Hạ viện Hoa Kỳ thông qua 4 sửa đổi để tăng cường mối quan hệ với Đài Loan
Aldgra Fredly
Hạ viện Hoa Kỳ gần đây đã thông qua bốn sửa đổi do Dân biểu Tom Tiffany (Cộng Hòa–Wisconsin) đề xướng nhằm tìm cách thúc đẩy sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, đồng thời từ bỏ chính sách “Một Trung Quốc”.
Những sửa đổi này, lần lượt được thông qua hôm 27 và 28/09, đã được tích hợp vào Đạo luật Phân bổ của Bộ Quốc phòng và Đạo luật Phân bổ của Bộ Ngoại giao.
Trong số các sửa đổi có sửa đổi về “bản đồ trung thực”, cấm Bộ Quốc phòng tạo ra, mua sắm, hoặc trưng bày bất kỳ bản đồ nào mô tả Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Ông Tiffany kêu gọi Hoa Thịnh Đốn từ bỏ chính sách Một Trung Quốc – vốn công nhận chỉ có một Trung Quốc và thừa nhận lập trường của Trung Cộng đối với Đài Loan – gọi đó là “một chính sách lỗi thời và không trung thực”.
Ông nói với Hạ viện: “Tất cả chúng ta đều biết rằng Đài Loan không phải và cũng chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc cộng sản. Kể từ những năm 1970, chính sách được gọi là ‘Một Trung Quốc’ của Hoa Kỳ đã thừa nhận những yêu sách lãnh thổ giả tạo của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
“Mặc dù sửa đổi của tôi sẽ không chấm dứt chính sách sai lầm đó, nhưng ít nhất thì sửa đổi này sẽ đòi hỏi các bản đồ mà chúng ta sử dụng phản ánh một thực tế đơn giản: Trung Quốc là Trung Quốc, còn Đài Loan là Đài Loan.”
Điều luật sửa đổi thứ hai của ông dỡ bỏ các hạn chế của Bộ Ngoại giao mà trước đây đã giới hạn hoạt động liên lạc và hợp tác giữa giới chức Hoa Kỳ và những người đồng cấp của họ ở Đài Loan.
Ông Tiffany nhấn mạnh: “Mỹ quốc không cần giấy cho phép của Trung Quốc cộng sản thì mới được trò chuyện với các bằng hữu và đồng minh. Và chính sách đó sẽ chấm dứt ngay hôm nay.”
Ông cho biết những hạn chế được áp đặt “theo lệnh của Trung Quốc cộng sản” này ngăn cản các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan và cảnh báo các quan chức Hoa Kỳ không được đề cập đến Đài Loan như là một quốc gia hoặc các nhà lãnh đạo dân cử của Đài Loan như là một chính phủ.
Ông nói: “Về bản chất, những hạn chế này được thiết lập để ngăn chặn và giới hạn sự giao tiếp cấp cao giữa các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan – mặc dù trên thực tế đó là chính sách chính thức của Hoa Kỳ kể từ năm 2018 để khuyến khích và tạo thuận lợi cho họ.”
Hôm 28/09, Hạ viện đã thông qua sửa đổi của ông Tiffany, theo đó sẽ chấm dứt chính sách của Bộ Ngoại giao về việc cho phép các nhà lãnh đạo dân cử của Đài Loan được phép quá cảnh ngắn hạn tại các thành phố thường là cách xa Hoa Thịnh Đốn.
Một sửa đổi khác được thông qua cùng ngày sẽ dỡ bỏ các hạn chế về liên lạc giữa các quan chức Hoa Kỳ và Đài Loan do Bộ Ngoại giao áp đặt trước đây qua một bản ghi nhớ năm 2021.
Ông Tiffany cho biết chính phủ cựu Tổng thống (TT) Trump đã dỡ bỏ những hạn chế này, nhưng chúng lại được khôi phục sau khi TT Joe Biden nhậm chức.
Ông lập luận: “Chúng ta không có những quy tắc như thế này đối với hoạt động giao tiếp của Hoa Kỳ với Trung Quốc cộng sản… Các quan chức trong chính phủ TT Biden tiếp tục ngồi xuống đàm phán với chính những quan chức Trung Cộng bị Ngoại trưởng của chúng ta cáo buộc phạm tội diệt chủng.”
Chính trị gia Đảng Cộng Hòa này nói thêm: “Vậy mà chúng ta vẫn tiếp tục thực thi những điều kiện tệ hại này đối với Đài Loan, một bằng hữu lâu năm và là đồng minh dân chủ.”
Đài Loan là nguồn cơn gây xích mích thường xuyên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận kéo dài ba ngày quanh hòn đảo tự trị này hồi tháng Tư, sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa–California) ở California. Trung Cộng cử đến 91 chiến đấu cơ và 12 quân hạm tới vào ngày cuối cùng của cuộc tập trận.
Trung Cộng tuyên bố Đài Loan là một tỉnh nổi loạn phải được hợp nhất với Hoa lục bằng mọi giá, mặc dù quốc đảo này chưa bao giờ nằm dưới sự cai trị của Trung Cộng và là một quốc gia dân chủ tự trị kể từ khi Nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949.
Hoa Kỳ chính thức công nhận – nhưng không tán thành – quan điểm của Trung Cộng. Hoa Kỳ không có mối bang giao chính thức nào với Đài Loan. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn bị ràng buộc bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó Hoa Kỳ cam kết cung cấp cho hòn đảo này những vũ khí cần thiết để tự vệ và ngăn chặn bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng.
Vào tháng 05/2022, TT Biden cho biết Hoa Thịnh Đốn sẽ bảo vệ Đài Loan nếu chính quyền Trung Quốc tấn công hòn đảo này.
“Hãy nhìn xem, tình hình là thế này. Chúng ta đồng ý với chính sách ‘Một Trung Quốc’; chúng ta đã ký kết chính sách đó, và tất cả các thỏa thuận dự kiến này được thực hiện từ đó. Tuy nhiên ý tưởng cho rằng [Đài Loan] có thể bị xâm chiếm bằng vũ lực… thì thật không phù hợp,’ ông nói với các phóng viên ở Tokyo.
Mặc dù TT Biden đã đưa ra những bình luận tương tự nhiều lần trước đây, nhưng nhân viên Tòa Bạch Ốc luôn vội vàng đính chính rằng không có thay đổi chính thức nào trong chính sách Đài Loan của Hoa Kỳ, trong đó họ tuyên bố là sẽ không đơn phương ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.