Hàn gắn văn hóa bắt đầu từ người Cha
Không cần nhìn đâu xa xôi, chỉ cần nhìn lại từng gia đình thì có thể hiểu tại sao nền văn hóa của chúng ta ngày càng xuống cấp, và mâu thuẫn chính trị ngày càng gay gắt.
“Gốc rễ vấn đề trong nền văn hóa hiện nay của chúng ta là có quá nhiều người không có cha. Các thanh niên nam, nữ trưởng thành rồi trở thành các chính khách, nhưng chưa từng được cha nuôi dạy. Vết thương lòng vì không có cha trong cuộc đời khiến họ nhìn thế giới qua lăng kính cuộc đời họ – đêm qua Hoa Kỳ có trên 24 triệu trẻ em đi ngủ mà không có cha ruột bên cạnh để có thể ghi lại trong nhật ký những kỷ niệm với cha mình,” Ed McGlasson, người bị mồ côi cha từ trước khi ông được sinh ra, cho biết.
McGlasson đã viết hai cuốn sách về ảnh hưởng của người cha, và mới xuất bản cuốn thứ ba với những lời hướng dẫn thực tế hơn, “Làm Thế Nào Để Trở Thành Người Chồng, Người Cha Mà Gia Đình Bạn Cần”.
Nghiên cứu các số liệu thống kê trong nhiều thập kỷ, ông McGlasson nhận thấy những đứa trẻ lớn lên không có cha mẹ ruột sẽ tệ hơn nhiều so với những đứa trẻ có đầy đủ cha mẹ ruột – cha mẹ đã kết hôn. Trong cuốn sách của mình, ông đã liệt kê một danh sách dài như: các vụ tự tử của thanh thiếu niên cao hơn 5 lần, tỷ lệ bỏ học cao hơn 9 lần, rối loạn hành vi cao hơn 20 lần, tất cả đều so với mức trung bình. Khoảng 85% thanh thiếu niên trong tù là những đứa trẻ không cha, và McGlasson cho biết thêm rằng việc bị cha bỏ rơi thường sẽ đưa đứa trẻ vào một nhà tù vô hình.
Mặc dù các số liệu thống kê này đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề vắng bóng người cha trong gia đình, nền văn hóa Hoa Kỳ hiếm khi khích lệ tình phụ tử.
Ông nói: “Vấn đề là khi bạn không có cha, bản sắc cá nhân bị lạc mất. Khi vai trò của người cha được khôi phục, gia đình đó sẽ thay đổi. Tôi đã thấy điều này hàng ngàn lần rồi. Điều đó cũng đã thay đổi gia đình tôi.”
Tạo nên bản sắc
Cha của McGlasson là một phi công thử nghiệm phi cơ cho Hải quân. Vào đêm ngày 28/05/1966, ông đã khoanh tròn điều gì đó trong cuốn Kinh thánh của mình; vợ ông nhìn ông và hỏi rằng có phải bà sắp mất ông không. Ông giật mình nói không và hỏi tại sao bà lại hỏi như vậy.
“Anh vừa có một cái nhìn rất lạ trên khuôn mặt,” mẹ McGlasson nói. Ngày hôm sau, cha ông để lại thẻ bài và đi thử nghiệm một chiếc phản lực cơ vào Ngày Chiến sĩ Trận Vong (Memorial Day). Trên không phận của một bờ biển đông kín người, động cơ đã hỏng, và người cha phi công của ông phải quyết định hoặc là nhảy ra để máy bay rơi xuống dưới đám đông hoặc phải lái máy bay để nó đâm xuống biển.
“Ông đã lái nó đâm xuống biển với tốc độ vài trăm dặm một giờ, và ông đã thiệt mạng ngay tại chỗ,” ông McGlasson kể.
Mẹ ông không muốn ông lớn lên mà không có cha, nên bà đã đi bước nữa; cha dượng của McGlasson là trung sĩ có tính kỷ luật.
Ông McGlasson kể lại, “Ông ấy đã làm những gì mà hầu hết các ông bố đều làm; đó là làm cha theo cách mà cha họ đã từng nuôi dạy họ. Cha của ông là một người mạnh mẽ, kiểu người độc đoán, và dạy toàn là về bóng bầu dục, về thành tích. Ông thúc tôi nỗ lực, và là một đứa trẻ, tôi đã nhận ra rằng cá tính của tôi, bản sắc thực sự của tôi, phải là một người chiến thắng.” Sau đó, McGlasson đã vào đại học với một suất học bổng môn bóng bầu dục và mang ước mơ đó suốt chặng đường đến giải NFL.
Sau này, khi ông McGlasson trở thành cha, ông cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông nhớ lại lần đầu ông nhìn thấy đứa con trai đầu lòng của mình trong phòng hộ sinh. Khi ông bế con lần đầu trong đời, trong đầu ông chợt hiện lên hai điều, đó là “niềm vui sướng không thể tin nổi và cả nỗi sợ hãi tột độ – bởi vì tôi không biết mình phải làm cha như thế nào.”
Ông có ba con trai và hai con gái; tất cả đều đã trưởng thành, và ông nói ông đã vướng phải một số sai lầm trong tuổi thơ của bọn trẻ.
“Không phải tôi không yêu con mình, tôi chưa bao giờ được cha dượng chỉ cho cách để yêu thương, để hiện diện, và để nói về cuộc sống cho những đứa con của mình,” ông nói.
Rồi một ngày, ở trong một sự kiện diễn thuyết, ông McGlasson được yêu cầu tháo thẻ bài – chiếc thẻ bài của cha ông – từ cổ ra vì nó chạm vào micro, và ông cảm thấy Chúa nói với ông.
“Thời gian như ngừng lại và cho tôi đáp án của câu hỏi tôi có trong suốt cuộc đời mình; đó là: ‘Tại sao Chúa lại đem cha con đi sớm như vậy?’” ông kể. “Và Chúa đã nói thẳng vào tâm tôi, ngay đúng khoảnh khắc đó: ‘Ta cho cha con về nhà sớm là để ta có thể trở thành cha của con.’ Vậy là tôi đã được chữa lành.”
McGlasson là một người theo đạo Cơ Đốc; một tai nạn chấn thương đầu gối khi học đại học đã đưa ông tới một phép màu và cuộc gặp gỡ với Chúa; ông nói về chúa Jesus, và trích dẫn từ kinh thánh. Nhưng ông nói vấn đề trong nền văn hóa do tình trạng không cha này rất là phổ biến.
“Thực tế là có một nhà khoa học vô thần đến dự một trong các sự kiện của tôi,” ông kể. “Ông ấy đến ngồi ở phía sau và đã khóc trong suốt thời gian của sự kiện; vào cuối buổi, ông ta nắm lấy tay tôi kéo vào góc phòng và nói, ‘Tôi đã là một người vô thần suốt đời là vì – giờ tôi nhận ra rằng, bởi vì tôi ghét cha mình. Tất cả những gì tôi đã làm là để chứng minh bản thân mình với cha mình, nhưng ông thì chưa bao giờ ngoảnh lại nhìn tôi.’”
Ông giữ liên lạc với người đàn ông này. Anh ấy không chỉ được chữa lành và tìm thấy Chúa, mà còn giúp anh trai anh ấy, và sau đó là cả gia đình anh.
Không bao giờ là quá muộn
Vài năm trước, một người đàn ông gọi ông Glasson sau khi đọc xong cuốn sách về tầm quan trọng của việc có cha, và ông ấy cảm thấy mình đã bỏ rơi con gái của mình. Người đàn ông ấy đã trải qua cuộc ly hôn trong cay đắng vào 20 năm trước, và ngay từ đầu khi ông cố gắng kết nối lại, vợ cũ của ông đã gửi trả lại những bức thư chưa bóc, và nói rằng đối với họ ông đã chết rồi.
Họ nói chuyện và cầu nguyện rất lâu; cuối cùng ông McGlasson bảo ông ấy cầm bút lên và viết những lời này cho con gái, “Hãy giúp cho cha hiểu cha đã làm tổn thương con như thế nào khi cha và mẹ ly hôn”. Ông ấy đã gửi thư đi mà không biết liệu có nhận được hồi âm hay không.
Một tuần sau, ông nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ yêu cầu được gặp mặt. Đó chính là cô con gái mà ông đã không gặp trong suốt 20 năm qua. Họ gặp nhau ở một nhà hàng nhỏ trong thị trấn; cả hai đều căng thẳng khi cô con gái đến gần chỗ mà ông đã ngồi đợi trước. Ông đã choáng váng khi cô con gái hỏi, “Cha ơi, con xấu như thế ư?” Cô nghĩ ông rời bỏ gia đình bởi vì cô không đáng được yêu thương. Cho dù sau nhiều thập kỷ, hòa giải không chỉ là điều có thể, mà còn là điều cần thiết.
Đó là một cuộc hội ngộ đầy nước mắt, và khi kết thúc bữa ăn, cô đã yêu cầu ông đi chung xe với cô. Khi xe dừng lại, người đàn ông nói với McGlasson rằng ông nghe thấy tiếng trẻ con hét lên, “Ông đến rồi, ông đến rồi!”
Khi nhìn ra ngoài cửa xe, ông thấy hai đứa cháu của mình chạy ra khỏi cửa, nhào tới ôm ông và gọi ông là ông ngoại.
“Chúng ta đã thấy một nền văn hóa thiếu người cha là như thế nào – nó thật sự xấu. Nếu chúng ta giúp đỡ, tiếp thêm sức mạnh, đem lại hy vọng cho những người đàn ông, đồng thời bỏ đi những định kiến không tốt với họ – có rất nhiều người đã bị vướng mắc vì điều đó – hướng dẫn họ cách xin được tha thứ, hướng dẫn họ làm sao để tu dưỡng chính mình vì vợ con, đem lại cho họ hy vọng rằng họ có thể trở thành một người chồng và một người cha mà gia đình họ cần, thì sẽ thay đổi được đất nước của chúng ta, và chúng ta có thể thay đổi thế giới.”