Giáo dục gia đình: Vợ tốt tạo phúc cho chồng
Chu Nguyên Chương, hoàng đế khai quốc triều Minh và Mã hoàng hậu kết giao từ khi còn nghèo hèn. Mã hoàng hậu là người vô cùng tốt. Xưa Chu Nguyên Chương bị người ta nghi ngờ, bắt giam, để đem đồ ăn cho ông, bà phải giấu bánh nướng vào trong ngực, thân thể bị nóng bỏng vẫn phải đem được bánh vào nhà lao. Bà không quản ngại gian nan, đi giải thích rõ vấn đề, khiến Chu Nguyên Chương được thoát hiểm, được phóng thích. Người vợ như thế này mới là người vợ tốt thực sự.
Chu Nguyên Chương còn hay sát nhân, đương nhiên là những tham quan. Có lần ông đã bắt rất nhiều quan phạm tội mưu phản, trong đó có Tống Liêm là thầy của thái tử. Sau này cháu trai ông ta bị dính líu vào án mưu phản, Chu Nguyên Chương bắt và chuẩn bị cho hành hình. Mấy hôm đó, Mã hoàng hậu ăn cơm không uống rượu, không ăn thịt, Chu Nguyên Chương trông thấy rất buồn liền hỏi nguyên do. Mã hoàng hậu nói muốn cầu phúc cho Tống Liêm tiên sinh. Chu Nguyên Chương nghe vậy rất cảm động nên đã phóng thích Tống Liêm. Mã hoàng hậu thường xuyên khuyên chồng ít giết người, đây chính là một người vợ tốt, người vợ thiện lương.
Người vợ tốt khi khuyên can chồng thì dùng phương thức ôn nhu, không dùng phương pháp cứng rắn.
Phụ nữ cần nhu, không thể dựa vào cương. Hoàng đế nghe ý kiến của người khác gọi là tiếp thu can gián. Đường Thái Tông tiếp thu can gián, “dùng đồng làm gương có thể sửa áo mũ ngay ngắn, dùng sử sách làm gương có thể biết lẽ thịnh suy hưng vong, dùng người làm gương có thể biết được chuyện thành bại được mất”. Đường Thái Tông lấy Ngụy Trưng làm tấm gương để tự soi mình, do đó đã có thể tiếp thu can gian, nghe ý kiến của mọi người.
Nhưng Ngụy Trưng có lúc giữa triều đình nói rất trực ngôn, không nể mặt Đường Thái Tông chút nào, có lúc khiến hoàng đế không có đường lùi. Có lúc cũng khiến Thái Tông cũng tức giận. Một lần hoàng đế vô cùng tức giận, trở về cung vừa đi vừa nói: “Sớm muộn ta cũng phải giết hắn”.
Trưởng Tôn hoàng hậu nghe thấy liền hỏi: “Sao hoàng thượng giận dữ như thế, bệ hạ muốn giết ai đấy?”
“Chẳng ai ngoài gã Ngụy Trưng luôn làm ta mất mặt giữa quần thần, sớm muộn ta cũng phải giết hắn”.
Trưởng Tôn hoàng hậu nghe xong không nói năng gì trở về hậu cung, sau đó mặc triều phục, mũ phượng xiêm mây, đến yết kiến Thái Tông, rồi hành lễ quân thần. Thái Tông thấy vậy rất buồn hỏi: “Mới vừa rồi ở đây, sao giờ lại nghiêm trang như thế này?”
Trưởng Tôn hoàng hậu nói: “Chúc mừng hoàng thượng, bệ hạ là vị minh quân. Bởi vì người xưa có nói rằng ‘chủ minh thần trực’ (vua sáng thì bề tôi chính trực). Có người dám mạo sinh tử để đề xuất ý kiến với bệ hạ thì có nghĩa là bệ hạ là một vị quân chủ hiền minh”.
Đường Thái Tông nghe vậy nghĩ, đúng rồi, mình là minh quân, nên vui mừng lắm. Thế là không còn suy nghĩ muốn sát hại Ngụy Trưng nữa.
Như thế có thể nói rằng, Ngụy Trưng can gián chính là cương trực, còn Trưởng Tôn hoàng hậu can gián lại nói “chủ minh thần trực”, dùng phương thức này can gián, chính là phương thức ôn nhu của phụ nữ, có thể thấy hiệu quả còn tốt hơn.
Đương nhiên cũng không hoàn toàn bài trừ cái “cương”, bởi vì chúng ta nói đến cái “thuận”. Bạn “thuận” bởi vì họ làm đúng, bạn không thể thuận theo họ làm việc xấu. Bất kể là chồng hay cha, sách “Đệ tử quy” (Phép tắc người con) có dạy: “Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi” (Thân hữu quá, gián sử canh).
Họ có lỗi có sai lầm, bạn cần khuyên họ sửa chữa, quy chính, nhưng cần “Mặt ta vui, lời ta dịu” (Di ngô sắc, nhu ngô thanh). Khi họ không vui, không nghe thì không nói, đợi khi họ vui vẻ thì nói tiếp: “Khuyên không nghe, vui can tiếp” (Gián bất nhập, duyệt phục gián).
Người vợ tốt không phải là chịu ấm ức cầu toàn. Mọi người cũng biết nước Tề có tể tướng Yến Anh. Ông là người rất thấp bé nhưng lại có thể làm tể tướng của một nước. Một lần Yến Tử ngồi xe đi ra ngoài, người đánh xe cho ông có vẻ đắc chí, diễu võ dương oai, vợ anh ta nhìn thấy. Đến khi người đánh xe trở về thấy vợ đang thu dọn hành lý bèn hỏi: “Nàng làm gì đó?”
“Tôi về nhà mẹ, không muốn ở với anh nữa”.
“Tại sao lại như thế?”
“Anh xem Yến Anh đó, làm tể tướng, ngồi trong xe mà bình thản hòa ái như thế. Anh là người đánh xe, có gì ghê gớm mà diễu võ dương oai đắc chí. Anh làm như thế sẽ gây họa, tôi không sống với anh nữa”.
Anh phu xe ngẫm nghĩ: “Ừ, cũng đúng thật, nếu gặp phải một ông quan lớn, đắc tội với ông ta, tuy ông ấy không dám làm gì tể tướng nhưng ông ta sẽ trị được mình. Chẳng phải tự gây họa đó sao?”
Thế là anh phu xe vội vàng nói: “Nàng chớ đi, tôi sẽ thay đổi”.
Từ đó anh phu xe đánh xe không còn vênh vang như trước nữa, rất bình thản và hòa ái. Yến Anh thấy anh phu xe thay đổi như vậy thì ngạc nhiên hỏi nguyên do. Anh ta kể lại vợ anh ta đã nói như thế nào. Yến Anh nghe vậy thấy người phu xe này biết lỗi liền sửa chữa thay đổi, là một người có đức. Hơn nữa trong nhà lại có một người vợ hiền, là một nhân tài. Vì vậy Yến Anh bèn tiến cử anh phu xe làm quan. Bạn xem người này có tốt không, bởi vì anh ta có một người vợ tốt như thế này, nên một người phu xe được làm quan. Tại sao? Không biết mọi người có biết những tham quan bị bắt đó, rất nhiều người trên tòa đã oán hận vợ, bởi vì các bà vợ nhận quà, lễ rất ghê, khiến họ bước đến vực sâu. Đó không phải là người vợ hiền. Giả sử có người vợ hiền không để chồng nhận quà cáp, để chồng làm một người lãnh đạo đàng hoàng tạo phúc cho người dân một vùng thì tốt biết bao.
“Vợ hiền thì chồng ít họa, con hiếu thì cha yên lòng”, người vợ tốt thì người chồng có phúc.
Bài viết dựa trên các bài giảng của chuyên gia giáo dục văn hóa truyền thống Đồng Hân