Giá than nhập cảng tăng dẫn đến khủng hoảng điện năng ở Ấn Độ
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có về điện do thiếu hụt than, làm gián đoạn sản xuất tại các nhà máy nhiệt điện của nước này.
Các nhà máy nhiệt điện chạy than của Ấn Độ chiếm gần 54% công suất phát điện của cả nước.
Sự gián đoạn này đã khiến một số tiểu bang phải cắt điện hàng ngày. Những nơi khác đang chuẩn bị thông báo việc cắt điện tương tự.
Trong số 135 nhà máy điện phụ thuộc vào than để sản xuất điện của Ấn Độ, hơn 60% được báo cáo là đang ở trong một hình thức khủng hoảng nào đó.
Theo các báo cáo của truyền thông, một số nhà máy điện này hiện có trữ lượng than tồn kho cho bốn ngày, thiếu hụt nhiều so với mức khuyến nghị của liên bang ít nhất là hai tuần.
Hôm 10/10, Bộ trưởng Bộ Điện và Năng lượng Mới và Tái tạo Ấn Độ RK Singh đã xem xét tình hình dự trữ than trong tất cả các nhà máy nhiệt điện.
Một tuyên bố của chính phủ hôm 09/10 cho biết tổng lượng than từ tất cả các nguồn đạt 1.92 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ là 1.87 triệu tấn, cho thấy lượng dự trữ than đang tăng dần.
Tuyên bố viết, “Bộ Than Ấn Độ đã bảo đảm rằng có rất nhiều than sẵn có trong nước để cung ứng theo nhu cầu của các nhà máy điện.”
“Bất kỳ lo sợ nào về sự gián đoạn trong việc cung cấp điện hoàn toàn là không đúng. Nguồn than dự trữ tại nhà máy điện đủ cho yêu cầu trong hơn 4 ngày và do nguồn cung cấp than đang được Công ty Coal India tăng lên, nên nguồn than dự trữ tại nhà máy điện sẽ dần được cải thiện.”
Tuy nhiên, tình hình trên thực tế có vẻ khác, vì đã có báo cáo về việc cắt điện ở một số thành phố và khu công nghiệp. Gần đây, ông Singh ám chỉ rằng nguồn cung than có thể vẫn “không ở mức phù hợp” trong vài tháng nữa.
Các nhà kinh tế cho biết, nguyên nhân chính đằng sau tình trạng thiếu than là do mưa lớn trong tháng Tám và tháng Chín, nhu cầu điện tăng do kinh tế phục hồi sau làn sóng virus Trung Cộng lần thứ hai, và giá than nhập cảng tăng.
Virus Trung Cộng là mầm bệnh gây ra COVID-19.
Như đã nêu trong một báo cáo của Thời báo Kinh tế, mức tiêu thụ điện của Ấn Độ đã tăng 3.35% trong nửa đầu tháng Mười lên 57.22 tỷ đơn vị (BU). Trong cùng thời kỳ năm ngoái, mức tiêu thụ điện năng ở mức 55.36 BU, cao hơn mức 49.66 BU của cùng thời kỳ một năm nữa trước đó.
Mặc dù có trữ lượng than lớn thứ tư trên thế giới, nhưng Ấn Độ lại là nước nhập cảng than lớn thứ hai. Trung bình, quốc gia này nhập cảng 20% nhu cầu than, và giá quốc tế tăng mạnh đã khiến nhập cảng giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện.
Theo hãng thông tấn Ấn Độ ANI, Bộ trưởng than Pralhad Joshi cho biết: “Do mưa, than bị thiếu, khiến giá quốc tế tăng – từ 80 cent lên 2.40 USD/tấn. Hệ quả là, các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập cảng phải đóng cửa từ 15 đến 20 ngày hoặc sản xuất rất ít. Nguyên nhân này gây áp lực lên than trong nước.”
Cuộc khủng hoảng này tạo cơ hội cho Ấn Độ tiến hành các cải tổ nhanh chóng, bao gồm các biện pháp cải thiện tình hình tài chính của các công ty phân phối điện và thúc đẩy năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, và nhiên liệu sinh học.
Ông Anil Swarup, một công chức đã nghỉ hưu và là cựu thư ký chính phủ, nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ cấu trúc trong một bài báo trên tờ The Print, viết rằng: “Nguồn cung cấp than là một vấn đề. Vấn đề này đã được giải quyết từ năm 2014 đến năm 2016. Vấn đề ấy sẽ được giải quyết một lần nữa. Nhưng vấn đề thực sự ở đây là trong ngành điện. Mức độ nghiêm trọng của tình hình cần được nhận ra ngay bây giờ và đưa ra các biện pháp khắc phục và theo đuổi chúng.”
“Nếu nhìn vào lĩnh vực điện lực sẽ thấy rằng các công ty phân phối điện… đang ở trong tình trạng rất tồi tệ. Các tài sản không hoạt động hiệu quả tại các công ty phát điện đang tăng lên.”