Giá thực phẩm chạm mức cao nhất trong một thập kỷ
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá lương thực trên toàn thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ do điều kiện nguồn cung cấp thắt chặt cùng với nhu cầu mạnh mẽ.
Chỉ số giá lương thực của FAO, đo lường giá thực phẩm thế giới, đã tăng 32.8% trong 12 tháng tính đến tháng Chín, đạt 130 điểm, mức chưa từng thấy kể từ năm 2011. Tính mức tăng hàng tháng, chỉ số này tăng 1.2%.
Phần lớn sự gia tăng của chỉ số này là do giá của hầu hết các loại ngũ cốc và dầu thực vật tăng cao hơn.
Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã tăng 60% trong tháng Chín so với một năm trước đó và cao hơn 1.7% so với tháng Tám. Thước đo giá ngũ cốc đã tăng 27.3% so với năm ngoái và 2% so với tháng Tám.
Giá sữa và đường cũng tăng trong tháng Chín lần lượt là 15.2% và 53.5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chỉ số giá thịt tăng 26.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trong khi phần lớn câu chuyện lạm phát tập trung vào chi phí năng lượng tăng cao và các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn như xe hơi đã qua sử dụng, thì tín hiệu chi phí thực phẩm tăng đang ngày càng báo động đỏ.
Khi nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi, các công ty thực phẩm đóng gói đang phải vật lộn với lạm phát, Conagra Brands Inc. cho biết hôm 07/10 rằng họ sẽ tăng giá một lần nữa đối với các món ăn và thức ăn nhẹ đông lạnh.
Conagra cho biết họ đang phải đối mặt với chi phí tăng của các thành phần như dầu ăn, protein, và ngũ cốc; do đó họ buộc phải tăng giá hàng đông lạnh lên 3.5% và các món ăn chính lên 3.3%.
Các nhà sản xuất thực phẩm General Mills, Campbell Soup, và JM Smucker cũng đã tăng giá bán sỉ để bù đắp cho chi phí vận chuyển và nguyên liệu tăng.
Giá thịt heo và thịt bò đã tăng trong vài tháng qua; trong khi báo cáo lạm phát tháng Tám của Bộ Lao động cho thấy thịt, gia cầm, cá, và trứng đã tăng 8% trong năm qua và 15.7% so với giá của tháng 08/2019, lúc trước đại dịch. Giá thịt bò tăng 12.2% trong năm qua, và thịt xông khói tăng 17% trong cùng thời kỳ.
Các chuyên gia cho rằng chi phí năng lượng ngày càng tăng trên toàn thế giới có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.
Ông Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cao cấp của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, “Sự kết hợp của những yếu tố này đang bắt đầu trở nên rất đáng lo ngại. Đây không chỉ là những con số giá cả thực phẩm riêng lẻ, mà giá tất cả đều cùng tăng. Tôi không nghĩ có ai cách đây hai hoặc ba tháng lại dự đoán giá năng lượng sẽ tăng mạnh như vậy.”
Lạm phát giá lương thực cũng đang làm tăng kỳ vọng của người tiêu dùng về việc tăng giá trong tương lai.
Cuộc khảo sát tháng Tám của Fed tại New York về kỳ vọng của người tiêu dùng cho thấy người Mỹ dự đoán giá thực phẩm sẽ tăng 7.9% trong một năm, cao hơn kỳ vọng lạm phát chung là 5.2%.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang đã nhiều lần mô tả đợt lạm phát hiện tại là “nhất thời” mặc dù họ ngày càng bày tỏ lo ngại về nguy cơ kỳ vọng lạm phát vượt kiểm soát – đó là lý do niềm tin vào câu chuyện “nhất thời” giảm xuống. Mọi người bắt đầu tin tưởng và hành xử như thể lạm phát sẽ dai dẳng hơn nhiều so với những gì được tin tưởng trước đây; điều này gây tác động đến tiền lương và thiết lập giá cả, và thậm chí có khả năng châm ngòi cho kiểu “vòng xoáy giá cả-tiền lương”, thứ đã làm trầm trọng kinh tế những năm 1970.
Emel Akan và Reuters đã đóng góp vào báo cáo này