Giá bán sỉ tăng 10% trong tháng Hai, tiếp tục xu hướng cao kỷ lục
Lạm phát giá bán sỉ ở Hoa Kỳ đã tăng 10% trong tháng Hai so với một năm trước đó, phù hợp với mức cao kỷ lục của tháng Một, và là một dấu hiệu mới cho thấy áp lực lạm phát tiếp tục đe dọa nền kinh tế Hoa Kỳ.
Hôm 15/03, Bộ Lao động cho biết trong tháng Hai, chỉ số giá sản xuất (PPI) dùng để theo dõi lạm phát trước khi ảnh hướng tới người tiêu dùng đã tăng 10% hàng năm và 0.8% so với tháng trước.
Trong tháng Hai, giá xăng bán sỉ tăng 14.8% so với tháng trước, đóng góp gần 40% vào mức tăng 2.4% trong giá hàng hóa bán sỉ, một mức cao kỷ lục.
Một yếu tố khác góp phần lớn vào việc tăng giá hàng hóa bán sỉ là chỉ số nhu cầu năng lượng cuối cùng, tăng 8.2% và chiếm ⅔ mức tăng kỷ lục của giá hàng hóa.
Giá dầu diesel, nhiên liệu phi cơ, phương tiện và thiết bị có động cơ, và các sản phẩm từ sữa cũng tăng. Ngược lại, giá rau tươi và khô giảm 9.4%, trong khi giá thịt bò và thịt bê cũng giảm.
Giá bán sỉ là một chỉ báo hàng đầu của lạm phát giá tiêu dùng vì giá sản xuất có xu hướng được chuyển đến tay người dùng cuối cùng.
Lạm phát giá tiêu dùng ở Hoa Kỳ đã tăng ở mức 7.9% trong năm tính đến tháng Hai – tốc độ nhanh nhất trong 40 năm – dữ liệu do Cục Thống kê Lao động (BLS) công bố hôm 10/03 cho thấy.
Một số nhà kinh tế cho rằng lạm phát giá tiêu dùng sẽ tăng hơn do xung đột Nga–Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng, việc vận chuyển, và chi phí hàng hóa.
Cố vấn kinh tế trưởng của Allianz, ông Mohamed El-Erian, nói với đài CBS trong chương trình “Face the Nation” rằng ông tin lạm phát có thể tăng lên mức hai con số ở Hoa Kỳ trước khi đạt đỉnh điểm vào mùa hè.
Ông El-Erian nói: “Tôi ước tính rằng ở mức 7.9%, chúng ta có thể sẽ tiến rất gần hoặc trên 10% trước khi giảm xuống. Sự khác biệt đó sẽ đều là vì sự gián đoạn mà cuộc chiến của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin có tác động đến giá hàng hóa, chuỗi cung ứng và việc vận chuyển hàng.”
Căng thẳng Nga–Ukraine đã đẩy giá hàng hóa lên cao, với cảnh báo của Liên Hiệp Quốc gần đây rằng cuộc xung đột có thể đẩy giá lương thực và thực phẩm quốc tế lên 22%.
Lạm phát được dự đoán sẽ tăng đối với người tiêu dùng Mỹ, những người đã nâng cao dự đoán của họ về mức lạm phát một năm kể từ bây giờ và trong thời gian ba năm tới, theo một cuộc khảo sát được công bố hôm 14/03 của Cục Dự trữ Liên bang New York.
Người tiêu dùng Mỹ dự đoán lạm phát 6.0% một năm kể từ bây giờ và 3.8% trong ba năm tới, và họ dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn đáng kể cho thực phẩm, khí đốt và tiền thuê nhà trong 12 tháng tới.
Dự kiến tăng trưởng chi tiêu trong một năm tới đã tăng 0.9% lên 6.4%, mức cao nhất trong lịch sử của chuỗi dữ liệu này.
Các chỉ số về lạm phát – cả hiện tại và dự đoán – cùng với những tác động kinh tế của cuộc xung đột Nga–Ukraine chắc chắn sẽ đè nặng lên tâm trí các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang khi họ gặp nhau hôm 15/03 trong một phiên họp hai ngày mà thị trường ước đoán sẽ đưa ra đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2019 .
Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate, ông Greg McBride, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua thư điện tử: “Tất cả các dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất một phần tư điểm khi cuộc họp của họ kết thúc vào thứ Tư (16/03).”
Ông nói thêm rằng, “Các câu hỏi đang xoay quanh việc sắp tới sẽ có bao nhiêu lần tăng nữa và tốc độ ra sao. Cuộc chiến ở Đông Âu cho Fed lý do để hành động thận trọng hơn, nhưng họ vẫn sẽ làm việc để khắc phục tình trạng lạm phát đã cao nhất trong 40 năm qua.”
Việc Fed thắt chặt các điều kiện tiền tệ sẽ có tác dụng hạ nhiệt nhu cầu và do đó cả lạm phát, nhưng việc tăng lãi suất sẽ không có tác dụng giải quyết các tắc nghẽn từ phía nguồn cung ứng hoặc các yếu tố như lệnh cấm nhập cảng đối với năng lượng của Nga.