Hamas và Fatah ký tuyên bố tại Bắc Kinh về việc thành lập chính phủ chung
Bill Pan
Nhiều phe phái khác nhau của Palestine, bao gồm các địch thủ Hamas và Fatah, đã ký kết tuyên bố để thành lập chính phủ chung trong các cuộc đàm phán do chính quyền cộng sản Trung Quốc bảo trợ.
Tuyên bố Bắc Kinh đã được ký tại cuối cuộc đàm phán hòa giải tổ chức tại thủ đô của Trung Quốc từ ngày 21 đến 23/07, theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, do truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp đón quan chức cao cấp của Hamas, ông Moussa Abu Marzouk, Phó Chủ tịch đảng Fatah Mahmoud al-Aloul, và đại diện của 12 nhóm người Palestine nhỏ hơn ở Bắc Kinh. Ông Vương cho biết họ đã đồng ý thành lập một “chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời” để quản lý Dải Gaza ngay khi đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết tuyên bố này gồm có cam kết “chấm dứt chia rẽ và tăng cường đoàn kết” mà không đề cập chi tiết về cách thức và thời điểm sẽ thành lập chính phủ thống nhất. Tuyên bố này cũng công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là “đại diện hợp pháp duy nhất của toàn bộ người dân Palestine”.
PLO được thành lập vào năm 1964 với tư cách là tổ chức bảo trợ thúc đẩy mục tiêu thành lập nhà nước Palestine. Fatah từ lâu đã nắm quyền lãnh đạo cả PLO lẫn Chính quyền Palestine, là tổ chức hiện đang quản lý một phần Tây Ngạn.
Các thành viên Hamas chưa bao giờ nằm trong PLO. Nhóm khủng bố này được Iran hậu thuẫn có tiếng là từ chối chia sẻ quyền lực, kể cả hồi năm 2007 khi Hamas đánh bại Fatah và nắm quyền kiểm soát Gaza sau khi giành được đa số ghế trong các cuộc bầu cử năm trước đó.
Israel đã chỉ trích lãnh đạo Fatah Mahmoud Abbas vì đã tìm cách đồng cai trị Gaza với Hamas – tổ chức đã châm ngòi cho cuộc chiến hiện tại qua vụ xâm lược chưa từng có vào miền nam Israel ngày 07/10/2023,.
“Thay vì cự tuyệt chủ nghĩa khủng bố, ông Mahmoud Abbas lại chạy theo những kẻ sát nhân và cưỡng gian Hamas, làm lộ bộ mặt thật của mình,” ông Israel Katz, Ngoại trưởng Israel, viết trên X hôm 23/07.
Phản ứng trước việc Bắc Kinh hậu thuẫn cho một chính phủ Palestine có Hamas, ông Katz bác bỏ ý tưởng như vậy vì cho rằng nó phi thực tế. Ông nói rằng khi chiến tranh kết thúc, sẽ không còn Hamas để thành lập chính phủ chung.
“Trên thực tế, điều này sẽ không xảy ra vì sự cai trị của Hamas sẽ bị dẹp bỏ, và ông Abbas sẽ theo dõi Gaza từ xa,” ông viết. “An toàn của Israel sẽ vẫn chỉ do Israel nắm giữ mà thôi.”
Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông
Tuyên bố này cũng đánh dấu toan tính khác của Trung Cộng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao sang Trung Đông, tự xem mình là bên thay thế Hoa Kỳ trong việc hòa giải xung đột.
Năm 2023, các quan chức Iran và Saudi Arabia đã gặp nhau tại Bắc Kinh và ký thỏa thuận nối lại mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia vùng Vịnh này. Thỏa thuận Saudi–Iran được xem là cố gắng của Trung Cộng muốn đạt được thế cân phân với Hiệp định Abraham do Hoa Kỳ bảo trợ – hiệp định đã bình thường hóa bang giao giữa Israel và bốn quốc gia Ả Rập.
Là một phần trong chiến dịch gây ảnh hưởng toàn cầu của mình, Trung Cộng đã tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nhóm khủng bố như Hamas và Taliban.