Gia tướng đức Trần Hưng Đạo
Yết-Kiêu và dã-Tượng
Yết-Kiêu tự là Hữu-Thế, người xã Hạ-bì, tỉnh Hải Dương.
Một ngày, trên bãi cát ở bờ bể, hai con trâu húc nhau rất hăng hái, không ai dám vào gỡ ra. Vốn có sức khỏe, lại có dũng-cảm, Yết-Kiêu lấy gậy xông vào, đánh tan hai con trâu; trâu chạy xuống bể, Yết-Kiêu lại có tài bơi lội, vùng vẫy suốt ngày dưới nước như đi trên cạn, bèn nhẩy xuống bể, kéo được hai con trâu lên bờ.
Niên hiệu Thiệu-bảo (1283), quân Nguyên sang sâm lấn nước ta. Triều đình yết bảng kén nhân tài ra bình giặc. Yết-Kiêu vui lòng ra ứng mộ. Vua cấp cho giáp-binh, ông không nhận, chỉ xin ban cho một chiếc dùi sắt để lội xuống nước, đục đáy thuyền giặc. Vua cũng cho được như ý.
Yết-Kiêu ngày ngày xuống nước, chờ thuyền giặc qua lại, lấy dùi khoan thủng đáy thuyền, khiến thuyền giặc chìm đắm mất nhiều.
Tướng nhà Nguyên là Ô-mã-Nhi lấy kính thuỷ-tinh, soi xuống nước thấy người dùi thuyền, bèn truyền chăng lưới bắt. Yết-Kiêu, trong lúc vô tình, bị mắc lưới. Quân Nguyên giải nộp Ô-mã-Nhi. Mã-Nhi hỏi: “nước Nam, người có tài như ngươi phỏng được bao nhiêu?”
Yết-Kiêu đáp: “Nước ta không thiếu người thiện-thuỷ. Giỏi hơn ta đã lắm, mà tài như ta cũng nhiều. Nếu ngươi tha cho ta, ta sẽ dẫn đi truy nã được hết.”
Ô-mã-Nhi nghe nhời, cho Yết-Kiêu xuống thuyền con chở đi.
Yết-Kiêu thừa cơ, nhẩy xuống nước lẩn trốn. Lái thuyền về báo, Ô-mã-Nhi tức giận nói rằng: “Nước Nam còn có nhiều nhân tài, không sao ở lâu được !”
Hưng-đạo-Vương dùng Yết-Kiêu làm gia-thần, đãi rất hậu, kịp lúc giặc Nguyên kéo đến, Yết-Kiêu giữ chiến thuyền ở Bãi-tân.
dã-Tượng theo Hưng-đạo-Vương ra trận.
Quân ta đánh nhau với giặc Nguyên ở núi Kỳ-cấp hai ba trận không phân thắng bại. Nhưng sau vì ải Khả-ly và ải Lộc-châu thất thủ, quân Nam phải rút về ải Chi-lăng. Thoát-Hoan dẫn đại-binh đến đánh Chi-lăng. Hưng-đạo-Vương thấy quan quân thất lợi, chu-sư đều tan vỡ, bèn muốn do đường núi rút lui.
dã-Tượng trình rằng : “Yết-Kiêu chưa thấy Đại-vương, tất chưa nhổ thuyền đi nơi khác. Xin Đại-vương chạy ra bến Bãi-tân xuống thuyền về Vạn-Kiếp !”
Hưng-đạo-Vương ra tới Bãi-tân quả nhiên Yết-Kiêu vẫn giữ chiến-thuyền được nguyên vẹn.
Hưng-đạo-Vương vui mừng, nói rằng : “Chim hồng-hộc bay cao, phải nhờ đến sáu cái lông cánh; nếu không có sáu cái lông cánh, thì chim hồng hộc cũng không hơn gì chim thường”.
Nói xong, ngài xuống thuyền, truyền lệnh dương buồn chạy.
Quân Nguyên đuổi theo không kịp.
Hưng-đạo-Vương về tới Vạn-kiếp, các tướng thu nhặt tàn-quân dần dần cũng kéo về đấy cả.
Đại-vương chia quân giữ mặt Bắc-giang, sai dã-Tượng đem chiến-thuyền đến Lục-đầu, qua Vĩnh-lại, liên-lạc với Nông-kỳ-Công, đóng trăm vạn thuyền ở Bộc-giang để làm thanh-viện, cùng nhau chia đường đến đánh.
Đại-vương sai Nguyễn-tha-Lư giữ Thảo-nham; dã-Tượng và Yết-Kiêu giữ Thuỷ-nham. Họ cùng nhau giết trâu, nấu rượu, ăn uống vui vẻ, để đợi tin báo tiếp.
Đến khi giặc Nguyên tan-vỡ, giang-sơn lại được như cũ, vua Trần mới định công, ban thưởng.
Yết-Kiêu, dã-Tượng có nhiều công bình giặc Nguyên đều được phong tước và liệt vào miếu công-thần.
Công trạng được ghi chép trong sách “Trung-hưng thực-lục”, lại được hoạ tượng treo ở gác “Công-thần”.
Phạm-ngũ-Lão (1255 – 1321)
Phạm-ngũ-Lão, người làng Phù-ủng, phủ Ân-thi, Hưng-Yên, sinh năm Ất-Mão niên hiệu Nguyên-phong thứ 5 (1255), đời vua Thái-tôn nhà Trần.
Gia thế nghiệp nông, Ngũ-Lão dung mạo khôi ngô, tư trời thông sáng, và lại tài khí khác thường, kinh thánh, truyện hiền, binh thư, võ lược, ông gồm thông cả.
Tính vốn khảng khái, làng có một người là Bùi-công-Tiến đỗ Tiến-sĩ, ăn mừng, cả làng kéo đến mừng rỡ, riêng Ngũ-Lão không thèm lại. Bấy giờ ông hai mươi tuổi.
Bà mẹ Ngũ-Lão bảo rằng: “Con làm thế nào cho bằng người ta thì làm ! Nay người ta ăn mừng cả làng mừng rỡ, sao con không đến mừng một chút ?”
Ngũ lão thưa rằng: “Thưa mẹ, con chưa làm nên sự – nghiệp gì để vui lòng mẹ, mà con đi mừng người tài thì con lấy làm nhục lắm !”
Nhà ở bên cạnh đường cái. Một ngày, Phạm-ngũ-Lão khoanh chân, ngồi vệ đường, vót tre đan sọt, chợt có Trần-hưng-Đạo Đại-vương từ đồn Vạn-kiếp chạy vào kinh (Hà-nội), quan quân kéo đi rất đông. Quân tiền-đạo thấy Ngũ-Lão ngồi xếp bằng tròn bên cạnh đường, thét bảo đứng dậy. Ngũ-Lão cứ ngồi nghiễm nhiên, như không nghe tiếng. Quân lính cầm ngọn giáo đâm vào đùi Ngũ-Lão. Ông vẫn cứ ngồi vững không động mình.
Xe Hưng-đạo vương liền tới. Trông thấy thế, ngài lấy làm lạ, dừng lại cho hỏi. Bấy giờ Ngũ-Lão mới biết là có quan quân đi qua và quân lính đâm vào đùi mình.
Hưng-đạo-Vương hỏi đến sự học-hành. Ngũ-Lão ứng đối như nước chẩy. Ngài biết là tay văn-võ toàn tài sai nhổ mũi giáo, dịt thuốc dấu, cho ngồi xe đưau về kinh, tiến cử lên cho vua coi quân Cấm-vệ.
Các vệ-sĩ không phục, xin cùng Ngũ-Lão đấu võ nghệ, Ngũ-Lão nhận nhời, xin vua cho về nhà ba tháng, để thu xếp việc nhà, rồi sẽ xin đấu sức và nhận chức.
Ngũ-Lão về nhà, ra ngoài đồng, tìm chỗ gò cao tập nhẩy. Hết hạn, lại vào kinh, họp cả quân Cấm-vệ để cùng đấu võ. Các vệ-sĩ xúm chung quanh kể hàng nghìn người. Ngũ-Lão tay đấm, chân đá, nhẩy nhót như bay. Nghìn người không địch nổi, nên đều chịu phục cả.
Một ngày, Hưng-đạo-Vương mở trường diễn võ để thi tài các gia-tướng, treo giải một tấm lụa. Duy chỉ có Ngũ-Lão bắn ba phát tên đều trúng hồng-tâm nên được lĩnh giải. Yết-Kiêu không phục, xin cùng đấu kích, nhưng cũng bị thua Ngũ-Lão.
Hưng-đạo-Vương cho Ngũ-Lão là đầu hàng các gia-tướng và gả dưỡng nữ cho làm vợ.
Ngũ-Lão xuất thân làm tướng, trị quân có kỷ-luật, đãi tướng-hiệu như người nhà, ở với sĩ-tốt cùng chịu cam-khổ, cho nên vẫn gọi là “phụ tử chi-binh”, đánh đâu được đấy.
Năm Giáp-thân (1248), đời vua Nhân-tôn, thái-tử nhà Nguyên là Thoát-Hoan cùng đại tướng là Ô-mã-Nhi kéo 50 vạn quân sang lấn nước ta, một mặt thì tướng Toa-Đô sang đánh Chiêm-Thành, hai đường hợp một, tấn công cùng một lúc.
Triều-đình sai Trần-quang-Khải cùng Phạm-ngũ-Lão hãn ngữ mặt trong. Khi quân Toa-Đô tới Nghệ An, Quang-Khải và Ngũ-Lão đem quân chống cự, quân giặc bị thua.
Lúc ấy vua Nhân-tôn đóng ở Thanh Hoá, lại sai Ngũ-Lão cùng Quang-Khải đem quân tự Thanh-hoá đi thuyền vòng đường bể ra bến Chương dương đánh giặc. Quan quân đánh hăng quá; quân Nguyên địch không nổi, phải bỏ chạy. Toa-Đô bị Trần-nhật-Duật chém chết ở Tây-kết. Ô-mã-Nhi phải bỏ thành Thăng-long, chạy trốn. Ngũ-Lão cùng Quang-Khải tiến quân, thu phục được thành Thăng long.
Đến năm Đinh hợi (1287), Thoát-Hoan lại đem quân sang lấn. Hưng-đạo vương sai Ngũ-Lão cùng chư tướng hãn ngữ các quan ải. Quân Ngũ-Lão đóng ở đất Nội-bằng, đánh đuổi và chém được tướng A – bát – Xích ở trận tiền. Thoát-Hoan trốn về Tàu.
Vua Nhân-Tôn định công đánh được giặc Tàu, gia phong Ngũ-Lão coi-quản Hữu-vệ Thánh-dực quân.
Năm ấy, Ngũ-Lão mới 36 tuổi.
Năm Giáp-Ngọ niên hiệu Anh-Tôn thứ hai (1295), đức Thượng-hoàng ngự giá thân chinh Ai-lao. Trung-thành vương làm tiên phong, bị giặc vây. Ngũ Lão dẫn quân đến đánh tập hậu, giả được vây, đánh vỡ quân giặc.
Năm Đinh dậu, niên hiệu Anh tôn thứ 5 (1298). Ai-lao sang xâm miền Long-giang. Ngũ Lão đánh nhau với giặc, lấy lại được nguyên bờ cõi.
Năm Tân – sửu (1302), quân Ai-Lao lại đem hơn một voi sang cướp đất Thanh, Nghệ. Vua sai Ngũ Lão cầm quân đi đánh. Ngũ Lão sai dân chặt tre đực, chồng chất ở các vệ đường, khi Ngũ Lão kéo quân vào đánh, giặc thúc voi sấn lân. Ngũ-Lão chân tay không, xông vào, gặp đống tre nào thì vớ lấy tre chỗ ấy, đập vào chân voi. Voi bị đau, gầm rống lên, chạy về, giày séo cả vào quân Ai lao làm cho chết hại rất nhiều. Ngũ Lão thúc quân đánh tràn sang; quân Ai lao tan vỡ, phải trốn về đêm. Bao nhiêu đất giặc lấn được đều lấy lại được cả.
Năm Nhâm-dần (1303), nghịch thần là Biếm nổi loạn. Ngũ Lão dẹp yên.
Năm Mậu-ngọ, niên hiệu Minh- tôn thứ 5 (1319) nước ta đánh nhau với nước Chiêm-thành, Hiến-túc hầu là Lý-tất-Kiến tử trận. Ngũ Lão đem quân đánh hậu tập, giặc thua và bị bắt rất nhiều.
Vì có những công lao to như thế, nên Ngũ Lão được thăng chức Điện-tiền thượng tướng-quân.
Tháng 11 năm Canh-thân (1321), Ngũ Lão lên chức Điện-súy thượng tướng-quân, quan nội-hầu. Mất, thọ 66 tuổi. Vua lấy làm thương xót, bãi triều 5 hôm để tỏ lòng ai-điếu và phong Phạm-ngũ-Lão làm Thượng-đẳng Phúc-thần.
Dân làng Phù-ủng lập miếu thờ ngay chỗ nhà cũ của Phạm-ngũ-Lão, có hai pho tượng phỗng quỳ hai bên hương-án, ghi công Ngũ-Lão bình được nước Chiêm-thành.
Ngũ-Lão đã giỏi nghề võ, lại hay nghề văn. Tính hay xem sách, ngâm thơ, thường ngâm thơ thuật-hoài sau này :
Hoành sóc giang-sơn, cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ, khí thôn Ngưu.
Nam-nhi vị liễu công-danh trái,
Tu thính nhân-gian thuyết Vũ hầu.
Dịch :
Vẫy giáo non sông, trải mấy thâu,
Ba quân khí-thế nuốt sao Ngâu.
Công-danh nợ ấy còn chưa sạch,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ-hầu.
NHẬT NHAM