởng bởi các bài đăng tin tuyển dụng ma.
Ông nói, “Tôi đã an ủi nhiều đồng nghiệp bị chán nản của mình, những người đã dành hàng giờ để chỉnh sửa hồ sơ ứng tuyển và lý lịch, chỉ để rồi thấy các vị trí biến mất mà không có lời giải thích.”
Ông Greet của BeamJobs cũng có khách hàng bị ảnh hưởng bởi tin tuyển dụng giả mạo. Đặc biệt, một khách hàng đã phải đối mặt với sự im lặng đột ngột khi đang trong quá trình phỏng vấn cho vị trí điều phối viên tiếp thị.
“Anh ấy đã lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng nhưng sau đó quá trình tuyển dụng đột ngột dừng lại mà không có lời giải thích nào,” ông Greet nói với The Epoch Times. “Khi anh ấy tìm kiếm lại vài tháng sau, công việc đó vẫn được đăng trên mạng.”
Ông Greet nhớ lại sự việc khác xảy ra với một khách hàng có bằng tiến sĩ, người đã phát hiện ra nhiều tháng sau khi nộp hồ sơ ứng tuyển mà chẳng đi đến đâu, rằng công ty chưa bao giờ thực sự có ý định tuyển dụng cho vị trí đó.
Ông Greet nói, “Xét từ góc độ công ty, việc đăng tuyển những vị trí công việc không thực sự cần đến có thể gây ra nhiều vấn đề nếu việc đăng tuyển này khiến họ chìm ngập trong các hồ sơ ứng tuyển từ những người có thể không phù hợp. Điều này có thể khiến nhà tuyển dụng khó tìm được ứng viên thực sự phù hợp với nhu cầu của mình. Việc đăng tin giả cũng có nguy cơ gây tổn hại đến danh tiếng của công ty.”
Theo khảo sát của Clarify Capital năm 2023, chỉ có 39% số nhà quản lý tuyển dụng được khảo sát cho biết các vị trí việc làm mà họ đăng lên đã được lấp đầy. 27% khác cho biết họ chỉ đơn giản là quên gỡ quảng cáo của mình xuống.
Theo Indeed, thông thường, các tin tuyển dụng trực tuyến sẽ được mở trong khoảng 30 ngày. Tuy nhiên, công ty này lưu ý rằng mặc dù thông tin tuyển người vẫn đang hiện hữu, nhưng có khả năng vị trí đó đã được lấp đầy và nhà quản lý tuyển dụng vẫn chưa thay đổi bài đăng tuyển dụng.
Ông Joe Mercurio, giám đốc dự án của Clarify Capital, đã viết trong tuyên bố trực tuyến rằng để tránh mất thời gian, điều quan trọng là phải bảo đảm bài đăng tuyển đó còn rất mới. “Một công việc được đăng cách đây 48 tiếng có nhiều khả năng đang tuyển dụng hơn một công việc được đăng cách đây 3 tháng.”
Công ty tình báo lực lượng nhân sự Revelio Labs đã quan sát thấy “sự sụt giảm mạnh” về tỷ lệ nhân viên được tuyển trên số bài đăng thông tin tuyển dụng trong năm 2023. Sự tình này “đặt ra câu hỏi liệu số lượng bài đăng thông tin tuyển dụng có phải là thước đo đáng tin cậy cho tình hình của thị trường lao động hay không.”
Họ cũng quan sát thấy rằng những người tìm việc đang báo cáo “tình trạng nhà tuyển dụng đăng tin giả ngày càng tăng.”
Revelio Labs lưu ý rằng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tỷ lệ nhân viên được tuyển trên số bài đăng tuyển dụng đã vào trạng thái rơi tự do. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể là nguyên nhân gây ra vấn đề này, nhưng Revelio nêu rằng ngay cả các lĩnh vực không bị thiếu hụt, như quản lý và tài chính, cũng nằm trong chiều hướng đi xuống này.
Công ty này cũng tuyên bố rằng tình trạng ứng viên ma (ứng viên nộp hồ sơ nhưng không xuất hiện) đã tăng hơn gấp đôi trong năm năm qua.
Ông Lamarche nói, “Các công ty đăng thông tin tuyển dụng thực sự có thể mất đi các ứng viên đủ năng lực nếu bài đăng của họ bị vùi lấp giữa các bài đăng thông tin tuyển dụng giả tạo. Điều này có thể dẫn đến một quá trình tuyển dụng kéo dài hơn và chi phí tuyển dụng cao hơn.”
Quảng cáo mồi nhử
Ở miền Trung Tây, một ngày tìm kiếm việc làm đầy thất vọng nữa lại bắt đầu với ông John Marsden.
Ông Marsden, người yêu cầu ẩn danh, nói với The Epoch Times: “Hầu hết kinh nghiệm tìm việc gần đây của tôi là: nộp hồ sơ vào công việc mà quý vị thấy phù hợp và không bao giờ nhận được phản hồi. Rồi nhiều tháng sau, thông tin về vị trí tuyển dụng đó vẫn còn.”
Làm việc trong vai trò tác giả và biên tập viên kỹ thuật, một năm nay ông Marsden đã tích cực tìm kiếm việc làm mới do có sự thay đổi mạnh mẽ trong văn hóa làm việc ở công ty hiện tại. Khi được hỏi đã nộp đơn ứng tuyển bao nhiêu lần trong 12 tháng qua, ông Marsden cười. “Ồ khoảng 200. Và chỉ làm vậy ít tiếng mỗi ngày mà thôi.”
Trong những ngày đầu tìm việc, ông Marsden cho biết ông đã từng gặp nhiều trường hợp nhà quản lý tuyển dụng đột nhiên mất tăm hơi giữa quá trình phỏng vấn. “Tôi đã trải qua bốn vòng [phỏng vấn] sâu và sau đó, chỉ đơn giản là chẳng xảy ra gì thêm cả.”
Hầu hết những cố gắng liên lạc để hỏi thăm tình hình với các nhà quản lý tuyển dụng của ông Marsden đều nhận được sự im lặng, nhưng một số ít đã hồi âm. Ông cho biết những người hồi âm đã viện dẫn những lý do kỳ lạ.
Ông cho biết: “Đôi khi họ hồi âm với những câu trả lời như, ‘Anh không có kinh nghiệm về nhu liệu độc quyền này.’” Ông nói thêm: “Kiểu như, chẳng ai có kinh nghiệm với nhu liệu đó cả. Nhu liệu đó chỉ có sẵn trong công ty của các vị. Các vị đã biết điều đó khi mời tôi đến phỏng vấn. Vậy tại sao các vị lại tiếp cận tôi ngay từ đầu?”
Nhưng ông Marsden cho biết ngày nay ông đã học được phương pháp phát hiện bài đăng nào là giả một cách khá dễ dàng. Ông xem những bài đăng như vậy là “quảng cáo mồi nhử”. Những loại bài đăng mà ông cho rằng những người tìm việc nên cảnh giác bao gồm các hợp đồng công việc thời vụ tay trái quảng cáo “sáu tháng trở lên”, những bài đăng sử dụng khẩu hiệu của công ty, hoặc có mô tả công việc mơ hồ. Ông Marsden tránh xa các bài đăng tuyển dụng tập trung nhiều vào việc quảng bá doanh nghiệp hơn là giải thích về bản thân vị trí đó. “Nếu có ba hoặc bốn đoạn văn về công ty hoặc những khẩu hiệu như ‘làm việc hết sức, chơi hết mình’ (work hard, play hard) thì câu trả lời là không. Hãy tiếp tục tìm kiếm.”
Ông Hughes nhấn mạnh rằng các bài đăng ma có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần của ứng viên và khiến việc theo đuổi công việc như ý giống như một “trò chơi đặt cược vô nghĩa ít quan tâm đến mục tiêu nghề nghiệp hoặc thời gian của mọi người.”
Ông nói rằng việc gặp phải bài đăng tuyển dụng giả xảy ra trong nhiều ngành và tại những công ty ưu tiên xây dựng hình ảnh tăng trưởng hơn là đối xử công bằng với mọi người.
Ông Hughes cho biết: “Không công ty hoặc bộ phận nào có thể tránh khỏi những áp lực khiến họ phải đệm thêm các chỉ số tuyển dụng, nhưng họ làm việc này với cái giá phải trả của người tìm việc. Cần phải có một nền văn hóa minh bạch, tập trung vào sự chính trực hơn trong tất cả các ngành tuyển dụng trực tuyến.”