Hai nhà khoa học ở phòng thí nghiệm Winnipeg bị sa thải vì nói dối về mối quan hệ với Trung Quốc
Andrew Chen
Các tài liệu mới được công bố cho thấy, hai nhà khoa học bị Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia ở Winnipeg sa thải đã không tiết lộ những lần họ tiếp xúc với các tổ chức Trung Quốc và không bảo vệ thông tin và tài sản nhạy cảm.
Hôm 28/02, chính phủ đã đưa ra các tài liệu được chờ đợi từ lâu sau nhiều năm từ chối tiết lộ lý do vì sao các nhà khoa học này bị sa thải, viện cớ lo ngại về quyền riêng tư và an ninh quốc gia.
Tháng 07/2019, bà Khâu Hương Quả (Xiangguo Qiu) và chồng, ông Thành Khắc Định (Keding Cheng), đã bị áp giải ra khỏi phòng thí nghiệm bảo mật cao độ này và bị thu hồi giấy phép an ninh. Sau đó, tháng 01/2021, hay vợ chồng này bị sa thải.
Theo các tài liệu, Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) đánh giá rằng bà Khâu liên tục nói dối về công việc của mình với các tổ chức nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc. Tài liệu này cho biết việc nói dối vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả khi bà được cho xem bằng chứng.
“Bà Khâu tiếp tục phủ nhận toàn bộ, giả vờ không biết gì hoặc nói dối trắng trợn,” CSIS cho biết, theo các tài liệu này.
Một tài liệu hồi tháng 11/2020 cho thấy các quan chức của Cơ quan Y tế Cộng đồng Canada (PHAC), cơ quan giám sát Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia (NML), đã đồng ý với đánh giá của CSIS.
Các điều tra viên nói rằng lòng trung thành của bà Khâu “vẫn còn là mối lo ngại nghiêm trọng” do có những cuộc giao tiếp với các tổ chức có liên quan đến một phần tử ngoại quốc.
Các tài liệu này cũng nói rằng ông Thành đã cho phép những vị khách không có người đi kèm đến làm việc tại NML ít nhất trong hai lần khác nhau. Một báo cáo của PHAC cho biết, ngoài ra, ông đã không ngăn cản việc di chuyển trái phép các vật liệu trong phòng thí nghiệm.
Ông Thành cũng không sẵn sàng nói về sự hợp tác của mình với những thành viên của các cơ quan chính quyền “của một quốc gia khác, cụ thể là các thành viên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
“Những hành động của Tiến sĩ Thành phản ánh hành động của một người bất cẩn với thông tin và tài sản mà mình trông nom, và không sẵn sàng giúp đỡ và trung thực khi bị thẩm vấn về những cuộc liên lạc này,” các tài liệu cho biết.
Năm 2019, Bộ trưởng Y tế Mark Holland nói rằng cả ông và PHAC đều không “chắc chắn” về mức độ mà Trung Quốc sẵn sàng “gây ảnh hưởng đến khoa học và thu thập thông tin.”
Trong một buổi họp báo ngày 28/02, ông Holland, người phụ trách bộ phận giám sát PHAC, cho biết: “Tôi nghĩ rằng có một sự hiểu biết không đầy đủ về mối đe dọa từ sự can thiệp của ngoại quốc.”
“Việc thiếu tuân thủ các nghi thức và thủ tục bảo mật tại các phòng thí nghiệm Winnipeg hồi năm 2019 là không thể chấp nhận được.”
Bình luận về hai nhà khoa học bị sa thải, bộ trưởng nói rằng họ đã không tiết lộ thông tin về các “doanh nghiệp khoa học” khác nhau mà họ có liên quan.
“Thật không may, có những nhân viên đã không trung thực về một số việc họ tham gia,” ông nói, trong khi nhấn mạnh rằng không có thông tin nào đe dọa đến an ninh của Canada được đưa ra khỏi nước này.
Đảng Bảo Thủ chỉ trích chính phủ của Đảng Tự Do vì đã cho phép một người mà là “một mối đe dọa rất nghiêm trọng và khả tin” tiếp cận phòng thí nghiệm bảo mật cao này.
Trong một tuyên bố hôm 28/02, Lãnh đạo Đảng Bảo Thủ Pierre Poilievre cho biết: “Đây là một thất bại lớn về an ninh quốc gia của ông Justin Trudeau và chính phủ Đảng Tự Do của ông ấy, mà ông đã phải tranh đấu đến cùng để che đậy, kể cả không tuân thủ bốn mệnh lệnh của Nghị viện và đưa Chủ tịch Hạ viện ra tòa.”
Làm việc với Trung Quốc
Khi làm việc tại NML, bà Khâu đã nhiều lần đến Viện Virus học Vũ Hán (WIV) ở Trung Quốc, giúp đào tạo nhân viên tại phòng thí nghiệm này về an toàn sinh học cấp độ 4.
Bà cũng hợp tác và phát hành các bài báo với các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc, trong đó có Thiếu tướng Trần Vy (Chen Wei) của Quân Giải phóng Nhân dân. Tờ The Globe and Mail đưa tin rằng một trong những thành viên của quân đội Trung Quốc mà bà Khâu hợp tác – một thành viên của Học viện Khoa học Quân y của Quân Giải phóng Nhân dân – đã làm việc tại phòng thí nghiệm Winnipeg trong một khoảng thời gian.
Khi vẫn còn làm việc tại NML, bà Khâu đã nộp hai bằng sáng chế liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình ở Canada cho các cơ quan Trung Quốc hồi năm 2017 và 2019. Kể từ khi rời phòng thí nghiệm này, bà đã được liệt kê là người đồng phát minh trên một số bằng sáng chế khác đã nộp ở Trung Quốc, gần đây nhất là hồi tháng 06/2023.
Kể từ khi bị sa thải khỏi NML, hai vợ chồng này được cho là đã rời Canada để đến Trung Quốc. Một người có tên là Khâu Hương Quả (Qiu Xiangguo) hiện được liệt kê là một giảng viên của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Bà Khâu không phúc đáp các yêu cầu bình luận của Epoch Times.
Tháng 03/2019, khi vẫn đang làm việc tại phòng thí nghiệm Winnipeg, bà Khâu đã gửi các mẫu virus Ebola và Henipah cho WIV. Những người có thẩm quyền tại NML cho biết việc gửi hàng này đã được thực hiện với sự cho phép thích hợp sau khi nhận được sự bảo đảm từ WIV rằng không có nghiên cứu tăng chức năng (gain-of-function) nào được thực hiện với các loại virus đó tại phòng thí nghiệm này.
Tuy nhiên, một nhà khoa học Hoa Kỳ đã làm chứng tại một phiên điều trần của Thượng viện Hoa Kỳ hồi năm 2022 rằng, theo nghiên cứu của ông, thông tin được WIV chia sẻ trên toàn cầu đã vô tình cho thấy phòng thí nghiệm này có tham gia vào nghiên cứu tăng chức năng về virus Henipah.
Việc công bố các tài liệu
Chính phủ Canada phải mất bốn năm mới công bố các tài liệu đã được biên tập lại một phần về việc sa thải hai nhà khoa học này.
Trong kỳ họp Nghị viện trước đó, chính phủ nước này đã thực hiện một bước đi bất thường là đưa Chủ tịch Hạ viện ra tòa hồi năm 2021 để ngăn chặn việc công bố các tài liệu này. Vụ kiện đã bị hủy bỏ sau khi Nghị viện bị giải tán trong lúc cuộc bầu cử được tiến hành vào năm đó.
Trong Nghị viện nhiệm kỳ mới sau cuộc bầu cử năm 2021, chính phủ của Đảng Tự Do ban đầu đề xướng sẽ công bố các tài liệu này cho các nghị viên thuộc các đảng phái khác nhau trong Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc gia của Nghị viện. Tuy nhiên, việc này đã bị Đảng Bảo Thủ phản đối, cho rằng ủy ban đặc biệt này chịu trách nhiệm trước thủ tướng, chứ không phải trước các nghị viên.
Sau đó, Đảng Tự Do đã thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các nghị viên thuộc các đảng khác nhau để xem xét lại các tài liệu này trước khi công bố rộng rãi.