Giá xăng tăng cao tại Hoa Kỳ – Đổ lỗi cho ai?
Theo một số chuyên gia, sự kiệt quệ mà người Mỹ cảm thấy từ việc giá xăng tăng là do các quyết định chính sách của Tổng thống (TT) Joe Biden, cuộc xâm lược Ukraine của Nga, và một số yếu tố khác.
Theo GasBuddy, xăng hiện có giá trung bình khoảng 4.30 USD/gallon. Đó là mức giá đắt nhất kể từ khi Hoa Kỳ xây dựng năng lực lọc dầu của mình vào những năm 1920. Với giá dầu diesel khoảng 5 USD, việc vận chuyển hàng hóa cũng trở nên đắt hơn, tạo ra gánh nặng cho toàn bộ nền kinh tế.
Để so sánh, vào đầu năm 2020, trước khi đại dịch COVID-19 tấn công Hoa Kỳ, xăng được bán với giá khoảng 2.50 USD/ gallon.
Một loạt các sự kiện đã dẫn đến vấn đề giá xăng tăng như hiện nay.
COVID-19
Đại dịch và các đợt phong tỏa sau đó đã khiến nhu cầu giảm mạnh. Các nhà sản xuất dầu chỉ bắt đầu cắt giảm vào cuối tháng Ba, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung. Có một thời điểm, chỉ số giá dầu thô WTI chuyển sang tiêu cực do kho tích đầy và những người nắm giữ các hợp đồng giao hàng trong tương lai đã phải trả tiền để không lấy số dầu đó. Giá xăng giảm xuống còn khoảng 1.75 USD.
Bức tranh do các phương tiện truyền thông chính thống mô tả hoàn cảnh vào thời điểm đó thật u ám – chính phủ cựu TT Trump đã quản trị sai cuộc khủng hoảng COVID, không có liệu pháp hiệu quả, và những lời hứa về việc sớm ra các loại vaccine là không thực tế. Hóa ra, bức tranh này đã không phản ánh đúng thực tế nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh. Các ngành công nghiệp chuẩn bị cho tình trạng suy thoái kéo dài và nhu cầu thấp.
Tuy nhiên, sự phục hồi nhanh hơn nhiều. Vài tháng sau, các tiểu bang màu đỏ nói riêng bắt đầu mở cửa nền kinh tế của họ trở lại (một số không đóng cửa từ đầu), và vaccine thực sự được cung cấp vào mùa thu năm 2020, khiến người dân, đặc biệt là ở các tiểu bang màu xanh lam, tin tưởng rằng có thể mở cửa trở lại.
Đến tháng 03/2021, cả nhu cầu xăng dầu cũng như giá xăng đều gần như trở lại mức trước đại dịch. Tuy nhiên, ngay cả khi nhu cầu tiếp tục tăng và giá xăng dầu tiếp tục tăng, sản lượng dầu đã không bao giờ trở lại mức trước đại dịch. Có nhiều lý do.
Chính sách khí hậu
Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 01/2021, TT Joe Biden đã ban hành một loạt các sắc lệnh, thiết lập những gì mà chính phủ trình bày như nỗ lực của toàn chính phủ nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Một phần chính của nghị trình đó là cái gọi là “khử carbon” nền kinh tế, có nghĩa là loại bỏ dần phần lớn ngành công nghiệp dầu mỏ. Song song đó, các tổ chức tài chính lớn đã đưa ra các sáng kiến khí hậu của riêng họ, hứa hẹn sẽ “khử carbon” danh mục đầu tư của họ. Để chứng tỏ rằng đó không phải là những lời nói suông, ông Biden đã tạm dừng việc cấp các hợp đồng thuê khoan mới trên đất của liên bang và dừng việc khai thác đường ống Keystone, vốn là để dẫn dầu từ Canada.
Các biện pháp này đã làm giảm tiền đồ đầu tư vào ngành dầu mỏ. Nếu cơ sở hạ tầng cần bị loại bỏ sớm thì xây đắp năng lực có ích gì?
Vì lý do này, nhiều nhà phân tích đã đổ lỗi giá xăng cho ông Biden.
Ông Larry Kudlow, cựu giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tòa Bạch Ốc dưới thời chính phủ cựu TT Trump, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên EpochTV: “Ông ta đang tiến hành một cuộc thánh chiến chống lại nhiên liệu hóa thạch. … Và đó là lý do chúng ta đang phải nhận hậu quả ngay lúc này.”
Trong một bài đăng trên blog gần đây, ông Phil Flynn, một nhà phân tích thị trường cao cấp tại The Price Futures Group, đã chỉ trích “cuộc chiến thiển cận và nguy hiểm đối với nhiên liệu hóa thạch đang phản tác dụng ở hầu hết mọi cấp độ.”
Chính phủ TT Biden đã chỉ ra rằng sản lượng dầu của Hoa Kỳ đang tăng lên. Điều đó đúng. Sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ đạt 11.6 triệu thùng/ngày trong tuần đầu tiên của tháng Ba, tăng so với mức 10.9 triệu của năm trước. Nhưng con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với con số 13 triệu vào tháng 03/2020. Trong khi các nhà sản xuất không thể mong đợi sẽ khui được giếng dầu chỉ qua một đêm, sản lượng chỉ tăng khoảng 6% trong năm qua. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu đã có thể tăng sản lượng lên khoảng 16% trong năm 2018 và hơn 13% trong năm 2019.
Lỗi của ông Putin
Trong hành động mới nhất của mình, ông Biden đã cố gắng đổ lỗi cho việc tăng giá là do cuộc xâm lược Ukraine gần đây của TT Nga Vladimir Putin; điều này thực sự khiến giá dầu tăng vọt.
Ông Putin phản bác rằng chỉ một vài phần trăm lượng dầu tiêu thụ của Hoa Kỳ đến từ Nga. Nhưng điều đó cũng gây hiểu lầm. Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới. Cuộc xâm lược Ukraine chắc chắn gây ra các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của nước này, buộc phần lớn thế giới từ bỏ qua dầu của Nga. Các thương nhân kỳ vọng nguồn cung thắt chặt; nhờ vậy, giá của các hợp đồng giao hàng trong tương lai sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, nhiều người cũng đổ lỗi về cuộc xâm lược cho ông Biden.
Ông Kudlow lưu ý rằng ông Putin đã xâm nhập Gruzia năm 2008 và sáp nhập Crimea năm 2014; cả hai lần đều trùng khớp với những đợt tăng giá dầu lớn.
Ông nói: “Ông Putin có tiền từ lợi nhuận bán dầu của mình khi làm điều đó… Khi giá dầu ở mức thấp, quý vị sẽ không nhận được tin tức từ ông Putin.”
Ông Flynn cũng lưu ý rằng chính sách của Hoa Kỳ đã “giúp ông Vladimir Putin cố gắng sử dụng độc quyền nhiên liệu hóa thạch của mình như một vũ khí quân sự và chính trị.”
Theo ông George Santos, một chuyên gia kỳ cựu về năng lượng đã từng làm việc tại Citi Bank và Goldman Sachs, ngay cả khi không có cuộc xâm lược Ukraine này, giá xăng vẫn có thể tiếp tục tăng.
Ông nói với The Epoch Times: “Cuộc xâm lược Ukraine đã đẩy nhanh mọi thứ một chút, nhưng chúng ta vẫn sẽ thấy mức giá này.”
Ngành công nghiệp dầu mỏ
Ngay cả khi bị liên bang cản trở, các công ty dầu mỏ vẫn có thể cố gắng tăng sản lượng nhiều hơn. Ông Santos gợi ý, tuy nhiên, đặc biệt là những công ty lớn vẫn chưa đủ háo hức để khoan thêm dầu vì họ đang tận hưởng lợi nhuận từ giá cả tăng cao.
Ông nói: “Tôi không nói đó hoàn toàn là lỗi của họ, nhưng họ cũng phải chịu một số trách nhiệm.”
Trong trường hợp bình thường, nếu giá dầu tăng, các nhà sản xuất không thể chỉ ngồi một chỗ và chốt lời một cách vô thời hạn. Tại một số thời điểm, họ cần phải mở rộng sản xuất và giảm giá, nếu không mọi người sẽ cắt giảm tiêu dùng và cuối cùng các công ty có thể thua lỗ. Tuy nhiên, trong năm qua, ngay cả khi giá xăng tăng vượt ngưỡng trước đại dịch và tiếp tục tăng, doanh số bán xăng vẫn ổn định (thấp hơn 2–5% so với tháng trước của năm 2019). Ông Flynn nói, chỉ sau đợt tăng mạnh sau cuộc xâm lược Ukraine, “dầu có thể đã đạt ngưỡng khiến nhu cầu giảm dần.”
Theo ông Mark Thornton, nhà kinh tế học tại Viện Mises – một tổ chức cố vấn theo trường phái tự do cổ điển, thực tế là việc giá dầu tăng vọt trên 120 USD để dầu có thể chạm đến mức khiến mọi người cắt giảm tiêu dùng có liên quan đến việc Cục Dự trữ Liên bang in tiền ồ ạt để cung ứng hàng ngàn tỷ USD chi tiêu của chính phủ được Quốc hội cho phép.
“Tôi có thể nói rằng nhiều người Mỹ sẵn sàng, sẵn lòng, và có khả năng chi tiêu, đều thấy rằng mọi thứ đang tăng giá,” ông nói với The Epoch Times qua thư điện tử. “Sức mua là rất thấp ở khắp mọi nơi, cửa hàng tạp hóa, trạm xăng, tiệm nail, nhà nghỉ, đất đai, bất động sản, hàng hóa đủ loại.”
‘Khui giếng dầu’
Ông Kudlow và những người khác đã khuyến nghị ông Biden thay đổi chính sách ngay lập tức để khuyến khích sản xuất nhiều dầu hơn.
“Nếu việc tấn công kết thúc, theo ý kiến của tôi, trong 6 tháng, quý vị sẽ quay trở lại mức 13.5 hoặc 14 triệu thùng mỗi ngày. Và thị trường kỳ hạn (futures) sẽ bắt đầu phản ánh điều đó nên giá sẽ giảm. Và tình huống đó sẽ lấy tiền ra khỏi túi của ông Putin.”