Giả thuyết về cuộc đảo chính ông Tập Cận Bình của quân đội Trung Quốc
Gregory Copley
Tính đến cuối tháng Bảy, có thể, thậm chí là rất có thể, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Cộng đã tiến rất xa theo con đường can thiệp, nếu cần thiết, vào ban lãnh đạo Trung Quốc.
Đó có thể là cuộc đảo chính kín đáo chủ định như hoạt động tạo sự bình ổn, cuộc đảo chính nhằm duy trì Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình làm một kẻ bù nhìn, và cuộc đảo chính mà rốt cuộc có thể chia Trung Quốc thành các phe phái theo khu vực.
Cuộc đảo chính có thể là sự can thiệp – kín đáo hoặc công khai – bề ngoài như thể là để cứu vãn Trung Quốc khỏi sự sụp đổ.
Cuộc đảo chính có thể phát triển thành hành động nhằm “cứu Trung Quốc” thay vì cứu công cụ của Trung Cộng, chính là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, (vốn dĩ là một tổ chức địa chính trị lịch sử khác biệt với nước Trung Quốc). Hiện tại, có thể có triển vọng là thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Hoa lục sẽ là chính quyền quân sự, có hoặc không có “vỏ bọc” bề ngoài là sự nối tiếp của Trung Cộng.
Cuộc đảo chính có thể có nhiều dạng thức. Mặc dù vậy, điều duy nhất rõ ràng về cuộc đảo chính là động lực ngày càng nhen nhóm trong PLA và các phần tử đối lập trong nội bộ Trung Cộng – phần lớn là xung quanh phe của Giang Trạch Dân – để ngăn chặn ông Tập trước khi ông ta có thể làm sụp đổ chính quyền bấp bênh của Trung Cộng. Và thực tế căn bản hiển nhiên rằng cuộc đảo chính có thể xảy ra (dưới một hình thức nào đó) có nghĩa là bản thân ông Tập gần như chắc chắn sẽ ra tay hành động trước để duy trì quyền lực, giống như ông ấy đã từng làm bằng cách loại bỏ hết đối thủ này đến đối thủ khác trong thập niên trước.
Thật vậy, những hành động phủ đầu đó đã và đang được ông Tập tiến hành. Việc sa thải hai chỉ huy cao cấp của Lực lượng Hỏa tiễn chiến lược hồi tháng Sáu vừa qua là một ví dụ. Hơn nữa, hôm 30/11/2022, cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân qua đời. Điều đó có nghĩa là giờ đây “bè phái của Giang Trạch Dân” có thể còn vô định hơn cả khi ông Giang còn sống. Ông Giang vốn là một biểu tượng của sự chối bỏ “tư tưởng Tập Cận Bình”.
Các chế độ độc tài, hoặc các chế độ chuyên quyền có cơ sở hẹp hòi, đẩy các bè phái công khai phải hoạt động ngầm nhưng lại không loại bỏ các phe phái này.
Các đối thủ của ông Tập trong Đảng đang bị thúc đẩy [phải hành động], và sự chia rẽ trong nội bộ PLA ngày càng trở nên rõ ràng hơn vào giữa năm 2023. Dường như trong phe ông Tập đang xuất hiện dấu hiệu rõ ràng về sự nghi kỵ lẫn nhau, hoặc ít nhất là cuộc chiến bè phái, bằng chứng là việc Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương bị cách chức vội vã vào hôm 25/07 vừa qua. Ông Tần mới được bổ nhiệm hồi tháng 12/2022 và trở thành ủy viên Quốc vụ vào tháng 03/2023. Đáng chú ý là trong bối cảnh phức tạp như vậy, ông Tần vẫn giữ chức vụ ủy viên Quốc vụ cao cấp hơn.
Trong khi đó, cuối tháng Bảy vừa qua, hoàn cảnh đã nhanh chóng áp đặt lên tay ông Tập sự lựa chọn cho cuộc chiến tranh nội bộ hoặc quốc tế liên quan đến Trung Quốc, mặc dù hoàn cảnh này do chính ông ta tạo ra. Mỗi ngày, lớp mặt nạ vốn khắc họa ông Tập như một người quyền lực không ai sánh bằng tại Trung Quốc lại bong dần ra.
Mỗi ngày, câu chuyện thần kỳ – rằng nền kinh tế Trung Quốc do ông Tập thống trị vẫn đầy sức sống, và rằng Trung Quốc là “nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới” – dần bị tan vỡ. Có thể nền kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ thực sự đạt đến vị trí đó, ngay cả khi sử dụng phương pháp tính toán “đáng ngờ” về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để xác định tính năng động của nền kinh tế.
Dù sao đi nữa, với việc vị hoàng đế này mỗi ngày đều được mô tả là [vị hoàng đế] không mặc quần áo, thì ông Tập cần phải có một “cuộc chiến nghi binh” để có thể duy trì quyền lực. Thật vậy, chỉ có việc tăng cường kiểm soát dân chúng trong nước hoặc chuyển hướng sự chú ý của dân chúng trên quy mô lớn (và có lẽ là không thể) thì mới giúp ông ta duy trì được quyền lực.
Theo học thuyết “chiến tranh toàn diện mới”, hiện tại ông Tập đã sử dụng bộ tam đầu chế gồm ba cơ quan tiền tuyến đối phó với người dân Trung Quốc: ban tuyên truyền, cục thống kê, và cục quản lý không gian mạng.
Với hành động phối hợp của ba bộ phận này, người dân Trung Quốc đang bị kiểm soát giữa những thông điệp được gửi đi từ Trung Cộng và hiện thực mà người dân Trung Quốc có thể chứng kiến tận mắt cũng như cảm nhận bằng chính cơ thể mình. Sự khác biệt này được Bắc Kinh mô tả như là sự chênh lệch giữa “dữ liệu vĩ mô” (vốn là sự hư cấu) và “nhận thức vi mô”.
Quan điểm của ngày nay thật khác xa so với chỉ một thập niên trước khi mà bầu không khí tự mãn và hài lòng trên toàn cầu đã thuyết phục đại đa số dân chúng rằng sự tăng trưởng [liên tục và nhanh chóng] của kinh tế và công nghệ trong quỹ đạo tuyến tính ngắn hạn là không thể lay chuyển. Và rằng kinh tế và chiến lược của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng, và rằng tất cả các nền kinh tế [trên thế giới] đều gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.
Ngày nay, người ta hồi hộp chờ đợi phát súng đầu tiên phá vỡ hòa bình, một phát súng được chờ đợi trên toàn thế giới, do sự hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu. Ngày nay, sự lạc quan đó ở đâu?
Phát súng đầu tiên đó đã được khai hỏa, nhưng đó là phát súng của một loại hình chiến tranh khác – một “cuộc chiến toàn diện mới” – mà cho đến khi kết thúc, lại không phải là cuộc chiến tranh động lực (kinetic). Nhưng, như mọi khi, sự kiện mở màn sẽ quyết định kết quả. Và, thông thường, việc sử dụng chiến tranh động lực – tức xung đột quân sự chính thức – chỉ được thực hiện bởi bên bất lợi khi mà kết quả chiến lược đã được xác định phần lớn.
Đối với một số người, “cuộc chiến sắp tới” được cho là đã bắt đầu giữa phương Tây với Nga, diễn ra thông qua Ukraine, nhưng đây chỉ là một màn trình diễn phụ – mà màn trình diễn này rất có giá trị đối với Trung Quốc. Màn trình diễn này đánh lạc hướng các quốc gia Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, khỏi việc khai triển các khí tài quân sự đến khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và chi nhiều ngân sách quốc phòng hơn cho việc tăng cường khả năng kiềm chế Trung Quốc. Một số nghi vấn được đặt ra là liệu có sự trù định hay sự khuyến khích nào từ phía Bắc Kinh để cuộc chiến giữa Ukraine–Nga nổ ra và tiếp tục hay không.
Vậy thì đâu là tiền đề cho niềm tin rằng PLA đang xem xét can thiệp vào chính quyền để bảo vệ Trung Cộng, hoặc chính Trung Quốc, hay họ chỉ muốn bảo vệ các lựa chọn của chính họ?
- PLA đã rõ ràng nhận ra một thực tế rằng việc ông Tập khăng khăng tiến hành cuộc chiến giành quyền kiểm soát Đài Loan và chấm dứt sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc (ROC) chứa đầy mối nguy hiểm hiện hữu cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và đất nước Trung Quốc.
Rõ ràng là trước thời điểm giữa năm 2023, cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ tự động đưa Nhật Bản vào cuộc xung đột với Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản đã nói rõ điều đó. Cũng gần như chắc chắn rằng một cuộc chiến của chế độ Trung Quốc với Trung Hoa Dân Quốc sẽ khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương ở sườn phía tây nam của mình, trên Cao nguyên Tây Tạng, trước cuộc tấn công của Ấn Độ. Cuộc tấn công sẽ kéo theo việc Ấn Độ di chuyển về phía tây qua khu vực Azad Kashmir do Pakistan kiểm soát, để cắt đứt cầu nối trên đất liền của Trung Quốc tới Ấn Độ Dương qua dãy núi Karakoram và xuống cảng Gwadar của người Baluch ở Pakistan trên Biển Ả Rập.
Đến lúc đó, Việt Nam và Nam Hàn cũng sẽ tham chiến chống lại Trung Quốc, và có lẽ, cả Úc và Philippine. PLA đã tiếp tục mở rộng nhận thức của mình về những xác suất này và đã cố gắng chuẩn bị cho một ma trận các mối đe dọa không thể kiểm soát được trên tất cả các mặt trận.
Sẽ càng tai hại hơn nếu PLA không thống nhất trong các chiến dịch của mình, và có bằng chứng cho thấy, đến giữa năm 2023, sự mất đoàn kết này đang trở nên rõ ràng, hoặc ít nhất là với tất cả lương tâm, PLA không thể cho phép ông Tập tiến hành các cuộc đại chiến chỉ để cứu lấy vị trí lãnh đạo của ông ta.
- PLA nhận ra rằng lực lượng đông đảo và đa dạng của họ không hoàn toàn, hoặc mù quáng, trung thành với ông Tập, và do đó, họ là một lực lượng bị chia rẽ. Một số [thành viên trong PLA] bất trung với ông Tập là vì những phần tử này vẫn còn trung thành với các thành viên khác của Trung Cộng, đặc biệt là phe Giang Trạch Dân.
Một số thành phần của PLA chắc chắn là rất cuồng tín, giống hệt như nhiều thành phần trẻ tuổi của Lực lượng Vũ trang Đế quốc Nhật Bản đã tôn sùng huyền thoại (chứ không phải là thực tế) về vị Nhật Hoàng vào giai đoạn cuối của Đệ nhị Thế chiến. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, các chuyên gia thực tế hơn của Lực lượng Vũ trang Đế quốc Nhật Bản đã lo ngại về những kẻ cuồng tín “chết vinh còn hơn sống nhục” này nhiều hơn là lo lắng về việc đầu hàng phe Đồng minh.
- Nhiều người trong PLA nhận ra rằng lực lượng của họ phần lớn chưa trải qua thử thách, và việc bắt đầu một cuộc đại chiến thông qua con đường tấn công vào Đài Loan không phải là một cách lý tưởng để giúp họ hiểu rõ được những điểm yếu trong cấu trúc, học thuyết, công nghệ cũng như sự chỉ huy và kiểm soát trong PLA. Trừ phi xảy ra cuộc chiến ngắn khác với Việt Nam (sau một loạt các cuộc xâm lược của Trung Quốc cộng sản vào năm 1979, tiếp theo là một loạt các cuộc giao tranh trên bộ và trên biển), dựa trên các cuộc đụng độ nổi tiếng không thành công của Quân đội Trung Quốc với Việt Nam trong quá khứ.
Hơn nữa, thiết bị của PLA phần lớn đang trong tình trạng hoạt động và bảo trì đáng ngờ. Các nhóm hàng không mẫu hạm tác chiến của PLA (có thể tăng lên thành ba nhóm trong năm tới hoặc tương lai xa hơn nữa) là khá lý tưởng để khai triển sức mạnh nhưng không phải để chiến đấu liên tục chống lại đối thủ ngang tầm hoặc gần ngang tầm (thậm chí cả Đài Loan), và chỉ có thể được bảo dưỡng ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh thuộc phía bắc Trung Quốc, nơi các chiến hạm khó tiếp cận khi bị đe dọa.
Nhà máy đóng tàu Đại Liên sẽ là mục tiêu chính hàng đầu của các lực lượng quân đội Đài Loan, Nhật Bản, và Hoa Kỳ trong thời kỳ xung đột động lực. Hạm đội tàu ngầm của Hải quân PLA cũng thua kém đáng kể so với Hoa Kỳ, đặc biệt là các hạm đội kết hợp của Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, và Úc.
- PLA có thể chấp thuận (dường như hiện tại họ đang làm như vậy) việc chính quyền ông Tập tăng cường sử dụng các hoạt động chiến lược nâng cao trên không gian mạng nhắm vào người dân trong nước và quốc tế, sử dụng các cách tiếp cận khác nhau cho từng đối tượng mục tiêu.
Thật vậy, PLA có thể ủng hộ các hoạt động trên không gian mạng được trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển. Những hoạt động này chủ định là nhằm làm suy giảm chất lượng cơ sở hạ tầng của đối thủ một cách có chiến lược, để các thế lực ngoại bang không đủ khả năng đáp trả, hoặc gây áp lực lên Trung Quốc.
Ở cấp độ công khai, các hoạt động của Trung Quốc vẫn tiếp tục “như bình thường”, cũng giống như hoạt động của các quốc gia và nền kinh tế có bang giao với nước này. Ví dụ, Hải quân PLA vẫn tiếp tục các kế hoạch phát triển các tuyến vận tải biển và cơ sở tiếp liệu sát với các quốc gia lân cận, và vào Nam Thái Bình Dương cũng như Đông Nam Á. Việc phát triển cơ sở vật chất của Hải quân PLA đang diễn ra tại [căn cứ hải quân] Ream ở Cambodia – nơi có khả năng được nâng cấp để tiếp nhận hàng không mẫu hạm – có thể không bao giờ chứng kiến đợt khai triển hàng không mẫu hạm có ý nghĩa nào từ Hải quân Trung Quốc. Và ngay cả khi hàng không mẫu hạm ghé thăm căn cứ này, liệu nơi này có thể cung cấp đầy đủ khả năng trợ giúp và sửa chữa cho lực lượng đặc nhiệm của hàng không mẫu hạm hay không?
Do đó, những áp lực mà ông Tập phải đối mặt vẫn chưa được giải quyết. Nếu ông ấy tấn công Đài Loan, giả sử rằng ông ta có thể thuyết phục được PLA thực hiện việc đó, thì ông ấy gần như chắc chắn sẽ muốn làm như vậy trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, bởi vì hầu hết những người kế nhiệm tiềm năng của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 sẽ phản ứng mạnh mẽ trước khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan; có lẽ mạnh mẽ hơn cả Tòa Bạch Ốc của ông Biden.
Tổng bí thư Tập cũng đã đánh cược rất nhiều vào việc phản đối chính phủ Đài Loan hiện tại khi chính phủ này cũng đang chuẩn bị đón các cuộc bầu cử vào ngày 13/01/2024. Nhưng liệu hạn chót của cuộc bầu cử của Trung Hoa Dân Quốc có phải là động lực cho ông Tập hay không? Có thể là không, vì có một quan niệm sai lầm phổ biến ở Bắc Kinh rằng việc thay thế Tổng thống Thái Anh Văn (Đảng Dân Chủ Tiến Bộ) bằng một tổng thống Quốc Dân Đảng có thể đem lại cho ông Tập một cái cớ che đậy để không cần xâm lược Đài Loan.
Tương lai trước mắt chứa đầy những điều không chắc chắn và những quyết định dựa trên cảm xúc ở tất cả các cấp của xã hội và chính quyền Trung Quốc. Nhưng không có lựa chọn nào là lý tưởng dành cho ông Tập, người dân Trung Quốc, hay nền kinh tế toàn cầu.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Gregory Copley là chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. Sinh ra ở Úc, ông Copley là một Thành viên trong Order of Australia, là doanh nhân, tác giả, cố vấn chính phủ, và biên tập viên xuất bản phẩm quốc phòng. Quyển sách mới nhất của ông là “The New Total War of the 21st Century and The Trigger of the Fear Pandemic” (Cuộc Chiến Toàn Diện Mới của Thế Kỷ 21 và Sự Kích Hoạt Đại Dịch Sợ Hãi).