Giới nhà giàu đang rời khỏi Trung Quốc
Milton Ezrati
Giới triệu phú và tỷ phú Trung Quốc đang di cư; họ bỏ phiếu bằng chân về cách quản lý nền kinh tế của ông Tập Cận Bình và triển vọng kinh tế của Trung Quốc.
Như mọi người vẫn nói, dường như giới đầu tư thông minh đang rút khỏi Trung Quốc. Số lượng triệu phú và tỷ phú đang di cư khỏi đất nước này ở mức kỷ lục, và trong năm 2024, có thể sẽ có 15,200 người di cư ra ngoại quốc.
Công ty di cư đầu tư Henley & Partners theo dõi những vấn đề như vậy và lưu ý rằng số liệu dự kiến của năm nay cao hơn khoảng 10% so với con số di cư 13,800 người của năm 2023 – thêm vào đó là 500 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao dự kiến sẽ rời khỏi Hồng Kông. Đa số những người này sẽ đến Hoa Kỳ, Canada, và Singapore. Không có cách nào để tính toán số tài sản mà họ sẽ mang theo, nhưng từ kinh nghiệm trước đây, Henley & Partners ước tính rằng mỗi người di cư sẽ mang theo số tiền từ 30 triệu đến 1 tỷ USD.
Lý do đằng việc bỏ đi này rất đa dạng, như người ta có thể dự kiến. Tuy nhiên, đa số đều liên quan đến những bất ổn tiềm ẩn trong tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc, và những nghi vấn về lợi nhuận đầu tư trong tương lai. Cuộc khủng hoảng địa ốc đang diễn ra và tình trạng hỗn loạn địa ốc rõ ràng là gốc rễ của sự bất ổn này – đặc biệt là vì giá trị địa ốc giảm đã làm tổn hại đến tài sản của các gia đình và do đó đặt ra câu hỏi về triển vọng tăng trưởng kinh tế chung của Trung Quốc.
Khi giải thích về quyết định rời khỏi Trung Quốc của mình, một số người di cư đề cập đến việc hai công ty xếp hạng tín nhiệm, Moody’s và Fitch, hạ cấp dự kiến tài chính của nước này. Một động lực không được nói đến, và vì những lý do hiển nhiên, là sự thù địch mà chế độ của ông Tập Cận Bình đã thể hiện trong quá khứ đối với các doanh nghiệp tư nhân và tài sản cá nhân nói chung.
Trước kia, Singapore là điểm đến phổ biến nhất cho những người di cư như vậy. Nhưng gần đây, Singapore đã tăng cường giám sát tài sản của người Trung Quốc nhập cư. Ngay cả những người không có gì để che giấu cũng có thể muốn né tránh sự phiền phức cũng như tình trạng mất riêng tư đang tiềm ẩn trong thiên đường Singapore. Như đã nêu trước đó, Canada và Hoa Kỳ vẫn là những lựa chọn thay thế phổ biến cho tiền của người Trung Quốc. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đang ngày càng trở nên được ưa chuộng, vì nước này không đánh thuế thu nhập, lối sống xa hoa, và cái gọi là thị thực vàng giúp chuyển dịch các quỹ đầu tư một cách dễ dàng, riêng tư. Nhật Bản cũng đã trở thành một đích đến phổ biến vì gần Trung Quốc, có lối sống hấp dẫn, và khả năng tự quảng bá bản thân như là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có sự di cư của những cá nhân và gia đình có giá trị tài sản ròng cao. Nam Hàn và Đài Loan cũng đã chứng kiến sự di cư như vậy. Trong trường hợp của hai quốc gia này, thì trên cả kinh tế, an ninh là mối quan tâm hàng đầu. Đối với Nam Hàn, sự hiếu chiến của Bắc Hàn là một mối đe dọa hiện hữu. Đối với Đài Loan, sự hiếu chiến của Trung Quốc cộng sản đã thúc đẩy người dân di dời cuộc sống và gia đình của họ ra khỏi mối hiểm nguy tiềm tàng. Những nghi vấn về thiện chí của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Đài Loan chắc chắn cũng đã có tác động.
Đối với các nhà quan sát Trung Quốc, tin tức về làn sóng di cư này mang theo hai thông điệp đáng chú ý. Một là việc di cư đưa ra một bình luận tiêu cực rõ ràng về cách quản lý nền kinh tế của ông Tập Cận Bình. Thứ hai là sự ra đi của khối tài sản này sẽ khiến những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khôi phục nền kinh tế Trung Quốc trở nên cam go hơn nhiều, mặc dù không có cách nào để định lượng tác động này.
Ông Milton Ezrati là biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn lực Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.