Giải thích về chủ nghĩa bảo tồn truyền thống
DENNIS PRAGER
Có rất nhiều lý do khiến nhiều người trẻ ngày nay muốn tránh xa chủ nghĩa bảo tồn truyền thống.
Nguyên nhân dễ thấy nhất chính là họ chỉ được tiếp xúc với các giá trị của cánh tả – xuyên suốt từ tiểu học cho đến cao học, trong các bộ phim, các chương trình truyền hình, mạng xã hội, và bây giờ thì còn cả ở Disneyland.
Một nguyên nhân khác ít nổi trội hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng là họ chưa bao giờ được tiếp xúc với các giá trị bảo tồn truyền thống một cách đúng đắn. Ít ra là kể từ thế hệ sinh ra trong Đệ nhị Thế chiến, đa số các bậc cha mẹ tuân theo các giá trị bảo tồn truyền thống không nghĩ rằng họ phải dạy cho con mình về những giá trị này hoặc chỉ đơn giản là không biết làm cách nào để dạy. Phần lớn các bậc cha mẹ hiện vẫn không biết nên dạy con thế nào. Nếu được yêu cầu định nghĩa về các giá trị bảo tồn truyền thống, đa số những người tuân theo các giá trị này đều sẽ cứng lưỡi.
Chính vì vậy, trong các bài viết tiếp theo của chuyên mục này, tôi sẽ trình bày một danh sách các đặc điểm cốt lõi của chủ nghĩa bảo tồn truyền thống.
Chúng ta sẽ bắt đầu với giá trị bảo tồn truyền thống quan trọng nhất – tự do.
Những người theo phái bảo tồn truyền thống đề cao quyền tự do cá nhân (không có quyền tự do nào khác ngoài quyền tự do cá nhân). Đây là giá trị căn bản nhất của cuộc thử nghiệm nước Mỹ. Đúng là có rất nhiều quốc gia đã đưa từ “tự do” vào tiêu ngữ và quốc ca của họ, nhưng không một đất nước nào lại nhấn mạnh giá trị của quyền tự do như Mỹ quốc.
Bởi vậy:
- Các nhà thiết kế của Pháp đã tặng tượng Nữ thần Tự do cho nước Mỹ.
- Biểu tượng của nước Mỹ là chiếc Chuông Tự do.
- Được đúc trên chiếc Chuông Tự do ấy là một câu thơ về quyền tự do trích từ sách Lêvi (Book of Leviticus): “Các ngươi phải rao truyền sự tự do cho hết thảy dân trong xứ.” (*)
- Người Mỹ ngợi ca đất nước của họ như “vùng đất của tự do” và “vùng đất ngọt ngào của tự do”.
- Cho tới nay, mọi em học sinh Mỹ đều thuộc lòng lời kêu gọi của ngài Patrick Henry: “Cho tôi tự do, hoặc để tôi chết!”
- Những thanh niên Trung Quốc phản đối chế độ Cộng sản tiếp quản Hồng Kông đã vẫy quốc kỳ Mỹ.
Và điều đó lý giải vì sao các Tổ phụ Lập quốc Hoa Kỳ vô cùng cương quyết rằng nhà nước – chính phủ liên bang – càng tinh gọn, càng hạn chế [quyền lực] càng tốt. Chính phủ càng toàn trị thì các quyền tự do càng bị thu hẹp. Quy mô chính phủ và mức độ tự do tỷ lệ nghịch với nhau.
Hơn nữa, chính phủ toàn trị không chỉ gây hại cho quyền tự do. Đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng tiêu cực [do vấn đề này]. Mỗi cuộc diệt chủng trong thế kỷ 20, giai đoạn được gọi là thế kỷ của diệt chủng, đều do các chính phủ toàn trị gây ra. Nếu không phải vì các chính phủ toàn trị này, thì 100 triệu người đã thoát khỏi cảnh bị tàn sát, và hàng tỷ người đã không bị bắt làm nô lệ. (Ở đây có một trường hợp ngoại lệ: Cuộc diệt chủng của người Hutu nhắm vào người Tutsis ở Rwanda, về bản chất họ là mang tính giữa bộ lạc với nhau. Văn hóa bộ lạc, cũng như văn hóa cánh tả, đều chú trọng vào tính tập thể hơn là cá nhân).
Nhằm giới hạn quy mô và quyền lực của chính phủ liên bang, các Tổ phụ Lập quốc đã trao hầu hết quyền lực của chính phủ cho các tiểu bang. Hiến Pháp Hoa Kỳ cũng nêu cụ thể phạm vi quyền hạn của chính phủ liên bang và trao toàn bộ phần còn lại cho chính phủ các tiểu bang. Ngoài ra, quyền lực của các tiểu bang còn được thể hiện qua việc kết quả bầu cử tổng thống là do tiểu bang quyết định thông qua cơ chế Đại Cử Tri Đoàn, chứ không phải dựa trên lá phiếu phổ thông trên toàn quốc – và thể hiện qua cấu trúc Thượng viện, một trong hai nhánh của Quốc hội. Mọi tiểu bang đều có đại diện tại Thượng viện, các đại diện này bình đẳng với nhau bất kể tiểu bang đó có dân số ít đến mức nào.
Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi cánh tả luôn chống đối Thượng viện và cơ chế Đại Cử Tri Đoàn. Điều tạo động lực cho cánh tả là quyền lực vốn có trong các chính phủ toàn trị, chứ không phải quyền tự do. Đặc điểm cốt lõi của các đảng và chính phủ tả khuynh trên thế giới luôn là [xây dựng] một chính phủ toàn trị và từ đó thâu tóm nhiều quyền lực hơn.
Quyền tự do là một giá trị khai phóng, đồng thời cũng là một giá trị của phái bảo tồn truyền thống, nhưng nó chưa bao giờ là giá trị của cánh tả. Tự do không thể là một giá trị của cánh tả vì nếu các cá nhân càng có nhiều tự do, thì chính phủ càng có ít quyền lực. Ngược lại, quyền lực của chính phủ ít hơn bao nhiêu thì cánh tả càng yếu đi bấy nhiêu.
Điều này đặc biệt đúng với quyền tự do quan trọng nhất trong tất cả các quyền tự do – tự do ngôn luận.
Tự do ngôn luận là một giá trị nền tảng của phái bảo tồn truyền thống, và là một giá trị nền tảng của tự do. Nó chưa bao giờ là một giá trị của cánh tả. Vì lý do này mà bất cứ nơi nào cánh tả thống trị – chính quyền, giới truyền thông, các trường đại học – thì nơi ấy dập tắt các tiếng nói bất đồng. Lẽ đơn giản là không một phong trào cánh tả nào có thể tồn tại trong một môi trường thảo luận các ý tưởng một cách cởi mở. Các hệ tư tưởng của cánh tả là dựa trên sự thao túng về mặt cảm xúc và áp đặt về mặt quyền lực, chứ không phải dựa trên lý lẽ và đạo đức. Vì thế, những người thuộc phe cánh tả không thể cho phép các cuộc tranh luận thẳng thắn diễn ra. Những người này không tranh luận bằng lý lẽ, họ đàn áp đối phương.
Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, tự do ngôn luận đang bị đe dọa nghiêm trọng – thật ra nó đã bị cắt giảm trắng trợn. Với sự leo thang của phái tả khuynh, việc đàn áp tự do ngôn luận đang diễn ra là điều không thể tránh khỏi.
Thực tế rằng những người theo chủ nghĩa tự do – những người luôn xem trọng tự do và tự do ngôn luận – bỏ phiếu cho cánh tả, vốn là bên hung hăng đàn áp tự do, là bi kịch của thời đại chúng ta. Lý do là những người theo chủ nghĩa tự do đã quên mất những gì họ đại diện cho; họ chỉ nhớ đến điều mà họ đang muốn chống lại: những người theo phái bảo tồn truyền thống.
Vì thế, lần sau nếu có một người bạn hoặc một người họ hàng thiên tả hoặc theo phe cánh tả hỏi quý vị rằng những người theo phái bảo tồn truyền thống đại diện cho điều gì, hãy trả lời với họ là “tự do” – đặc biệt là tự do ngôn luận. Đồng thời, giải thích cho họ biết mối e ngại của quý vị về chính phủ toàn trị – bởi vì chính phủ toàn trị và quyền tự do cá nhân không thể đồng thời tồn tại.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Dennis Prager là người dẫn chương trình kiêm người phụ trách chuyên mục của chương trình radio tổng hợp trên toàn quốc.
Chú thích: (*) Bản dịch sách Lêvi lấy từ trang web VietChristian