Gìn giữ gia phong giúp trẻ em trưởng thành lành mạnh – Phần 1
Truyền thừa gia phong, gìn giữ gia pháp
Trong vấn đề giáo dục con cái, giữ gìn văn hoá truyền thống là điều không thể bỏ qua. Giáo dục con cái có thể chia thành: giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội. Ba loại hình giáo dục này liên kết thành giáo dục nhân tài quốc gia. Phổ truyền tư tưởng văn hóa, bồi dưỡng đạo đức, và các phương diện phát huy tác dụng quan trọng. Việc giáo dục gia đình tốt hay không có ảnh hưởng lớn lao đến sự trưởng thành của trẻ nhỏ hay sự thịnh suy của gia tộc; nó còn ảnh hưởng đến sự tốt xấu của xã hội, sự nghiệp thành bại của quốc gia.
Trong giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức là vấn đề mấu chốt hàng đầu; tiếp đó mới là giáo dục trí tuệ và mỹ thuật; sau cùng là các loại kỹ năng thực tiễn. Chúng ta có thể điểm qua một số gia tộc điển hình về sự thịnh vượng lâu dài như gia tộc Tư Mã Quang, gia tộc Tăng Quốc Phiên, gia tộc Phạm Trọng Yêm… Đây đều là những gia tộc trường tồn, hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Có câu “Phú bất quá tam”, ngụ ý rằng không ai giàu quá ba đời. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy những gia tộc này hưng thịnh trong suốt chiều dài lịch sử; đặc biệt là gia tộc Phạm Trọng Yêm hưng thịnh suốt 800 năm; hay gia tộc họ Bùi cường thịnh hơn 2,000 năm với 59 vị tể tướng, 59 vị đại tướng quân, 14 vị trung thư thị lang, 55 vị thượng thư, 44 vị thị lang. Ngoài ra còn có: thị hầu 11 người, ngự sử 10 người, tiết độ sứ 25 người, sử quan 211 người, thái thú 77 người, người có công được phong tước 89 người, tước hầu 33 người, tước bá 11 người, tước tử 18 người, tước nam 13 người; có liên quan tới hoàng thân quốc thích hoàng hậu 3 người, thái tử phi 4 người; vương phi 2 người; phò mã 21 người, công chúa 20 người… lưu danh sử sách.
Điều giúp những gia tộc này cường thịnh là dựa vào giữ gìn gia pháp; nói cách khác, gia huấn – lời dạy bảo của gia đình – chính là linh hồn của gia tộc. Điển hình như gia huấn của gia tộc Phạm Trọng Yêm “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, nghĩa là “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” và “Tích đức hành thiện”. Gia huấn gia tộc họ Bùi có rất nhiều, nhưng nói chung có thể khái quát trong mấy chữ sau “Coi trọng giáo dục, sùng văn thượng võ, hành đức đi đôi với hành nghiệp, liêm khiết tự giác và có kỷ luật”.
Ngày nay chúng ta không coi nặng khuôn phép như xưa, tuy nhiên cũng không thể thiếu đi tư tưởng khiêm tốn và trách nhiệm với đất nước. Trẻ em là tương lai của dân tộc, là niềm hy vọng của quốc gia, giáo dục trẻ em cần phải nhìn về phía trước; việc đó được bắt đầu từ mỗi gia đình. Giáo dục gia đình thành công sẽ đem lại cho trẻ em một môi trường trưởng thành hoàn hảo.
Một gia đình có môi trường giáo dục tốt ngoài những vấn đề căn bản như dân chủ, bình đẳng, hòa ái còn cần phải chú trọng hai phương diện, thứ nhất là truyền thừa gia phong, thứ hai là tôn trọng phép tắc luật lệ trong gia đình, hay còn gọi là gia pháp. Gia phong của một gia đình có tốt hay không, được quyết định phần lớn bởi hai chữ Thiện và Cần (Thiện lương, chuyên cần).
Cổ nhân nuôi dạy con cái một lòng sùng Phật kính cha, nhất mực chuyên cần, thiện lương gìn giữ. Vì chuyên cần chữ Hiếu, vì đạo thờ Thần Phật, nên khi gia tộc lập nên gia huấn thì con cháu nhất mực tuân theo không dám làm trái. Nhờ nhất mực tuân theo gia huấn mà giữ đạo cháu con, tránh tối tìm sáng, phát triển hưng thịnh.
Cổ nhân có câu “Nước có phép nước, gia có gia quy”. Gia quy của một gia đình cũng như pháp chế của một quốc gia; nước không có pháp chế thì đảo lộn khuynh thành; nhà không có gia quy thì trong nhà trên dưới bất phân, cha con đảo lộn.
Xã hội ngày nay, có nhiều người cho rằng gia pháp, gia quy khiến cho con cái trưởng thành gò bó và lạc hậu, không theo kịp thời thế. Tuy nhiên trên thực tế, xây dựng gia quy cũng là điều nên có của mỗi gia đình; gia môn muốn hưng thịnh thì gia quy phải kiện toàn. Gia pháp gia quy là không thể thiếu trong văn hoá truyền thống; cho dù xã hội ngày nay có thừa nhận nó hay không thì lịch sử đã chứng minh: gia pháp gia quy đóng một vài trò vô cùng quan trọng trong mỗi một gia đình.
“Giới Tử Thư” của Trinh Huyền thời Đông Hán, và của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, “Nghiêm Thị Gia Huấn” của Nghiêm Chi Thôi thời kỳ Nam Bắc, “Gia Phạm” của Tư Mã Quang thời Bắc Tống, “Gia Lễ” của Chu Hy thời Nam Tống, “Gia Huấn” của Bùi gia… đều là những quy định của gia đình nhằm giáo dục con cháu đời sau mà cho tới tận ngày nay vẫn được gìn giữ và coi trọng. Bất luận là luân lý, sự vụ, tự thân tu dưỡng, chuyên cần chế ước, vì người mà làm, hưng gia lập nghiệp, báo quốc đền ơn thì đều có tác dụng tích cực. Dẫu áp dụng vào thực tiễn ngày nay vẫn hoàn toàn có giá trị.
Giới Tử Thư của Gia Cát Lượng
“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.
Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.
Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.
Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.
Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.
Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.
Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.
Nguyên văn:
Phù quân tử chi hạnh, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức.
Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn.
Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã.
Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học.
Đãi mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng trị tính.
Niên dữ thời trì, ý dữ tuế khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế.
Bi thủ cùng lư, tương phục hà cập!
Mỗi lần đọc lại “Giới Tử Thư” của Gia Cát Lượng, thiết nghĩ nếu như mỗi gia đình đều có thể có gia quy để nuôi dạy cháu con, dẫu không thể viết được ra những lời văn hùng tráng tương tự như thế này, thì chí ít cũng có được những chuẩn mực để làm người. Nếu mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể thấm nhuần những điều dạy bảo của cha ông thì chắc chắn lớn lên đều có thể thành tài, thiện lương làm người, phụng cha dưỡng mẹ, báo quốc đền ơn.
Đặt định cho con cái quy tắc hành xử cũng chính là nền tảng mẫu mực cho sự phát triển của con cái ví như:
Đối nhân xử thế, thành thật lễ nghĩa.
Dám nói lời ngay, không được nói dối.
Làm người thiện lương, yêu thương giúp đỡ.
Gặp việc nhẫn lại, không thể cường quyền.
Coi trọng chữ tín, không được dối lừa.
Gia pháp cần chú trọng từ tu dưỡng bản thân, đưa ra những yêu cầu cho con cái về phương diện đối nhân xử thế. Về ăn ở sinh hoạt, nuôi dưỡng thói quen hàng ngày, thì nên thường xuyên đôn đốc, giáo dục trẻ. Cho dù con cái đã trưởng thành rời xa cha mẹ, sống ở phương xa thì nội dung gia pháp vẫn sẽ không quên, sẽ luôn luôn khích lệ con cái vững bước tiến lên ngay chính trên đường đời còn lâu dài và nhiều gian nan phía trước.
Khải Chính