GDP Việt Nam tăng liên tục mà sao đời sống người dân vẫn nghèo?
Ngày 29/9, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội cho biết tổng sản phẩm trong nước GDP quý 3/2020 tăng 2.62% và 9 tháng năm 2020 tăng trưởng 2.12%. Trước thông tin này, người thì vui mừng cho đó là thành công lớn, người thì lo ngại vì nếu chỉ chú ý phát triển kinh tế thì có thể phải đánh đổi nhiều thứ; người thì băn khoăn tại sao tăng trưởng liên tục mà Việt Nam vẫn nghèo?
Đại dịch virus Trung Cộng ảnh hưởng đến toàn thế giới
Trong đại dịch virus Trung Cộng toàn cầu, GDP của toàn thế giới giảm 5%, đến như Trung Quốc là quốc gia được cho là chuyên làm giả số liệu, cũng công bố GDP quý 1/2020 là giảm 6.8% so cùng thời kỳ.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 6/2020 đã dự báo đại dịch virus Trung Cộng với tốc độ lây lan nhanh chóng, và việc đóng cửa các hoạt động kinh tế tại nhiều quốc gia đang dẫn đến một “cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có trong lịch sử”.
Nếu dịch bệnh sẽ được kiểm soát, đẩy lùi vào cuối năm 2020, WB dự báo GDP toàn cầu vẫn có thể giảm tới 5.2%, cao gấp 3 lần so với mức suy giảm do khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009.
GDP Việt Nam tăng liên tục nhưng phải đánh đổi quá nhiều
Liên tục từ 2014 đến nay, tăng trưởng GDP Việt Nam luôn trên 6%, năm 2018 tăng 7.08%, năm 2019 tăng 7.02%, nhưng vì sao Việt Nam nhiều năm qua đời sống của dân vẫn ngày càng khó khăn hơn…?
Thông điệp đưa ra từ việc quá chú trọng đến những con số tăng trưởng nói trên có thể kiến cho việc phát triển cách nghĩ chú trọng đến tiền bạc, tư tưởng “trọng tiền” ngày càng lớn, có người nghĩ kiếm được tiền là tốt, có tiền là được rồi, chỉ cần có tiền là có thể giải quyết tất cả.
Thực tế vì chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế nên đã dẫn đến những hệ lụy về kinh tế xã hội, môi trường và đạo đức, đơn cử vài ví dụ như sau:
Phát sinh nhiều tiêu cực, gây thất thoát nhiều tỷ USD
Trên báo ngày nào cũng đưa tin có lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp bị bắt do tham ô lãng phí, gây thiệt hại lớn cho đất nước; nguyên nhân chính là do kém hiểu biết về kinh doanh, do suy thoái đạo đức, do tham tiền, do tư lợi cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích chung, và cũng do cơ chế quản lý kinh tế lỏng lẻo, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước không cao.
Đã có không ít lãnh đạo các cấp, kể cả thứ trưởng, bộ trưởng, tổng giám đốc đang phải ngồi tù. Có ý kiến cho rằng có một bộ phận nhỏ lên được lãnh đạo là do con ông, cháu cha, do chạy chức chạy quyền, do mua quan bán chức, nên họ chưa được đào tạo bài bản về kinh tế thị trường. Cũng có ý kiến cho rằng có một số lãnh đạo học tập từ các nước Đông Âu là các nước không có nhiều kinh nghiệm về kinh tế thị trường nên dễ bị thất bại trong kinh doanh.
Ví dụ như các đại dự án thua lỗ gây mất vốn hàng tỷ USD gồm: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất; Dự án Nhà máy Thép Việt Trung; Dự án Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ; Dự án Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu Sinh học Dung Quất…
Phát triển tạo ra vấn nạn ô nhiễm môi trường
Ngày 21/2/2020, tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual), áp dụng cách tính AQI của Mỹ đã xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới trong tổng số 97 thành phố có quan trắc chất lượng không khí.
Theo GS. TS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ô nhiễm môi trường tác động đến sức khỏe con người có nguyên nhân chủ yếu từ các hoạt động công nghiệp. Điều không thể không nhắc đến đó là ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than.
Theo tính toán của Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) cho biết, một nhà máy nhiệt điện than (NĐT) 1,200 MW thì mỗi ngày sẽ thải ra môi trường 7.8 tấn bụi PM10, trong đó có 2.3 tấn bụi PM2.5, đây là con số khủng khiếp gây ô nhiễm cả với bầu không khí, đất đai, nguồn nước ở xung quanh các nhà máy này do nước làm mát xả ra môi trường có nhiệt độ gần 40oC.
Thực tế là các nhà máy nhiệt điện thường được bố trí ở nơi có nguồn nước vì nhu cầu nước để làm mát rất lớn khi chạy turbin; ví dụ như các nhà máy NĐT ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Thuận đều đặt sát biển. Các kim loại và hóa chất trong nước thải sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và sức khỏe của người dân sống cạnh các nguồn nước đó. Việc phá hủy hệ sinh thái dưới nước khiến ngành đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản thiệt hại nặng nề, gây ra những tác động xã hội khiến ngư dân, người nuôi trồng thủy sản bị thất nghiệp, phải chuyển sang nghề khác…
Đến như Trung Quốc cũng đã cho dừng khoảng 600 nhà máy NĐT, điều này có thể khiến các nhà máy được chuyển sang Việt Nam.
Đạo đức xã hội trượt dốc, chỉ vì tiền mà không việc gì không dám làm
Do tuyên truyền vô thần – con người không tin vào Thần Phật, không tin làm việc thiện thì hưởng phúc báo, làm việc ác thì bị quả báo – nên có người chỉ chạy theo đồng tiền, coi tiền là trên hết, chuyện xấu gì cũng dám làm. Trên báo hàng ngày đều đưa tin về lừa tiền, lừa tình, giết người cướp của, xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình, trộm cắp hoành hành, v.v.
Ví dụ ở Sài Gòn, nạn trộm cắp, cướp giật xảy ra thường xuyên; chính quyền cảnh báo để khách nước ngoài cảnh giác; người dân ra đường lo sợ bị cướp giật nếu không cẩn thận với tư trang.
So sánh với Thái Lan
Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của người Thái Lan khoảng 7,800 USD còn Việt Nam là 2.700 USD. Nếu chỉ nhìn vào con số này thì người ta nghĩ chỉ giàu gấp 3 lần, tại sao báo chí nước ngoài nói rằng Thái Lan hơn Việt Nam đến mấy chục năm?
Đúng là vậy, bởi vì Thái Lan không chỉ chú ý con số tăng trưởng GDP ấy, họ biết cân đối hài hòa giữa tỷ lệ tăng trưởng với tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp và môi trường. Đặc biệt họ chú trọng xây dựng một xã hội văn minh, có tín ngưỡng tôn giáo, chú trọng tuyên dương đạo đức nhân cách con người hơn là tuyên dương, tôn sùng đồng tiền.
Giả sử đến một lúc nào đó kinh tế Thái Lan đứng yên, thì Việt Nam cũng có thể sẽ đuổi kịp con số 7,800 USD trên đầu người của họ hôm nay. Nhưng giả sử dù có nhiều tiền hơn thì văn minh xã hội Việt Nam cũng sẽ không đuổi kịp Thái Lan; thực sự là thua về kinh tế mới chỉ là thua 1, thua về xây dựng đạo đức văn hóa xã hội là thua 10, còn thua về tri thức, tầm nhìn mới là thua tất cả.
Lịch sử đã chứng minh rằng xã hội nhân loại chỉ có thể phát triển bền vững khi có nền tảng niềm tin và đạo đức, mà muốn đề cao đạo đức thì phải có tâm pháp để ước thúc bản thân; tôn giáo tín ngưỡng có thể giúp ích. Chỉ khi xây dựng được nền tảng này, Việt Nam mới có cơ hội theo kịp các quốc gia láng giềng.